Chủ Nhật, 02/03/2008 15:03

Khai thác thế mạnh cảng nước sâu Vũng Áng

Vũng Áng trên bản đồ  như cánh cung bị uốn cong bởi dãy núi nhô ra biển. Với độ sâu 10,5 m (khi  thủy triều chưa lên), các chuyên gia ước tính, chỉ cần đầu tư một con đê chắn sóng thì vũng hoang sơ này  sẽ trở thành cảng nước sâu tuyệt vời trên tuyến hàng hải quốc tế đi Nam Á, Bắc Mỹ và châu Âu.

Ông Lê Xuân Oanh, Bí thư Ðảng ủy xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, còn nhớ như in ngày 7-3-2001, khi  cầu cảng đầu tiên đi vào hoạt động. Sự kiện  này có ý nghĩa đột phá đối với một vùng đất nghèo. Nhiều thanh niên làng biển vốn chỉ quen nghề chài lưới nay có thêm "nghề mới" ở các công trường, nhà máy, bến cảng. Từ năm 2003, Vũng Áng bắt đầu nhộn nhịp cảnh "trên bến dưới thuyền" và từng bước khẳng định tiềm năng của một cảng biển.

Xây dựng  thương hiệu

Ông Dương Thế Cường, Giám đốc Cảng Hà Tĩnh, kể khi Cảng Vũng Áng  ra đời thì khu vực miền trung đã có nhiều cảng biển hoạt động như: Cảng Nghi Sơn, Cảng Cửa Lò, Cảng Sông Gianh... nên đua tranh với các "cảng đàn anh" không dễ, làm gì để  có được thương hiệu là cả vấn đề lớn. Nếu xét về yếu tố tự nhiên thì  cảng Vũng Áng có nhiều lợi thế: Cách phao số 0 chỉ 1,8 hải lý (hơn 3 km), luồng lạch không bị bồi lắng, việc ra vào của tàu không phụ thuộc thủy triều, nên có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn hàng chục nghìn tấn,  giúp giảm một nửa chi phí vận chuyển, đây là lợi thế trời cho.

Ý thức được chất lượng phục vụ có ý nghĩa quyết định trong cạnh tranh, Ban Giám đốc Cảng Hà Tĩnh đã thống nhất đề ra chính sách: Hiểu và đáp ứng tối đa các yêu cầu của khách hàng là nguyên tắc làm việc của cảng. Ðược cụ thể hóa thành mục tiêu: Cung cấp dịch vụ xếp dỡ năng suất cao và thời gian lưu tàu ở cảng ngắn nhất,  phối hợp với Cảng vụ và các cơ quan chức năng áp dụng chính sách "một cửa không dấu".

Thay vì kiểm tra, kiểm soát trực tiếp trên tàu, các đơn vị quản lý Nhà nước khu vực cảng giải quyết thủ tục ngay tại văn phòng "một cửa", chỉ 15 phút là có thể xếp dỡ hàng hóa được ngay. Mọi vướng mắc trong quá trình xếp dỡ, Trưởng ca điều độ có thể giải quyết nhanh gọn với nhà tàu. Công tác kiểm tra tàu biển nhằm bảo đảm an toàn cho thủy thủ, phương tiện lẫn hàng hóa luôn được cảng vụ và các đơn vị liên quan chú trọng,  nhiều khiếm khuyết trong quá trình chạy tàu được phát hiện, xử lý kịp thời.

Vấn đề đào tạo lực lượng lao động được đặt lên hàng đầu, Giám đốc Xí nghiệp xếp dỡ Lê Văn Huy cho biết: Muốn trở thành công nhân Cảng Vũng Áng phải biết nhiều nghề, thạo một nghề cho nên công nhân sau khi tuyển dụng phải được đào tạo thêm từ hai đến ba chuyên môn sâu, như: Lái xe, lái cẩu, lái máy... để khi  cần họ có thể làm nhiều việc. Với cách tổ chức chặt chẽ, khoa học, phân công hợp lý, giao trách nhiệm đến từng người, Cảng Vũng Áng đã có một đội ngũ lao động tinh nhuệ có kỷ luật và năng suất cao. Ông Nguyễn Thế Hiển, Thuyền trưởng tàu Pacipic - tải trọng 36 nghìn tấn thường xuyên vào Cảng Vũng Áng giải thích, thời gian là tiền bạc, giải phóng  nhanh một ngày đối với tàu trọng tải 36- 45.000 tấn là tiết kiệm khoảng 15.000 USD.

Với những yếu tố tự nhiên thuận lợi và cách tổ chức khoa học, cảng đã làm giảm  chi phí của các tàu đến xếp dỡ hàng, đây là yếu tố quyết định để thu hút khách hàng về cảng vì thế số lượng tàu đến Vũng Áng ngày càng tăng. Năm 2003, mới có 84 lượt tàu thì đến năm 2006 đã tăng lên 341 lượt. Năm 2007, do ảnh hưởng nặng nề của hai cơn bão số 2 và số 5, số  tàu đến Vũng Áng giảm còn 249 lượt, nhưng đã xuất hiện nhiều tàu trọng tải lớn từ 10.000 đến 50.000 tấn, góp phần nâng sản lượng hàng hóa qua cảng đạt xấp xỉ một triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay, gấp đôi công suất thiết kế của cầu cảng. Sáng mồng 2 Tết Mậu Tý, tàu Inlaco Summer đã vào cảng để bốc những tấn hàng đầu năm và ngoài vịnh có bốn  tàu hàng tải trọng lớn đang xếp hàng chờ... Ðiều đó cho thấy hiệu quả đầu tư hệ số khai thác của Cảng Vũng Áng rất cao...

Tầm nhìn tương lai

Ðối với Cảng Vũng Áng, việc bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển luôn là một bài toán khoa học, để chuẩn bị cho cuối năm 2008 đưa cầu cảng số 2 dài 272 mét, công suất 860.000 tấn/năm vào hoạt động, thì ngay từ bây giờ, lãnh đạo cảng đã tổ chức đào tạo khoảng 30-50 người để đảm nhận công việc mới.

Hiện nay, Khu Kinh tế Vũng Áng đang kêu gọi nhiều dự án đầu tư lớn, như: Dự án liên hợp luyện kim công suất 4-5 triệu tấn/năm; Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê trữ lượng hơn 540 triệu tấn, công suất khai thác 5-10 triệu tấn/năm; Dự án Trung tâm nhiệt điện Vũng Áng, tổng công suất 3.600 MW, mỗi năm tiêu thụ khoảng 9 triệu tấn than. Ðồng thời, Cảng Vũng Áng còn là cửa ngõ ra biển ngắn nhất trên đường xuyên Á cho nước bạn Lào và vùng Ðông Bắc Thái-lan với tiềm năng dồi dào về các loại khoáng sản: sắt, gỗ, thạch cao có trữ lượng lớn... cho nên khối lượng hàng hóa đi theo đường biển qua Vũng Áng là rất lớn.

Việc đầu tư phát triển cảng biển  Vũng Áng sẽ là tất yếu. Theo  tính toán đến năm 2025, Cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương sẽ có quy mô 30-40 cầu cảng, bảo đảm cho các loại tàu trọng tải từ 50.000 đến 100.000 tấn có thể cập bến an toàn, với khối lượng hàng hóa lưu chuyển tối đa lên tới 40 triệu tấn/năm. Hiện tại, Cảng Vũng Áng mặc dù đang ở giai đoạn khởi động nhưng tiềm năng, thương hiệu và sức cạnh tranh của cảng đã từng bước được khẳng định,  nhiều khách hàng đã lựa chọn Vũng Áng thay vì các cảng ra đời trước đó.

Thí dụ như Nhà máy xi-măng Sông Gianh chọn Cảng Vũng Áng có cự ly vận chuyển xa hơn 25 km so với cảng khác để bốc xếp hàng hóa. Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam sau khi  khảo sát ở Bắc Trung Bộ đã chọn Cảng Vũng Áng làm nơi bốc dỡ than cung ứng cho các khách hàng trong khu vực, tiến tới xây dựng một cảng than riêng với công suất hằng năm lên tới 3-6 triệu tấn để cấp nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện.

Mới đây Tập đoàn Dầu khí, Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam và một tập đoàn đầu tư bất động sản TP Hồ Chí Minh đang  triển khai đầu tư cảng trung chuyển quốc tế cho nước bạn Lào, Ðông Bắc Thái-lan với trị giá đầu tư khoảng 200 triệu USD...  

Cuối năm 2007, Cảng Hà Tĩnh trở thành thành viên của Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh. Ðây là sự sáp nhập để tăng tiềm lực,  tạo chuyển biến trong  đáp ứng dịch vụ hậu cần quan trọng cho cảng,  khởi động dự án xây dựng tổng kho xăng dầu tại khu vực Vũng Áng. Khi dự án này hoàn thành, cảng có thể hoàn toàn chủ động  trong việc cung ứng nguyên liệu cho tàu ra vào.

Ông Nguyễn Nhật, Tổng Giám đốc Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ đầu tư lắp cẩu chân đế và triển khai xây dựng cảng công-ten-nơ ở Vũng Áng cùng với nhiều cơ sở hạ tầng dịch vụ khác để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu.  Dự báo từ năm 2009 trở đi sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Vũng Áng có thể đạt tới 1,5 - 2 triệu tấn.

Từ năm 2010, theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, Vũng Áng sẽ có sự đột biến về hàng hóa thông qua cảng. Tuy nhiên để tốc độ tăng trưởng của cảng được duy trì ở mức cao,  trong những năm tới, tỉnh Hà Tĩnh cần quan tâm ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cảng biển, nhất là hệ thống thông tin liên lạc, điện, nước... để phát huy hiệu quả của một cảng biển có nhiều lợi thế.

nd

Các tin tức khác

>   Hỗ trợ, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản (02/03/2008)

>   Phú Quốc đứng đầu trong 5 bãi biển đẹp nhất thế giới (02/03/2008)

>   VN: Thị trường BĐS trọng điểm của châu Á, chỉ sau TQ (02/03/2008)

>   Nhà máy khí điện Cà Mau 1 hòa lưới điện quốc gia (02/03/2008)

>   Đưa kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn (01/03/2008)

>   Indonesia nhập khẩu gạo của Việt Nam (01/03/2008)

>   Khó kiềm chế nhập siêu? (01/03/2008)

>   Chủ tịch CapitaLand: Cần loại bỏ đầu cơ nhà đất (01/03/2008)

>   Xuất khẩu sang EU vẫn tăng mạnh (01/03/2008)

>   Coi chừng diện tích cà phê “xé rào” (01/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật