Hà Nội sẽ mở rộng về phía Tây
Bản quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội vừa được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Hà Nội được đề nghị mở rộng trên cơ sở hợp nhất tỉnh Hà Tây, một số huyện của tỉnh Hoà Bình và Vĩnh Phúc.
Bản quy hoạch này đã trải qua 4 năm nghiên cứu, điều tra và qua 14 vòng thẩm định của các cơ quan liên quan. Phạm vi lập quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Hà Nội và 7 tỉnh xung quanh là Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Hoà Bình với diện tích tự nhiên khoảng 13.436km2, bán kính ảnh hưởng từ 100-150km.
Phạm vi nghiên cứu bao gồm cả vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và các khu vực liên quan đến không gian phát triển kinh tế xã hội của vùng thủ đô trong tầm nhìn hướng tới 2050.
Theo Bộ Xây dựng, đây là việc làm cần thiết khi không gian của Hà Nội đã không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển đang tăng rất nhanh của một vùng chức năng lớn. Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề cần triển khai nhanh như rà soát, điều chỉnh một số đồ án, dự án cấp vùng đã được phê duyệt nhưng không còn phù hợp với tình hình mới như các khu đô thị mới, các khu công nghiệp tập trung.
Bên cạnh đó, bộ cũng đề xuất việc nghiên cứu chính sách cơ chế và chiến lược phát triển đô thị toàn vùng cho phù hợp với tầm nhìn lâu dài, phối hợp việc điều chỉnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm để đảm bảo phát triển bền vững.
Mục tiêu đến năm 2050, vùng thủ đô Hà Nội sẽ là vùng kinh tế tổng hợp lớn của Việt Nam và khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Nơi đây được kỳ vọng sẽ trở thành khu vực phát triển năng động, có môi trường đầu tư thuận lợi, chất lượng sống cao, đảm bảo phát triển bền vững, đồng thời là trung tâm chính trị, văn hoá, lịch sử, khoa học và giáo dục.
Bộ Xây dựng cũng chính thức đề nghị mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội trên cơ sở hợp nhất diện tích tự nhiên và dân số tỉnh như Hà Tây, một số huyện của tỉnh Hoà Bình và Vĩnh Phúc. Theo đó, ranh giới Hà Nội mở rộng bao gồm ranh giới thành phố Hà Nội hiện tại, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc), và diện tích của 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình.
Việc mở rộng ranh giới thủ đô Hà Nội nhằm tạo không gian cho phía tây Hà Nội có môi trường cảnh quan phù hợp với việc phát triển các dự án lớn như khu công nghệ cao Hoà Lạc, khu Đại học Quốc gia, làng văn hoá các dân tộc Việt Nam, các khu đô thị mới.. Đặc biệt, khu vực này có thể sẽ được lựa chọn làm trung tâm chính trị - hành chính mới của quốc gia.
Tờ trình của Bộ Xây dựng cũng nêu rõ tiềm năng của du lịch vùng Hà Nội trong thời gian tới khi dự báo phát triển nguồn khách du lịch quốc tế vào năm 2020 sẽ đạt mức 2,5-3 triệu khách, đặt ra nhu cầu phát triển các trung tâm du lịch gắn với các vùng có tiềm năng. Theo đó, sẽ hình thành các vùng du lịch tập trung lớn như vùng du lịch sinh thái kết hợp giải trí, thể thao và nghỉ dưỡng Ba Vì- Suối Hai ở Hà Tây, vùng du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Tam Đảo-Tây Thiên, vùng du lịch văn hoá lễ hội Hương Sơn-Quan Sơn-Tam Chúc.
TBKTSG
|