Thứ Hai, 03/03/2008 07:26

ĐBSCL:

Nghề nuôi cá tra lao đao do "bão lãi suất"

- Tại Đồng bằng sông Cửu Long, giới nuôi cá đang đối mặt với nhiều khó khăn do từ 20/2, lãi suất ngân hàng đã tăng gấp gần 2 lần trong khi người dân còn bị ép giá bán cá. Nếu không có biện pháp giải quyết, nghề nuôi cá tra xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Ông Trương Minh Đức, tên thường gọi là Tư Đức, quê ở Phụng Hiệp lên mua đất ở cồn Sơn, quận Bình Thuỷ, Cần Thơ để nuôi cá tra. Trong ba năm qua, năm nào ông cũng nuôi cá có lời. Tuy nhiên, ông Tư Đức đang rất lo lắng về vụ cá năm nay vì thị trường tiền tệ biến động quá mạnh.

Cú sốc "bão tăng lãi suất ngân hàng"

Theo ông Tư Đức, với 1ha (Nam Bộ) đất nuôi cá tra phải phân ra 3 ao, mỗi ao có tổng diện tích hơn 300m2. Và muốn nuôi 3 ao cá, chỉ tính vốn đầu tư con giống và thức ăn (không tính chi phí đào ao) phải cần khoảng 1,3 tỉ đồng, trong thời gian 6 tháng. Phần lớn chi phí này trước đây được ngân hàng cho vay. Khi bán cá thì trả tiền vay và tiếp tục vay vốn cho đợt nuôi tiếp theo.

Tuy nhiên, từ sau 20/2 không chỉ giá thức ăn tăng lên mà lãi suất ngân hàng cũng bất ngờ tăng mạnh lên 1,5-1,8%/tháng tùy vào thời hạn vay (trước đó, lãi suất khoảng 1%/tháng) đã khiến nhiều người nuôi cá phải "xanh mặt". Nhiều người phụ thuộc quá lớn vào ngân hàng đang gặp khó. Cá không thể ngưng cho ăn, vì vậy nhiều người nuôi cá đang phải chạy đôn, chạy đáo lo tiền cho cá ăn.

Đã vậy, giá cá tra thịt trắng ngày 1/3 tại Cần Thơ được các doanh nghiệp thu mua 14.200 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg so với ngày 28/2 và rẻ hơn trước đó 10 ngày là 1.000 đồng/kg. Giá cá sụt giảm nhưng lượng bán ra cũng rất chậm do doanh nghiệp thiếu tiền mặt để thu mua cá.

Ngoài cồn Sơn có hàng chục ha đất nuôi cá tra, cù lao Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, Cần Thơ cũng là điểm nuôi cá tra số lượng lớn với gần 500ha cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự.

Anh Nguyễn Hoàng Phong 35 tuổi, người có 1,5ha ao nuôi cá tra tại điểm cuối cù lao, cho biết: “Tôi cũng như phần lớn anh em nuôi cá tra ở đây đều nhờ vào vốn vay ngân hàng để nuôi cá. Lãi suất tăng lên 1,5 - 1,8%/tháng có nghĩa là đã tăng gần gấp 2 lần so với trước đây. Trong khi giá cá chỉ là 13.000-14.000 đồng. Người nuôi cá đang đứng bên bờ vực của thua lỗ!”.

Trước tình hình lạm phát có chiều hướng gia tăng, ngân hàng siết đầu ra cho vay đối với người nuôi cá và các doanh nghiệp từ cuối tháng 2/2008.

Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh An Giang, ông Phan Văn Danh cho biết, cá tra không thể ngưng cho ăn một ngày nhưng ngân hàng đã không giải ngân một tuần, làm cho nhiều người nuôi cá điêu đứng.

"Từ việc ngưng cho người nuôi cá vay tiền đến việc tăng lãi suất đã làm cho những người nuôi cá “ bị sốc” về tâm lý khá lớn”, ông Danh nói.

Doanh nghiệp đang ép giá người nuôi cá?

Trong khi đó, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Khánh cho rằng: “Đối với cá tra chế biến xuất khẩu, thị trường thế giới vẫn chạy đều và doanh nghiệp sản xuất có lãi. Tuy nhiên, vào tuần cuối tháng 2/2008 vừa qua, giá cá tra nguyên liệu đột nhiên khựng lại và giảm giá từ 500-1.000 đồng/kg".

