Than “rục rịch” tăng giá
Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa gửi Công văn số 889/CV-KH tới các Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty thuộc 4 hộ sử dụng than cho sản xuất Điện, Xi măng, Phân bón và Giấy, thông báo tình hình giá bán than trên thị trường hiện nay và dự kiến tiếp lộ trình điều chỉnh giá trong nước năm 2008.
Trước đó hai ngày, TKV cũng đã gửi Công văn số 811/CV-KH tới các Công ty/đơn vị sử dụng than ở thị trường trong nước thông báo lộ trình giá bán than và ký hợp đồng mua bán than ở thị trường trong nước năm 2008. Việc TKV liên tiếp ra hai Công văn này là nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị sử dụng than chủ động tính toán, cân đối hợp lý nhu cầu than cho sản xuất của mình; TKV cũng chủ động cân đối kế hoạch sản xuất kinh doanh, đồng thời khẳng định sẽ sớm tăng giá bán than cho phù hợp với cơ chế thị trường.
Tổng Giám đốc TKV Trần Xuân Hoà cho biết, từ cuối năm 2007, TKV đã cùng với Tổng Công ty (TCT) Xi măng Việt Nam và các hộ sử dụng than cho sản xuất xi măng, TCT Hoá chất Việt Nam và TCT Giấy Việt Nam thoả thuận thống nhất mức giá điều chỉnh từ 1/1/2008 trên cơ sở mức giá bán vào các hộ khác trong nước đã áp dụng từ 2/4/2007. Cụ thể, than cám 3a là 820.000 đồng/tấn; than cám 3b là 790.000 đồng/tấn; than cám 3c là 650.000 đồng/tấn; than cám 4a là 580.000 đồng/tấn....
Đối với các hộ khác sử dụng than ở thị trường trong nước, từ năm 2007, do giá cả đầu vào tăng cao, giá năng lượng thế giới có nhiều biến động đã làm thay đổi căn bản mặt bằng giá bán than trên thị trường. Trong khi đó, hiện nay, một số một số đơn vị sử dụng than trong nước có nhu cầu mở rộng sản xuất nhưng chưa nắm chắc được tình hình giá cả trên thị trường, chưa chủ động đăng ký mua than với Tập đoàn, hoặc lại đăng ký quá nhu cầu thực tế của mình nhất là than cục làm cho TKV gặp rất nhiều khó khăn trong cân đối kế hoạch sản xuất kinh doanh. Trước tình hình đó, TKV đã từng bước điều chỉnh giá bán ở thị trường trong nước và thêm một nấc trong đầu năm 2008.
Tuy nhiên, theo tính toán của TKV, do mức giá bán từ 1/1/2008 vào các hộ xi măng, giấy, phân bón ở trên vẫn thấp hơn giá thành và mới bằng 70-80% giá bán than cho các hộ sử dụng than thị trường trong nước hiện nay và bằng trên dưới 50% giá bán than xuất khẩu cùng loại; giá bán than vào các nhà máy điện hiện nay cũng chỉ bằng 65% giá thành, bằng 55% giá bán các hộ khác trong nước và bằng 45% giá xuất khẩu cùng loại. Bên cạnh đó, "theo Thông báo số 109/TB-BTC ngày 5/2/2007 của Bộ Tài chính thì từ 1/7/2008, giá than cho sản xuất điện sẽ tăng thêm 20% so với giá hiện hành thì vấn thấp hơn nhiều so với giá thành và giá các hộ khác", ông Hoà khẳng định. Mặt khác, do mức chênh lệch giữa giá than trong nước (kể cả than bán vào các hộ khác ngoài 4 hộ lớn) và giá than trên thị trường khu vực vẫn còn lớn đã tạo ra việc một số doanh nghiệp mua than với giá trong nước rồi tìm cách xuất khẩu hưởng chênh lệch giá. Mặc dù TKV đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ việc bán than cho các nhu cầu trong nước nhưng TKV đã thừa nhận "rất khó có thể kiểm soát hết được các hoạt động gian lận".
Với lộ trình điều chỉnh giá than sử dụng ở thị trường trong nước theo cơ chế giá thị trường mà TKV đã gửi các công ty/đơn vị tại Công văn số 811, ngày 18/2/2008 kèm theo Bảng giá than trên thị trường hiện nay và mức giá dự kiến sẽ sớm được điều chỉnh trong năm 2008, giá bán than sử dụng ở thị trường trong nước = giá FOB xuất khẩu - thuế xuất khẩu - chênh lệch chi phí bán than xuất khẩu và trong nước cùng loại. Trong đó, giá FOB than xuất khẩu được xác định trên cơ sở giá than thị trường khu vực và kết quả đấu giá một số chủng loại than do TKV thực hiện. Nguyên tắc cung cấp than của TKV là với cùng mức giá tính theo nguyên tắc thị trường ở trên thì trước hết ưu tiên cung cấp than cho nhu cầu trong nước.
Theo đó, giá bán than trong nước hiện hành (chưa có thuế GTGT) dự kiến được điều chỉnh như sau: đối với vùng Hòn Gai, Cẩm Phả, than cục có mức tăng từ 1 triệu đến 1,21 triệu đồng/tấn; than cám mức tăng từ 50.000-985.000 đồng/tấn; vùng Mạo Khê, Tràng Bạch, than cục mức tăng từ 720.000-780.000 đồng/tấn, than cám từ 42.000-325.000 đồng/tấn; vùng Vàng Danh, Nam Mẫu, than cục tăng từ 560.000-1,4 triệu đồng/tấn, than cám từ 76.000-964.000 đồng/tấn; Than cám Núi Hồng tăng từ 88.000-146.000 đồng/tấn; Than cục Khánh Hoà tăng 164.000 đồng/tấn, than cám tăng từ 84.000-146.000 đồng/tấn…. Như vậy, than cục và than cám loại tốt có mức tăng nhiều nhất.
Cuối năm trước, do 3 hộ xi măng, giấy và phân bón đã thống nhất mức giá bán than hiện hành còn chênh lệch nhiều so với giá bán vào các hộ khác và thấp hơn nhiều so với giá than xuất khẩu nên TKV sẽ xem xét mức giá để điều chỉnh lần tiếp theo trong quý 2/2008 (đối với xi măng) và từ 1/7/2008 (đối với giấy, phân bón) cho phù hợp cơ chế giá thị trường.
Đối với giá than cho sản xuất điện, TKV cho rằng cũng cần được xem xét sớm để thực hiện theo cơ chế giá thị trường nhất là khi nhu cầu than cho điện sẽ tăng đột biến trong giai đoạn 2011-2015, khi đó dự kiến sẽ bắt đầu phải nhập khẩu than. Tổng Giám đốc Trần Xuân Hoà kiến nghị cần phải có chính sách giá than hợp lý ngay từ bây giờ (trên cơ sở lấy giá than phải nhập khẩu làm đối chứng) để đầu tư tăng sản lượng và phát triển các mỏ mới.
Ngoài ra, nhằm tránh gian lận thương mại do giá than trong nước còn thấp hơn nhiều so với giá xuất khẩu, TKV đã đề nghị các khách hàng mua than ở trong nước có biện pháp quản lý chặt chẽ khối lượng than mua của TKV. Về vấn đề này, " TKV sẽ xem xét để sớm điều chỉnh giá bán than cho phù hợp", ông Hoà nói.
ttxvn
|