Bộ trưởng Tài chính: 'Chính phủ sẽ giữ giá trong giới hạn'
Xăng tăng giá trong bối cảnh lạm phát 2 tháng 'ngốn' 70% chỉ tiêu cả năm, chứng khoán lao dốc khi chính sách tiền tệ bất ngờ có những điều chỉnh ... người đứng đầu ngành tài chính Vũ Văn Ninh chia sẻ với VnExpress về những vấn đề này, sáng nay.
- Tháng 2 này, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng kỷ lục trên 3%. Ông bình luận thế nào trước dự đoán chỉ số giá năm nay sẽ đạt hai con số?
- Hiện nay, Chính phủ chưa đưa ra bất kỳ dự đoán lạm phát năm 2008 nào. Chính phủ đương nhiên không muốn giá quá cao nên sẽ cố gắng giữ trong giới hạn kiểm soát, không để xảy ra đột biến.
- Một trong những nội dung trọng tâm của phiên họp Chính phủ tháng 2 (27-28/2) là vấn đề bình ổn giá. Bộ Tài chính sẽ tham mưu gì với Chính phủ?
- Chúng tôi sẽ đưa ra giải pháp tổng thể, trong đó vấn đề lớn nhất là cân đối cung cầu hàng hóa. Về tài chính, phải siết chặt chi tiêu, đảm bảo các khoản chi không bị dồn ứ. Về tiền tệ, tôi cho rằng phải điều hành linh hoạt, thận trọng nhưng không được “giật cục”.
Ví dụ như vấn đề lãi suất ngân hàng, vẫn phải điều hành lãi suất dương. Trong giai đoạn ngắn hạn, chính sách này có thể gây khó khăn cho nền kinh tế trong việc huy động vốn nhưng lại làm lành mạnh hóa các khoản tín dụng. Khi lãi suất lên thì các chủ dự án sẽ phải tính toán, dự án nào hiệu quả mới đầu tư.
Chúng ta thắt chặt tín dụng nhưng vẫn phải "mở" để phục vụ tăng trưởng. Không thể thắt tới mức nhà đầu tư không có nguồn để kinh doanh chứng khoán hoặc bất động sản. Ví dụ với chứng khoán, trong giới hạn an toàn, phải mở biên độ để chứng khoán hoạt động bình thường. Bất động sản cũng thế, đầu cơ thì phải chấn chỉnh, nhưng với trường hợp phát triển cung lành mạnh thì ngân hàng phải cho vay.
- Một số chuyên gia cho rằng, chính sách thả nổi giá xăng vừa qua chưa thích hợp với thị trường không hoàn hảo ở VN. Khi Chính phủ không kiểm soát được giá xăng thì sẽ mất kiểm soát giá các mặt hàng "ăn theo". Ý kiến của ông thế nào?
- Không thể nói là chúng ta thả nổi giá xăng. Chúng ta phải theo cơ chế thị trường, nhưng có quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, thời gian tới, liên bộ Tài chính - Công thương sẽ tính toán hình thành mặt bằng giá xăng hợp lý trên cơ sở giá đầu vào, đầu ra, chi phí, lãi phù hợp… Từ đó, chúng tôi xây dựng mức giá trần cho các doanh nghiệp đăng ký. Nếu doanh nghiệp vượt quá mức này thì nhà nước “thổi còi”.
Đợt tăng giá xăng vừa qua, chúng tôi cũng đã tính toán rất kỹ.
- Bộ trưởng nghĩ gì trước ý kiến cho rằng việc điều hành giá vừa qua của Chính phủ khá "bị động", thiếu tính dài hạn?
- Đúng là cơ chế của chúng ta hiện chưa đồng bộ. Tôi cũng đang suy nghĩ cơ chế để giá xăng dầu không điều chỉnh "giật cục" mà theo lộ trình, kế hoạch. Chẳng hạn, 3 tháng hay 6 tháng điều chỉnh một lần.
Để làm được điều này phụ thuộc vào tài giỏi của người quản lý, phải dự phòng được rủi ro. Khi giá thị trường quốc tế tăng có thể chưa điều chỉnh ngay, ngược lại, giá xuống cũng có lộ trình giảm một cách bình thường. Khi Nhà nước công bố mức trần rõ ràng thì bản thân các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu cũng chủ động được.
vne
|