Lợi dụng tình trạng thiếu tiền mặt trong thu mua chế biến cá tra xuất khẩu và người nuôi cá rối rắm do thiếu vốn đầu tư, đã có hiện tượng một vài doanh nghiệp “ép giá mua cá nguyên liệu” của người nuôi, hạ giá thành mua vào.

Ông Khánh phân tích thêm: “Lãi suất tăng, giá thức ăn tăng lên, thuốc thuỷ sản và con giống cũng tăng … tính ra, giá thành đầu tư lên đến khoảng 14.000 đồng/kg cá nguyên liệu. Như vậy, nếu giá đứng ở mức 14.000 đồng/kg cá tra thịt trắng, người nuôi sẽ bị lỗ công. Chưa kể, nếu hao hụt lớn hơn mức bình thường thì sẽ bị lỗ vốn”.

Theo ước tính của Hội nghề cá Việt Nam, sản lượng cá tra nguyên liệu năm 2008 ở ĐBSCL sẽ tăng lên hơn một triệu tấn. Giá một tấn cá như hiện nay là 14 triệu đồng, như vậy tổng số tiền mà 1 triệu tấn cá nguyên liệu phải cần đến lên tới 14 ngàn tỷ đồng? Nó đòi hỏi lưu lượng tiền đầu tư cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến rất lớn.

Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh An Giang, cho rằng, trước khi ngân hàng hạn chế cho người nuôi cá vay vào cuối tháng 2-2008, các doanh nghiệp thu mua cá tra thịt trắng 15.000-15.200 đồng/kg, sau đó giá cá sụt dần từ 500-1.000 đồng/kg. Không hẳn các doanh nghiệp đều thiếu tiền mua cá. Một số doanh nghiệp có vốn dự trữ, vốn tự có tức là có tiền mặt nhưng vẫn ép giá người nuôi, vì biết rằng đa số người dân thiếu vốn phải bán tháo cá nguyên liệu trong lúc này.

Ông Danh còn tiết lộ, hôm 29/2, Hội nghề cá tỉnh An Giang đã có bản kiến nghị gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Nội dung kiến nghị này đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải ưu tiên đầu tư cho sản xuất nuôi trồng thuỷ sản. Nếu không đảm bảo được nguồn vốn vay cho nghề nuôi cá, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và chế biến cá tra xuất khẩu”.

Còn ông Bửu Huy, Giám đốc Xí nghiệp đông lạnh thuỷ sản Aseafood cho biết: Với mức lạm phát gia tăng như hiện nay, lãi suất vay tăng, cả người nuôi cá và người chế biến hàng xuất khẩu đang chịu sức ép lớn về lãi suất. Giá thành đầu tư cao, giá thu mua cá nguyên liệu thấp có thể làm người nuôi cá bị lỗ . Ngay cả doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, lãi suất quá cao sẽ làm cho giá thành tăng lên, giảm tính cạnh tranh của hàng thuỷ sản chế biến, xuất khẩu Việt Nam.

vnn

Các tin tức khác

>   Tây Ban Nha đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam (03/03/2008)

>   Đức mong muốn hiện diện nhiều hơn tại Việt Nam (03/03/2008)

>   Bà Rịa - Vũng Tàu: Số dự án đầu tư được cấp phép bằng 50% kế hoạch năm (02/03/2008)

>   Đồng Nai: 2 tháng thu hút 250 triệu USD vốn đầu tư FDI (02/03/2008)

>   VCCI – cầu nối của các doanh nghiệp với chính quyền và ngành chức năng (02/03/2008)

>   Than “rục rịch” tăng giá (02/03/2008)

>   An Giang: XK thủy sản tiếp tục tăng mạnh cả về lượng và giá trị (02/03/2008)

>   Cần 48 tỷ USD xây dựng hệ thống đường cao tốc (02/03/2008)

>   Bộ Xây dựng: Lập thêm 2 đề án tập đoàn kinh tế (02/03/2008)

>   Xe Hybrid hấp dẫn người dân Hà Nội (02/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật