Tiền đang ở đâu?
Chuyện gì diễn ra đằng sau cơn sốt lãi suất vừa qua?
Mười lăm giờ chiều thứ Ba, ngày 26-2-2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có công điện khẩn gửi chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại về việc điều chỉnh lãi suất huy động vốn. Theo đó lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng phải đảm bảo dương so với lạm phát nhưng không được quá trần 12%/năm. Việc ấn định trần lãi suất huy động là nhằm chấm dứt tình trạng tiền chạy lòng vòng từ ngân hàng này qua ngân hàng khác, nơi có lãi suất tiền gửi cao hơn. NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng quốc doanh, nếu trúng thầu tiền đồng trên thị trường mở, thì khi cho các ngân hàng khác vay lại, chỉ được cộng thêm lãi suất tối đa là 1 điểm phần trăm/năm.
Tuy nhiên, ngay khi nhận được công điện, các ngân hàng lập tức lên kế hoạch huy động vốn mới bằng cách áp dụng triệt để các hình thức tiết kiệm dự thưởng, gửi tiền có tặng quà. Thậm chí có ngân hàng tặng quà cho khách hàng bằng vàng, bằng tiền và nhận ngay khi gửi tiền. Như thế trần lãi suất có nguy cơ trở nên vô hiệu hóa bởi thực tế lãi suất tiết kiệm vẫn cao hơn mức trần. Các ngân hàng nói họ đang rất cần vốn để đảm bảo dự trữ bắt buộc, để chuẩn bị mua tín phiếu bắt buộc và nếu điều chỉnh lãi suất thấp, vốn sẽ không chảy vào két ngân hàng nhiều như mong đợi. Ngân hàng thiếu tiền, chuyện tưởng chừng vô lý ấy đang tồn tại. Vậy tiền đang ở đâu và chuyện gì đã thực sự diễn ra đằng sau cơn “sốt” lãi suất vừa rồi?
Đầu năm 2008 Bộ Tài chính đề nghị NHNN đổi một số lượng lớn ngoại tệ ra tiền đồng để chi ngân sách. NHNN chỉ đáp ứng được 10% số ngoại tệ đưa ra vì theo kế hoạch lượng tiền mà cơ quan này phải hút vào để kiềm chế lạm phát trong quí 1-2008 hoàn toàn không nhỏ. Trong bối cảnh đó Bộ Tài chính buộc phải rút tiền đồng gửi ở một số ngân hàng quốc doanh. Việc rút ngay một lúc lượng tiền lớn đã khiến ít nhất một ngân hàng quốc doanh lớn trở tay không kịp.
Ngân hàng này liền tất toán các khoản tài trợ liên ngân hàng dành cho các ngân hàng cổ phần, đồng thời “cầu cứu” NHNN qua kênh thị trường mở (may mắn là ngân hàng này nắm giữ nhiều trái phiếu, đủ để giao dịch trên thị trường mở). Bị rút các khoản vay bất ngờ, dù là ngắn hạn, nhiều ngân hàng cổ phần lâm vào tình trạng khó khăn. Cùng lúc đó NHNN tăng cường độ hút tiền về, dự trữ bắt buộc được nâng lên và vốn huy động sau Tết lại giảm. Các ngân hàng bắt đầu vay mượn lẫn nhau, đẩy lãi suất lên (xem thêm bài: Liệu pháp “sốc” chờ minh bạch hóa).
Việc sử dụng ngoại tệ chi thay ngân sách lần này không phải là lần đầu, nhưng nó là giọt nước làm tràn ly. Theo các chuyên gia lâu năm trong giới tài chính, năm 2007 khi ngoại tệ từ nhiều nguồn dồn dập chảy vào Việt Nam, NHNN và Bộ Tài chính đã dùng một khối lượng ngoại tệ đáng kể mua được để chi thay ngân sách (thực chất là chi cho những khoản mục mà đáng lẽ ngân sách phải chi, nhưng không thể chi vì bị thâm hụt) trong đó có việc sử dụng ngoại tệ để cấp vốn cho các ngân hàng quốc doanh. Việc cấp vốn được thực hiện bằng tiền đồng in ra tương ứng, không phải bằng tiền ngân sách như những năm trước. (Nhờ việc cấp vốn này tình hình tài chính của các ngân hàng quốc doanh được cải thiện và nó giúp các ngân hàng tăng tiềm lực tài chính trước khi cổ phần hóa). Đây quả là điều nguy hiểm bởi dùng ngoại tệ cấp vốn cho ngân hàng quốc doanh đã thực sự tạo ra cung tiền lớn hơn nhiều. Ai cũng biết ngân hàng là định chế tài chính tạo tiền và phương tiện thanh toán nhiều nhất so với các kênh khác. Hơn nữa việc cấp vốn ngoại tệ lại diễn ra ồ ạt, khối lượng lớn, tập trung vào một thời điểm không thuận lợi làm lạm phát tăng cao. Nếu vốn được cấp dàn đều cả năm, thậm chí nhiều năm, vào những thời điểm thích hợp, thì tác động của nó lên cung tiền sẽ không mãnh liệt như thời gian qua.
Rõ ràng việc sử dụng ngoại tệ để chi thay ngân sách là một sai lầm. Đó là chưa kể nguồn ngoại tệ đó, qua con đường đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách, được giải ngân cho hàng loạt dự án, nhưng không phải tất cả 100% dự án đều hiệu quả. Ngân sách có tiền đồng, ngoại tệ lại chảy vào ngân hàng thương mại và ngân hàng dùng ngoại tệ đó cho vay nhập khẩu. Nghĩa là ngoại tệ lại ra khỏi đất nước. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân, cho dù bị các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) gây sức ép, nhưng đến nay NHNN vẫn chưa công khai dự trữ ngoại hối quốc gia? Người dân đóng thuế liệu có quyền được hỏi dự trữ ngoại hối bây giờ so với năm ngoái ở tình trạng như thế nào?
Như vậy từ ngân sách, qua ngân hàng, tiền đã được đưa ra lưu thông và vấn đề là bao nhiêu phần trăm lượng tiền đó thực sự đi vào sản xuất kinh doanh, làm nên tăng trưởng kinh tế? Tiền ra nhưng đã không quay trở lại ngân hàng đủ mức cần thiết vì có những cơ hội kinh doanh mà người ta có thể sử dụng tiền mặt hay phương tiện thanh toán khác như vàng, bất động sản. Chính vì thế hút tiền về qua kênh thị trường mở, qua phát hành trái phiếu đã không đủ hiệu quả. Bây giờ để chống lạm phát, thì hút tiền về qua kênh ngân hàng là không đủ, mà cùng với đó là đòi hỏi phải kiểm soát việc chi ngân sách một cách căn cơ, thắt lưng buộc bụng hơn. Lạm phát sẽ chỉ bị đẩy lùi một khi các giải pháp tài chính - ngân hàng được phối hợp ăn ý.
TBKTSG
|