Chấm dứt "ngày hội" gửi tiền
Ngày 27-2, trong khi các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước triển khai qui định trần lãi suất huy động không quá 12%/năm thì các ngân hàng thương mại vẫn tranh thủ "hốt cú chót". Cả người gửi tiền và ngân hàng đều mệt nhoài. Cùng với trần LS, NH Nhà nước đã công bố một lộ trình can thiệp thị trường nhằm đảm bảo khả năng thanh toán cho các NH, trong đó có các NH cổ phần nhỏ.
Cấm thưởng tiền, quà
Xung quanh trần LS, ông Hồ Hữu Hạnh - giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM - khẳng định rằng động thái này nhằm chấm dứt tình trạng tiền chạy giữa các NH thương mại, gây rất nhiều xáo trộn trên thị trường tiền tệ như thời gian qua. Ông Hạnh yêu cầu các NH phải thực hiện nghiêm, tất cả những biến tướng của việc chèo kéo khách hàng như thưởng cả bằng tiền lẫn các loại hàng hóa khác đều bị lập biên bản xử lý.
Theo số liệu của NH Nhà nước, nạn tiền chạy trong những ngày qua đã rút của hai NH thương mại nhà nước gần 20.000 tỉ đồng, trong đó một NH bị rút đến trên 11.000 tỉ đồng.
Đua LS do NH vung tay quá trán
Theo phân tích của NH Nhà nước, việc tăng trưởng quá cao dư nợ tín dụng của các NH trong những tháng vừa qua đã dẫn đến áp lực nhu cầu vốn rất lớn.
Trong tháng 1-2008, tăng trưởng tín dụng của các NH trên địa bàn lên tới 13,2% so với cuối năm 2007, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2008 chỉ được phép ở mức 30%. Ngoài các yếu tố về giá cả hàng hóa cuối năm, theo ông Hồ Hữu Hạnh, thị trường bất động sản và thị trường vàng tăng quá "nóng" là một trong những yếu tố làm tăng mạnh nhu cầu tiền đồng.
Tuy huy động khó khăn nhưng một số NH vẫn mạnh cho vay, thậm chí sử dụng cả nguồn vốn vay trên thị trường liên NH - chủ yếu đảm bảo nhu cầu thanh khoản ngắn hạn - để cho vay. Theo NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, trong 17 NH cổ phần trên địa bàn chỉ có bảy NH có tỉ lệ dư nợ tín dụng so với tổng huy động vốn dưới 100%, còn lại đều trên 100%. Trong số 10 NH cho vay vượt vốn huy động có đến sáu NH có tỉ lệ dư nợ tín dụng trên tổng vốn huy động từ 130% trở lên, thậm chí có NH lên đến 267%.
Hãm tín dụng không quá 30%
Liên quan đến hoạt động NH sắp tới, ông Lý Xuân Hải - tổng giám đốc NH Á Châu cho rằng việc đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2008 chỉ ở mức 30% là chưa có cách hành xử hợp lý vì các NH có qui mô khác nhau, "sức khỏe" cũng khác nhau. "Không hiểu NH Nhà nước căn cứ vào đâu để đưa ra con số 30% này. Nếu phải tuân thủ một cách cứng nhắc con số này, các NH phải xử lý như thế nào đối với những dự án đã cam kết bố trí vốn hay đang giải ngân" - ông Hải nói.
Ông Trần Phương Bình - tổng giám đốc NH Đông Á bày tỏ lo lắng khi cho biết hiện nay các NH đều tập trung thu hồi nợ để chuẩn bị đủ nguồn vốn mua tín phiếu bắt buộc chứ không cho vay ra bao nhiêu. Nếu tăng trưởng tín dụng lại bị khống chế, cung vốn ra xã hội càng giảm, lưu thông hàng hóa sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. "Tất cả các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đều tăng giá mạnh, nếu nguồn tín dụng cung ứng cho nền kinh tế tiếp tục bị khống chế ở mức thấp, chắc chắn sản xuất sẽ bị đình đốn, không chỉ doanh nghiệp mà cả các NH cũng sẽ rơi vào vòng khó khăn luẩn quẩn" - ông Bình nói.
Giải pháp cả gói cho thị trường tiền tệ
Ông Hồ Hữu Hạnh cho biết NH Nhà nước đang và sẽ triển khai một loạt biện pháp điều hành để hỗ trợ kịp thời các NH. Trong đó, NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã được giao chủ động xử lý, bố trí vốn dự phòng sẵn sàng cho vay tái cấp vốn đặc biệt đối với các NH có nguy cơ mất khả năng thanh toán. NH Nhà nước cam kết rằng lượng tiền cung ứng cho nhu cầu mua ngoại tệ trong thời gian tới cũng tăng so với hai tháng đầu năm. Ngoài ra, NH Nhà nước bố trí hỗ trợ thường xuyên nhu cầu vốn thanh toán thông qua nghiệp vụ thị trường mở, thu nợ các khoản đến hạn nhưng tiếp tục đưa tiền ra ở mức hợp lý. Phương pháp được áp dụng tới đây tại thị trường mở là đấu thầu khối lượng, ấn định LS trần xoay quanh mức 11%/năm, kỳ hạn từ 7-28 ngày.
NH Nhà nước sẽ hỗ trợ các NH cổ phần qui mô nhỏ nếu có khó khăn về thanh toán.
Tới đây các NH thương mại tại TP.HCM và Hà Nội sẽ phải ngồi lại với nhau để thống nhất mức LS huy động, hỗ trợ nhau vốn thanh toán.
tt
|