Xuất khẩu sang EU vẫn tăng mạnh
Cho dù mức tăng trưởng của xuất khẩu Việt Nam sang thị trường EU trong năm 2008 được dự báo là 23%, thấp hơn năm 2007 5,2%, nhưng các chuyên gia khẳng định rằng, đây vẫn là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh hàng xuất khẩu của đất nước ngày càng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hoá các nước tại thị trường này, cũng như các rào cản thương mại.
Các mặt hàng đều tăng trưởng
Mức tăng trưởng xuất khẩu dự kiến trên không phải không có cơ sở. Thực tế cho thấy, trong năm 2007, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam – EU đạt 14,23 tỷ USD, tăng 39,26%, trong đó Việt Nam xuất khẩu 9,1 tỷ USD, tăng 28,2% so năm truớc.
Các nhóm hàng xuất khẩu có tăng trưởng cao sang EU trong năm 2007 vẫn là những mặt hàng truyền thống như giầy dép, dệt may, cà phê hạt xanh, đồ gỗ, thuỷ hải sản, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường này.
Trong đó, giầy dép là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất với 2,184 tỷ USD, tăng 11,4% so năm 2006 cho dù bị áp thuế chống bán phá giá mức 10%. Tiếp đến là hàng dệt may đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD, tăng 16,5% so năm 2006 và 70,2% so năm 2005. Điều này cho thấy quyết định đàm phán thu hoạch sớm Thoả thuận Việt Nam gia nhập WTO với EU để bỏ quota dệt may là hợp lý, có lợi cho Việt Nam. Xuất khẩu cà phê xanh cũng tăng cao ở mức 65%. Một số mặt hàng khác cũng đạt mức tăng trưởng khá là cao su thiên nhiên, sản phẩm nhựa, máy vi tính và sản phẩm điện tử, hàng tạp phẩm, đồ chơi trẻ em, than đá, hạt tiêu, hạt điều... Riêng mặt hàng xe đạp bị EU áp thuế chống bán phá giá từ năm 2004, nên bị giảm trầm trọng (năm 2005 giảm 42,89%, năm 2006 giảm 46,2%, năm 2007 giảm 59,5%.
Đức, Anh, Pháp, Hà Lan luôn là những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong khối EU với tốc độ tăng trưởng trung bình 20 – 30%/năm.
Mục tiêu năm 2008
Theo dự kiến của Bộ Công thương Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU năm 2008 sẽ đạt 11,18 tỷ USD, tăng 23% so năm 2007.
Trong đó, xuất khẩu cà phê hạt xanh dự kiến tăng 30%. Đối với mặt hàng này, EU được đánh giá là thị trường tiềm năng, thường chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước. Các nước nhập khẩu lớn là Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Anh và Hà Lan.
Giầy dép, hiện tại EU đang áp dụng thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da mức 10% đến hết tháng 10.2008 và đã dự kiến đưa toàn bộ hàng hoá thuộc mục XII (chủ yếu là giầy dép) mà Việt Nam xuất khẩu vào EU ra khỏi danh sách hưởng thuế ưu đãi GSPcho giai đoạn 2009 – 2010. Bộ Công Thương đang phối hơp với các cơ quan hữu quan và tích cực triển khai các biện pháp để có giải pháp tốt nhất cho vấn đề này. Do vậy, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu mặt hàng này vào EU năm 2008 chỉ có thể tăng khoảng 8% so năm 2007.
Dệt may, việc EU không áp dụng hạn ngạch với hàng dệt may của Việt Nam và với việc tái áp dụng hạn ngạch đối với hàng dệt may Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo hàng dệt may Việt Nam vẫn phải cạnh tranh gay gắt với hàng dệt may Ấn Độ, Băng la dét, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và một số nước khác. Mặt khác, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường các nước thành viên WTO không phải chịu hạn ngạch sẽ tạo ra sự điều chỉnh lớn trong chiến lược và kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp. Hoa Kỳ sẽ là thị trường có sức hút mạnh đối với nhiều doanh nghiệp và nhiều mặt hàng. Dự kiến, xuất khẩu hàng này sang EU sẽ tăng trưởng ở mức 20% trong năm 2008.
Thuỷ hải sản, EU hiện là thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất trên thế giới nhưng cũng rất yêu sách về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo các chuyên gia, có thể sẽ không có tình trạng hút hàng từ thị trường Hoa Kỳ như đối với dệt may do xuất khẩu mặt hàng này vào Hoa Kỳ bị hạn chế bởi thuế chống bán phá giá. Tuy nhiên khó có tăng trưởng đột biến vì EC kiểm tra khắt khe chất lượng thuỷ hải sản nhập khẩu, trong khi hàng xuất khẩu của Việt Nam chưa được cải thiện đáng kể về chất lượng. Bộ Công thương dự kiến, kim ngạch xuất khẩu thuỷ hải sản sang EU năm 2008 sẽ vượt ngưỡng 1 tỷ USD (khoảng 1,2 tỷ USD), tăng 34%.
Một số mặt hàng khác cũng sẽ đạt được mức tăng trưởng cao như hàng tạp phẩm 50%, sản phẩm nhựa 40%, linh kiện điện tử và vi tính 40%, thủ công mỹ nghệ 20%, đồ gỗ 20%. Riêng xe đạp và phụ tùng, dự kiến năm 2008 EU sẽ xem xét lại thuế chống bán phá giá nên xuất khẩu có khả năng phục hồi dần và sẽ tăng trưởng ở mức khoảng 10%. Tuy nhiên nếu không loại bỏ được thuế chống bán phá giá, xuất khẩu mặt hàng này sẽ bị giảm khoảng 20%./.
vov
|