Thứ Năm, 28/02/2008 13:14

Cuộc đua lãi suất đã có điểm dừng

 Ngày 27.2, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã có cuộc gặp với các ngân hàng trên địa bàn, chủ đề "nóng" nhất vẫn là chuyện đua lãi suất huy động giữa các ngân hàng.

Ông Vũ Huy Toản - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - cho biết: "Trong thời gian qua, một số ngân hàng cho vay quá tay, lấy cả phần dự trữ bắt buộc ra cho vay. Sau đó quay qua thị trường liên ngân hàng để vay lại với lãi suất rẻ. Các ngân hàng khác nắm được tình hình này nên đã đẩy lãi suất cho vay trên thị trường này lên cao. Khi lãi suất huy động trên thị trường liên ngân hàng ở mức cao, các ngân hàng lại tăng lãi suất huy động tiết kiệm để huy động vốn ngoài xã hội.

Hiện nay các ngân hàng còn khả năng thanh khoản, nhưng chỉ thiếu phần dự trữ bắt buộc theo tỷ lệ yêu cầu. Chính các ngân hàng đang tự đẩy mình vào tình thế như hiện nay". Ông Hồ Hữu Hạnh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - thông tin thêm: "Chúng tôi đã phát hiện 4 - 5 ngân hàng cho vay hơn 261% so với số vốn huy động. Trước tình trạng nguồn vốn khó khăn như hiện nay đã xuất hiện một số ngân hàng vay vốn của ngân hàng bạn qua thị trường liên ngân hàng nhưng không chịu trả". Theo đại diện một ngân hàng thương mại, cuộc đua lãi suất hiện nay đã ảnh hưởng nặng nề đến các ngân hàng có lãi suất ổn định. Đó là khách hàng rút tiền chuyển sang ngân hàng có lãi suất cao hơn. Lãi suất đầu vào tăng, kéo theo lãi suất đầu ra tăng và áp lực bắt đầu đè nặng lên các doanh nghiệp đi vay.

Theo ông Phạm Văn Thiệt - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra khung lãi suất 12%/năm (Công điện của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu ngày 26.2 - PV) là hợp lý, nhằm tránh tình trạng vốn chạy lòng vòng giữa các ngân hàng như hiện nay. Tuy nhiên không biết khung lãi suất này có được các ngân hàng áp dụng nghiêm ngặt hay không. Trao đổi với Thanh Niên, ông Hồ Hữu Hạnh cho biết đã yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo theo Công điện. Những ngân hàng nào đã tăng lãi suất huy động vượt quá 12%/năm thì phải nhanh chóng kéo xuống. Ngày 28.2, thanh tra Ngân hàng Nhà nước sẽ đi kiểm tra việc thực hiện quy định này tại các ngân hàng. Những ngân hàng vi phạm sẽ bị lập biên bản và tùy theo mức độ vi phạm sẽ áp dụng mức phạt cụ thể.

Tính đến ngày 22.2, khả năng thanh toán của toàn hệ thống ngân hàng đã đảm bảo an toàn. Vốn khả dụng đạt 90.000 tỉ đồng (tăng 30.000 tỉ đồng so với ngày 15.2). Hầu hết các ngân hàng đã có đủ vốn dự trữ bắt buộc và đảm bảo khả năng thanh toán; vốn huy động tiền đồng của các ngân hàng có xu hướng tăng do lãi suất tăng. Lãi suất thị trường liên ngân hàng hiện nay đã bắt đầu ổn định, phổ biến ở mức 8% - 12%/năm.

Từ ngày 25.2 - 31.3, Ngân hàng Nhà nước đưa ra một số giải pháp nhằm đảm bảo kiểm soát tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán ở mức phù hợp, đồng thời hỗ trợ vốn kịp thời cho các ngân hàng thương mại đảm bảo khả năng thanh toán và ổn định thị trường tiền tệ. Các giải pháp cụ thể gồm: Ngân hàng Nhà nước thu nợ các khoản đến hạn nhưng tiếp tục đưa tiền ra ở mức hợp lý; áp dụng phương thức đấu thầu khối lượng, ấn định trần lãi suất xoay quanh mức 11%/năm, kỳ hạn từ 7 - 28 ngày. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao vốn dự phòng cho Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM để sẵn sàng cho vay tái cấp vốn đặc biệt đối với các ngân hàng có nguy cơ mất khả năng thanh toán; tăng lượng tiền cung ứng cho mua ngoại tệ...

Trao đổi với các ngân hàng về vấn đề cho vay bất động sản, ông Hồ Hữu Hạnh khẳng định: "Vấn đề cho vay bất động sản đã được tính đến từ hồi tháng 9, tháng 10.2007 nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức nào của Ngân hàng Nhà nước về hạn chế việc cho vay bất động sản".

Lãi suất về mức 12%/năm

Ngày 27.2, một số ngân hàng tại TP.HCM đã điều chỉnh lãi suất huy động cho phù hợp với khung lãi suất 12%/năm theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lãi suất huy động mới của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng đều là 1%/tháng (kỳ hạn 1 tháng tăng 0,04%/tháng; 2 tháng giảm 0,01%/tháng; 3 tháng giảm 0,03%/tháng). Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) điều chỉnh giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng về mức 1%/tháng dù vừa tăng lên 14,4%/năm vào tối 26.2. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng từ 1,15%/tháng xuống 1%/tháng. Các ngân hàng đều cho biết, khách hàng đã gửi tiền tại thời điểm công bố lãi suất nào vẫn được giữ đúng mức lãi suất đó.

tn

Các tin tức khác

>   Những kết quả bước đầu tích cực (28/02/2008)

>   Kiềm chế lạm phát: “Vỡ trận” vì giá xăng dầu tăng? (28/02/2008)

>   “Năm nay sẽ làm “trong sạch hóa” đội ngũ kiểm toán” (28/02/2008)

>   Giá vàng có tiếp tục tăng? (28/02/2008)

>   Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường lãi suất? (28/02/2008)

>   Fed chuẩn bị cắt giảm lãi suất (28/02/2008)

>   QH sẽ bàn về Luật Ngân sách thường niên (28/02/2008)

>   Những cơ hội từ việc bỏ trợ giá xăng dầu (28/02/2008)

>   Chuyển dịch tiền không lành mạnh đã được hạn chế (28/02/2008)

>   Áp lãi suất trần- hết “chảy máu” vốn? (28/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật