Thứ Năm, 28/02/2008 10:28

Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường lãi suất?

Vượt quá lãi suất đỉnh cao của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (13,8%/năm), chiều 26/2 Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) thông báo tăng lãi suất huy động VND ở tất cả các kỳ hạn; riêng khu vực miền Nam, lãi suất tăng lên 14,2%/năm. Cũng vào chiều tối cùng ngày, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) đã có biểu lãi suất mới, với mức vượt trội 14,4%/năm. Mức lãi suất này không chỉ gây sốc cho khách hàng, mà ngay cả những người trong ngành ngân hàng cũng thấy khủng khiếp.

Nhận thấy cuộc đua lãi suất đang tăng quá nhanh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bật “đèn đỏ” để hãm phanh cuộc đua này, khi đề nghị các ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động, không vượt quá 12%/năm. Tuy nhiên, công điện khẩn của NHNN chỉ có tác dụng cảnh báo, chứ không thể bắt buộc các ngân hàng tuân theo. Mặc dù hầu hết ngân hàng thương mại đều đồng tình với việc hãm phanh cuộc đua lãi suất, nhưng chỉ “bằng mặt mà không bằng lòng” bởi trên thực tế, các tổ chức tín dụng đang thực sự khan hiếm vốn. Ngoài việc cho vay “quá đà” vào cuối năm 2007 thì việc NHNN trong thời gian qua liên tiếp tung ra hàng loạt biện pháp thắt chặt tiền tệ, khiến các tổ chức tín dụng thực sự khó khăn.

Mặc dù NHNN cho rằng, chỉ có một số ngân hàng thiếu vốn nhưng theo lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh, không thế nói chỉ một số ngân hàng thiếu vốn bởi chính sách dự trữ bắt buộc áp dụng cho tất cả tổ chức tín dụng nên ngân hàng nào cũng bị hao hụt vốn.

Trả lời câu hỏi tại sao hầu hết tổ chức tín dụng đều phải lao vào cuộc đua lãi suất, trong khi các tổ chức này vẫn còn nhiều kênh khác để huy động vốn? Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, các ngân hàng có thể huy động từ nhiều nguồn nhưng vốn từ dân cư, từ các tổ chức kinh tế mới là cơ bản.

Ghi nhận trên thị trường cho thấy, trong cuộc đua lãi suất này, các ngân hàng thương mại nhà nước dù muốn cũng khó mà vượt lên mức lãi suất huy động 12%/năm, bởi những ràng buộc khắt khe. Dẫn đầu khối ngân hàng quốc doanh trong việc tăng lãi suất là Agribank, nhưng mức lãi suất của ngân hàng này cũng không vượt quá 12%/năm. Hiện tại, các ngân hàng khối quốc doanh cũng giảm nhiệt lãi suất và huy động ổn định ở mức dưới 10%/năm.

Chỉ có các ngân hàng TMCP, nhất là ngân hàng quy mô nhỏ, mới tham gia tích cực vào cuộc đua lãi suất. Bởi các ngân hàng này vẫn cho vay theo dạng “vay nóng” - khách hàng nào thực sự cần tiền thì ngân hàng sẽ đáp ứng nhưng với mức lãi suất khá “chát”, nên thực chất việc nâng mức lãi suất lên cao, các ngân hàng TMCP vẫn cân đối được nguồn ra.

Vậy sau tín hiệu của NHNN, cuộc đua này có dừng? Trên thực tế, lãi suất trên thị trường không có gì bắt buộc, kể cả NHNN có sử dụng lãi suất cơ bản cũng chỉ để cho các ngân biết mức dao động của lãi suất. Mức lãi suất huy động vẫn phải phụ thuộc vào nhu cầu vốn của chính ngân hàng. Đối với các ngân hàng, nếu huy động vốn cao thì lợi nhuận sẽ phải giảm, nhưng căn bản là giữ được khách hàng. Không thể “vuốt mặt mà không nể mũi”, một khi NHNN đã đánh tiếng dừng thì các ngân hàng không thể không dừng và sẽ có cách để làm đẹp lòng NHNN, mà vẫn huy động được vốn. Với phương án lãi suất thỏa thuận với những khách hàng lớn, NHNN khó mà kiểm soát được.

Bởi trên thực tế, đối với một số ngân hàng nhỏ, khả năng thanh toán rất yếu vì nguồn dự phòng không có nhiều, huy động bao nhiêu là cho vay hết, không như các ngân hàng lớn luôn có khoản dự phòng tương đối lớn. Với các ngân hàng này, yêu cầu của NHNN sẽ khiến họ trở tay không kịp và nếu có đi vay trên thị trường liên ngân hàng để bù vào nguồn vốn đang thiếu hụt thì cũng rất khó, vì lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm nhưng không phải tổ chức nào cũng vay được. 

Cuộc đua lãi suất dừng, không thể phụ thuộc vào công điện của NHNN, mà phụ thuộc nhiều vào cân đối nguồn vốn của các tổ chức tín dụng. Được biết, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ kiến nghị với NHNN giãn tiến độ mua tín phiếu bắt buộc cho các ngân hàng thương mại nhằm giải tỏa bớt tình hình căng thẳng về vốn hiện nay.

đtck

Các tin tức khác

>   Fed chuẩn bị cắt giảm lãi suất (28/02/2008)

>   QH sẽ bàn về Luật Ngân sách thường niên (28/02/2008)

>   Những cơ hội từ việc bỏ trợ giá xăng dầu (28/02/2008)

>   Chuyển dịch tiền không lành mạnh đã được hạn chế (28/02/2008)

>   Áp lãi suất trần- hết “chảy máu” vốn? (28/02/2008)

>   Vụ kinh doanh ngoại tệ thua lỗ gần 500 tỷ đồng tại Agribank: Thêm 3 cán bộ Sở Quản lý, kinh doanh ngoại tệ bị khởi tố (28/02/2008)

>   Chưa bao giờ giá vàng cao như thế này! (28/02/2008)

>   Chấm dứt "ngày hội" gửi tiền (28/02/2008)

>   Tập đoàn CapitaLand và CitiBank: Đầu tư 300 triệu USD vào thị trường bất động sản Việt Nam (28/02/2008)

>   Chấm dứt tình trạng gây xáo trộn thị trường tiền tệ (28/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật