Dứt cơn sốt rút gửi tiết kiệm
Ngày đầu tiên quy định trần lãi suất tiền gửi 12% nhà băng có hiệu lực, khách giao dịch tiết kiệm ở nhiều ngân hàng hôm nay vắng hẳn so với 27/2. Khối ngân hàng đang dần trở lại không khi "bình yên" sau khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra các giải pháp hỗ trợ.
Hết buổi sáng, lượng tiền tiết kiệm gửi vào chi nhánh Hàm Nghi của Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) được hơn 1 tỷ đồng. Không có khách rút, chỉ gửi. Ngày hôm qua, doanh số giao dịch tiết kiệm ở đây lên đến 7 tỷ đồng, mức cao đột xuất từ trước đến nay do khách hàng và nhà băng tranh thủ chạy đua trước khi lãi suất trần được áp dụng cưỡng chế.
Thi thoảng có ai đến định rút tiền đi gửi ngân hàng khác, đã có nhân viên "chặn". Ông Nguyễn Đức Phúc, Phó phòng kinh doanh chi nhánh Sacombank cho biết, nhân viên nhà băng phải phân tích cho khách hàng thấy, nếu rút tiền trước thời hạn để gửi ở ngân hàng có mức lãi suất cao hơn thì đã có một khoản tiền chênh lệch phát sinh. Lý do vì khách rút tiền trước hạn sẽ chịu lãi suất không kỳ hạn hoặc ngắn hạn tùy thuộc thời gian gửi. Ở ngân hàng mới, khách hàng phải chịu phí ban đầu. Như vậy, giữ tiền ở nhà băng cũ và gửi tiền nơi có lãi suất cao hơn, thực chất lợi ngang bằng nhau.
Chị Trâm, khách hàng đến giao dịch cho biết, hiện không lựa chọn tiêu chí lãi suất ngân hàng nào cao để gửi nữa mà chủ yếu tiện như gần nhà, sát cơ quan thì đến.
Bà Trần Thị Việt Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Công Thương cho biết, mức lãi suất trần của Ngân hàng Nhà nước không ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch nhà băng. Cho đến 27/2, Sài Gòn Công Thương vẫn duy trì mức lãi 1% cho kỳ hạn 3 tháng, các kỳ hạn còn lại đều dưới 1% một tháng. Số lượng người gửi tiền trong mấy ngày qua ở ngân hàng tương đối ổn định.
Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank) mức lãi suất không quá 1% đối với kỳ hạn ngắn, nên lượng khách đến gửi tiền, rút tiền không biến động lớn.
Ông Vũ Tiến Khu, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh TP HCM, cho rằng lãi suất trần 12% một năm của ngân hàng trung ương là giải pháp tích cực, chấm dứt tình trạng chạy đua lãi suất giữa các nhà băng với nhau từ sau Tết đến nay.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP HCM, ông Hồ Hữu Hạnh nhận xét, đến chiều 27/2, mức lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng đã được kéo về với mức gần như nhau, trả lại sự bình ổn trong hoạt động rút - gửi tiết kiệm vốn gây xôn xao tại các nhà băng trong thời gian qua.
Sáng 27/2, Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP HCM đã họp khẩn cấp với đại diện các nhà băng trên địa bàn thành phố, công bố giới hạn trần lãi suất, đồng thời bàn giải pháp hỗ trợ ngân hàng thương mại trong trường hợp mất kiểm soát tình hình rút gửi tiết kiệm.
Theo đó ngân hàng trung ương đã đồng ý trao cho TP HCM một cơ chế đặc biệt để đảm bảo kiểm soát tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán; đồng thời hỗ trợ vốn kịp thời cho các ngân hàng thương mại để đảm bảo an toàn thanh toán và ổn định thị trường tiền tệ.
Cơ chế này cho phép, từ ngày 25/2 đến 31/3, nếu xảy ra tình huống bất lợi, các nhà băng được bố trí thường xuyên nhu cầu vốn thanh toán thông qua nghiệp vụ thị trường mở như thu nợ các khoản đến hạn. Ngân hàng cũng được tiếp tục đưa tiền ra thị trường ở mức hợp lý để hỗ trợ nhu cầu thanh khoản; áp dụng phương thức đấu thầu khối lượng; áp dụng trần lãi suất xoay quanh mức 11%/năm, kỳ hạn từ 7 đến 28 ngày.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ bố trí vốn dự phòng để sẵn sàng vay tái cấp vốn đặc biệt đối với các ngân hàng có nguy cơ mất khả năng thanh toán; tăng lượng tiền cung ứng cho mua ngoại tệ so với 2 tháng đầu năm. Ngân hàng trung ương giám sát chặt hoạt động kinh doanh của nhà băng thương mại cổ phần quy mô nhỏ nhưng áp dụng lãi suất tiền gửi rất cao để kịp xử lý nếu có nguy cơ mất khả năng thanh toán.
vne
|