Thứ Sáu, 29/02/2008 07:14

Đổ xô gửi tiền vì sợ lãi suất giảm nữa

Sáng 28.2, các ngân hàng tại Hà Nội đều đã điều chỉnh lãi suất huy động xuống bằng hoặc thấp hơn mức trần 12%/năm. Nhiều người dân đã đổ xô đi gửi tiền tiết kiệm vì sợ lãi suất sẽ tiếp tục giảm.

Địa chỉ thu hút người dân đến gửi tiền nhiều nhất hiện nay là những ngân hàng thương mại có mức lãi suất kịch trần (12%/năm) kèm theo chương trình khuyến mãi hấp dẫn như Techcombank, SeaBank... Ngân hàng Á Châu (ACB) dù đã giảm lãi suất xuống còn mức trần 12%/năm theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng cũng thu hút một số lượng lớn người đến gửi tiền. Theo ghi nhận của Thanh Niên tại các chi nhánh của Techcombank, SeaBank trên đường Hoàng Quốc Việt, chi nhánh ACB trên đường Bà Triệu, lượng khách hàng đến gửi tiền đông nghịt, trong đó khá đông là những người cao tuổi. Một số khách tranh thủ lúc chờ đến lượt làm thủ tục chụm lại bàn tán, bình luận về sự kiện ngân hàng vừa công bố tăng lãi suất hôm trước, hôm sau đã rút lại quyết định. Tâm lý chung của nhiều người gửi tiền khi đi gửi sáng 28.2 là "gửi mau kẻo hôm sau lãi suất sẽ hạ nữa".

Vợ chồng bác Nam, quê Hà Tây, đến SeaBank (trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) gửi tiền, than thở: Chỉ vì chần chừ một chút mà chịu thiệt. Số là hai vợ chồng bác đã định lên Hà Nội gửi tiền tại SeaBank (lãi suất khi đó là 14,4%/năm kèm theo chương trình khuyến mãi tặng ngay 1 chỉ vàng nếu gửi trên 120 triệu đồng) vào sáng 27.2 nhưng rồi lại trì hoãn để "xem thử tình hình như thế nào". Đến tối, khi nghe tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bắt buộc các ngân hàng phải hạ lãi suất, vợ chồng bác quyết định sáng hôm sau phải đi gửi ngay bởi sợ lãi suất sẽ còn tiếp tục giảm.  

Bác Kim Tuyết - cán bộ hưu trí, đi gửi tiền tại Techcombank Hoàng Quốc Việt - cho biết, sau khi nghe tin các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất lên mức cao chưa từng thấy, bác đã quyết định lấy số tiền mặt tiết kiệm 30 triệu đồng của mình đem gửi ngân hàng để lấy lãi. Bác chọn Techcombank vì ngân hàng này ngoài lãi suất 12%/năm (lãi suất đã hạ theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) còn có chương trình quay số trúng thưởng tới một tỉ đồng.

Khác với không khí náo nhiệt ở các ngân hàng cổ phần, tại các chi nhánh ngân hàng quốc doanh như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn..., lượng khách hàng đến giao dịch thưa thớt, chủ yếu là rút tiền vì lãi suất huy động ở những ngân hàng này (phần lớn ở mức 9,84%/năm) thấp đáng kể so với lãi suất  ở các ngân hàng thương mại cổ phần (dù các ngân hàng này đã giảm xuống). Tại tòa nhà Thời báo Kinh tế Việt Nam 98 Hoàng Quốc Việt, nơi đặt trụ sở chi nhánh của Vietcombank và Techcombank, đã có hiện tượng khá đông người đến rút tiền ở Vietcombank, sau đó sang gửi ở Techcombank để hưởng mức lãi suất cao hơn.

 

Sẽ bùng nổ khuyến mại?

Hiện hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã thực hiện nghiêm chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc điều chỉnh mức lãi suất huy động xuống mức tối đa là 12%/năm. Chẳng hạn chiều 27.2, Ngân hàng Á Châu (ACB) đã hạ ngay mức lãi suất 1 tháng từ 1,15%/tháng xuống còn 1%/tháng tuân theo đúng mức trần là 12%/năm. Tuy nhiên, đây chỉ là nhân lãi suất 12 tháng theo kiểu "cơ học". Trên thực tế, mức lãi suất thực (lãi suất kép: lãi nhập gốc theo từng tháng đến cuối năm) của ACB sẽ ở mức cao hơn. Nếu gửi 12 tháng với lãi suất 1%/tháng thì mức lãi suất cả năm mới chính xác là 12%/năm.

Chưa hết, ngoài việc để mức lãi suất 1%/tháng ở kỳ hạn thấp nhằm đưa lãi suất thực lên cao hơn để thu hút khách hàng, nhiều ngân hàng còn tiếp tục mở thêm các hình thức khuyến mại, trúng thưởng cho người gửi tiền như trúng tiền tỉ, trúng Mercedes... Đây cũng là các loại "lãi suất phụ" nhằm kéo khách hàng đến gửi tiền nhiều hơn mà không vi phạm lãi suất trần huy động mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần thuộc loại lớn nhất Việt Nam cho biết: "Với việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra lãi suất huy động trần, các hình thức khuyến mại, trúng thưởng cho khách hàng tiết kiệm sẽ có khả năng bùng nổ trong thời gian tới". Ông này cũng dự đoán là tại các ngân hàng cổ phần, lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng sẽ giống hệt như nhau chỉ khác nhau ở khuyến mại, tặng quà.

Lãnh đạo của các ngân hàng cổ phần khác thì giải thích: nếu để cùng một mức lãi suất và không có các hình thức hấp dẫn gì thêm thì vốn sẽ chảy phần lớn vào các ngân hàng cổ phần lớn, các ngân hàng quốc doanh. Vì thế, việc các ngân hàng cổ phần yếu thế hơn phải tìm cách hấp dẫn khách hàng bằng khuyến mại, trúng thưởng là điều đương nhiên phải làm. 

tn

Các tin tức khác

>   "Ngưỡng 1.000 USD/ounce của giá vàng không còn xa nữa!" (29/02/2008)

>   Chạy đua lãi suất: khi các ngân hàng "giật" vốn nhau (28/02/2008)

>   Chống lạm phát: Phanh đột ngột sẽ nguy cơ đổ tàu! (28/02/2008)

>   Bộ trưởng Tài chính: 'Tôi như đang ngồi trên đống lửa' (28/02/2008)

>   Dứt cơn sốt rút gửi tiết kiệm (28/02/2008)

>   Chống lạm phát: "không thể mỗi anh làm một kiểu"! (28/02/2008)

>   Xử phạt vi phạm hành chính đối với Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (28/02/2008)

>   Sáng nay, nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động VND (28/02/2008)

>   'Bão' giá vàng tăng cấp (28/02/2008)

>   Cần đánh đổi tăng trưởng - lạm phát (28/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật