Thứ Tư, 27/02/2008 17:32

Nhóm nghiên cứu kinh tế của Đại học Harvard (Mỹ):

VN phải "giảm sốc" cho nền kinh tế

Nền kinh tế VN đã bước vào một giai đoạn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, chủ yếu do những yếu tố nội tại và bao phủ bởi sự suy giảm kinh tế toàn cầu. Nhóm nghiên cứu kinh tế thuộc chương trình châu Á của Đại học Harvard viết bài thảo luận về tình trạng bất ổn vĩ mô vừa công bố.

Nhóm nghiên cứu khuyến nghị Chính phủ kiềm chế lạm phát, giảm thâm hụt ngân sách và thương mại, giảm tốc độ tăng trưởng cung tiền và tín dụng thông qua những chính sách được phối hợp nhất quán và nhịp nhàng để "giảm sốc" cho nền kinh tế. 

Lạm phát do đầu tư công kém hiệu quả

Nguyên nhân chính của lạm phát là mặc dù nền kinh tế kém hiệu quả nhưng lại phải hấp thụ một lượng vốn quá lớn. Tổng lượng vốn bên ngoài chảy vào nền kinh tế trong năm 2007 ước chừng lên tới 22-23 tỉ USD, tương đương 30% GDP. Đồng thời cung tiền, tín dụng và đầu tư đều tăng ở mức kỷ lục, trong đó một tỉ lệ rất lớn dành cho các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả. "Khi lượng tiền đổ vào nền kinh tế quá nhiều, lại không được sử dụng một cách có hiệu quả để sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ sẽ dẫn đến tình trạng "quá nhiều tiền nhưng quá ít hàng". Trong ba năm từ 2005-2007, cung tiền tăng 135% nhưng GDP chỉ tăng 27%.

Đầu tư công kém hiệu quả là một nguyên nhân gây lạm phát. Chính phủ đã phê duyệt một danh sách dự án đầu tư công từ nay đến năm 2015 với tổng vốn lên tới 70 tỉ USD.

Nhóm nghiên cứu kiến nghị kiểm soát thật cẩn thận những chương trình đầu tư công hiện đại, bao gồm cả những dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước để xây dựng các danh mục ưu tiên đầu tư căn cứ vào hiệu quả kinh tế chứ không phải mục tiêu chính trị. Chính phủ cũng nên cắt giảm vay thương mại quốc tế của khu vực nhà nước. Thực hiện hoạt động thẩm định và kiểm toán đầu tư công độc lập, sau đó công khai hóa các thông tin về thẩm định và kiểm toán này.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng mức thâm hụt hiện nay của VN là đáng báo động. Thâm hụt ngân sách là 5,8% GDP trong khi theo kinh nghiệm quốc tế, thâm hụt 3% đã đáng lo ngại. Thâm hụt thương mại ước chừng 12 tỉ USD, tức khoảng 16% GDP trong khi mức 5-10% đã là đáng lo ngại đối với quốc tế.

"Xì hơi" bong bóng bất động sản từ từ

So với Nhật Bản, VN có diện tích đất sinh hoạt trên đầu người lớn hơn, thu nhập trên đầu người thấp hơn 50 lần, thế nhưng giá nhà đất đô thị ở hai nước lại có khi tương đương nhau. Nhóm nghiên cứu cho rằng nguyên nhân chính không phải do mức sống gia tăng - vì người đóng thuế thu nhập cao cũng phải tiết kiệm 30-40 năm mới mua được căn hộ - mà là do nguồn tiền trong nền kinh tế quá dồi dào trong khi lợi nhuận từ đầu cơ đất đai lại hấp dẫn hơn các hoạt động đầu tư sản xuất khác. 

"Bong bóng" nhà đất tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng cho nền kinh tế. Khi các doanh nghiệp VN chuyển nguồn lực kinh doanh sang bất động sản sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh nòng cốt của những doanh nghiệp này. Các ngân hàng thương mại cho các nhà đầu cơ và phát triển bất động sản vay dựa trên tài sản thế chấp là đất với giá đã được thổi phồng thì có nguy cơ khi "bong bóng" vỡ, giá đất giảm đột ngột, những người đi vay mất khả năng trả nợ, đất thế chấp chỉ còn một phần giá trị khoản vay, làm tăng nợ xấu đột ngột khiến nhiều ngân hàng phá sản. "Một thực tế hết sức đáng lo hiện nay là hầu như không ai biết một cách tương đối chính xác về qui mô của những khoản vay sử dụng đất làm vật thế chấp" - nhóm nghiên cứu viết.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu khuyến cáo nên "xì hơi" bong bóng bất động sản một cách từ từ. "Cách tốt nhất để xì hơi là đánh thuế bất động sản. Bên cạnh đó cần thắt chặt và kiểm soát sát sao các khoản tín dụng đầu tư bất động sản và các khoản cho vay thế chấp bằng bất động sản".

Một số mục tiêu vĩ mô nên thực hiện trong năm 2008

Ngân hàng Nhà nước bị bó tay trong chống lạm phát

Nhóm nghiên cứu cho rằng hệ thống quản lý kinh tế của VN chưa tương thích với nền kinh tế hội nhập toàn cầu. Các bộ và cơ quan ngang bộ có trách nhiệm hoạch định chính sách vĩ mô là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư và Ngân hàng Nhà nước chưa phối hợp với nhau hiệu quả. "Hiện nay các cơ quan hoạch định chính sách của VN còn đang bị phân tán, thiếu sự phối hợp, quá nhạy cảm trước sức ép chính trị và thiếu năng lực chuyên môn" - nhóm nghiên cứu viết.

Mối bận tâm lớn nhất của Bộ Tài chính hiện nay là huy động và phân bổ vốn cho các dự án đã được phê duyệt và chỉ kiểm soát được một phần các khoản chi thường xuyên. Tuy nhiên, với nhiều khoản chi dưới dạng đầu tư và tỉ lệ chi ngoài ngân sách rất cao, Bộ Tài chính chưa kiểm soát tốt chính sách ngân sách.

Ngân hàng Nhà nước lại không được phép quyết định lượng cung tiền và cung tín dụng như các ngân hàng trung ương trên thế giới nên chỉ có trong tay một số công cụ chính sách hạn chế như tỉ lệ dự trữ bắt buộc và các quyết định mang tính hành chính nên không thật sự hữu hiệu khi kiểm soát lạm phát. Trong năm 2007, khi lạm phát tăng cao thì Ngân hàng Nhà nước vẫn không được phép điều chỉnh lãi suất.

tt

Các tin tức khác

>   Lạm phát 2 tháng 'ngốn' 70% chỉ tiêu cả năm (27/02/2008)

>   Liều thuốc cho 'bệnh' lạm phát chưa phù hợp (27/02/2008)

>   Sẽ phạt những NH không giảm lãi suất xuống dưới 12% (27/02/2008)

>   Techcombank tăng lãi suất huy động (27/02/2008)

>   Tính toán nhu cầu và khả năng phát hành thêm trái phiếu Chính phủ (27/02/2008)

>   Cơ chế mới về điều hành giá xăng dầu (27/02/2008)

>   Sẽ "thổi còi" nếu doanh nghiệp vượt mức trần giá xăng (27/02/2008)

>   Ngân hàng tranh thủ "gom" vốn, áp dụng lãi suất từng giờ (27/02/2008)

>   Vàng “đại nhảy vọt”, USD “phá đáy” (27/02/2008)

>   Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á (27/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật