Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh:
Chính sách tiền tệ cần linh hoạt nhưng thận trọng, không “giật cục”
* Trong giới hạn an toàn, phải mở hết biên độ để chứng khoán hoạt động bình thường
* Chuẩn bị lấy ý kiến nhân dân về Pháp lệnh thuế nhà đất
Bên lề kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH), ngày 27-2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã có cuộc trao đổi với báo chí về điều hành giá cả. Ông nói: Về tiền tệ, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng phải điều hành chặt chẽ, linh hoạt, thận trọng nhưng không được “giật cục”.
Ví dụ như chính sách lãi suất ngân hàng hiện nay có thể phần nào gây khó khăn cho việc huy động vốn trong giai đoạn ngắn hạn, nhưng lại giúp lành mạnh hóa các khoản tín dụng. Bởi khi lãi suất lên thì các chủ dự án sẽ phải tính toán. Dự án hiệu quả mới đầu tư, còn không thì thôi. Thắt chặt tín dụng không có nghĩa là tất cả đều thắt chặt mà vẫn phải mở tín dụng để phục vụ tăng trưởng. Đối với chứng khoán chẳng hạn, phải có giới hạn nhất định chứ không phải “đóng cửa” hết. Trong giới hạn an toàn, phải mở biên độ để chứng khoán hoạt động bình thường.
- PV: Bộ trưởng vừa nhắc đến thị trường bất động sản, một thị trường đang được coi là tiềm ẩn nguy cơ nóng lạnh bất thường…
Bộ trưởng VŨ VĂN NINH: Bất động sản cũng thế thôi. Nóng có thể do cung cầu chưa ổn hoặc do đầu cơ. Đầu cơ thì phải chỉnh. Nhưng người ta phát triển cung một cách lành mạnh thì phải cho vay chứ nếu không thì lấy đâu ra nguồn cung để đáp ứng cầu? Về tài chính, trong lúc chưa ra được Luật thuế tài sản (dự kiến tới 2010 mới ban hành được luật thuế này), chúng tôi sẽ có dự thảo trình UBTV QH sửa Pháp lệnh thuế nhà đất. Hiện đang chuẩn bị lấy ý kiến nhân dân về văn bản này. Trước mắt, sẽ sửa để điều tiết nhà, đất phi sản xuất.
- Trong bối cảnh giá cả tăng cao, có ý kiến cho rằng việc bộ cho phép tăng giá xăng dầu đã có tác động tiêu cực?
Nền kinh tế nước ta theo cơ chế thị trường nhưng vẫn có quản lý. Đằng sau việc điều chỉnh giá xăng là việc thay đổi phương thức, cơ chế quản lý giá xăng, dầu. Liên bộ Tài chính - Công thương sẽ tính toán để hình thành mặt bằng giá hợp lý. Giá đầu vào, đầu ra, chi phí hợp lý, lãi phù hợp... và đặc biệt có một mức giá trần để các doanh nghiệp đăng ký. Nếu doanh nghiệp vượt quá mức này thì Nhà nước “thổi còi”. Quan điểm về giá xăng dầu tới đây là phải điều chỉnh một cách không “giật cục” và theo lộ trình, kế hoạch, chẳng hạn, 3 tháng hay 6 tháng điều chỉnh một lần. Muốn vậy phải có quỹ dự phòng rủi ro.
- Một số chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo lạm phát ở mức rất cao, Bộ trưởng có bình luận gì?
Hiện nay, chưa có phát ngôn chính thức về bất kỳ tỷ lệ nào. Chính phủ đương nhiên sẽ có nhiều giải pháp để cố gắng giữ trong giới hạn kiểm soát được, không để xảy ra đột biến.
- Cảm ơn Bộ trưởng.
sggp
|