Áp lãi suất trần- hết “chảy máu” vốn?
Mặc dù mức lãi suất trần 12% đã chính thức được áp dụng từ ngày 27/2, nhưng những Ngân hàng Thương mại lớn như: BIDV, Vietcombank vẫn nơm nớp lo hiện tượng “chảy máu” luồng vốn chưa thể chấm dứt.
Sự nhốn nháo về mặt bằng lãi suất tiền gửi, rủi ro tiềm ẩn khi các ngân hàng (NH) thi nhau “thét” ra một mức lãi suất trên trời… đã buộc ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải “ra tay” bằng công điện khẩn số 02 phát đi chiều tối ngày 26/2: khống chế trần lãi suất cho vay 12%.
Mặc dù thời hạn- ngày 27/2 được NHNN ấn định để các ngân hàng thương mại điều chỉnh mức lãi suất huy động VND xuống dưới mức trần 12%, nhưng cho đến tận chiều cùng ngày, tin khẩn này hầu như mới “chạm đến cửa” một số ngân hàng.
Sáng ngày 27/2, một số ngân hàng chưa kịp nhận được “trát” vẫn… “hồn nhiên” với cuộc đua lãi suất. SeABank ngay sáng 27/2 vẫn thông báo tiếp tục nâng lãi suất lên mức 14/4%/năm. Đến chiều cùng ngày NH này đã phải vội vàng hạ lãi suất xuống dưới 12%/năm khi nhận được công điện khẩn của NHNN với lời đe- sẽ xử lý nghiêm những NH cố tình vi phạm.
Sự nhốn nháo trong cuộc đua lãi suất tiền gửi ngay trong chiều ngày 27/2 vẫn tiếp diễn khi một số NH quy mô nhỏ như: Phương Đông (OCB), HDBank… lại có phản ứng ngược- tiếp tục điều chỉnh lãi suất chạm mức trần 12%.
Nhìn lại diễn biến tăng lãi suất tiền gửi VND của các NH thời gian qua, có thể thấy, cuộc đua lãi suất đã bị không ít NH lạm dụng trở thành một cuộc giằng co, lôi kéo khách hàng. Từ đó tạo ra tiền lệ xấu chưa từng có: khách hàng thi nhau rút tiền ở nơi lãi suất… cao đem gửi ở nơi lãi suất còn… cao hơn, gây nguy hại đến tính ổn định của thị trường tiền tệ.
Hệ luỵ xấu xảy ra là đang có sự “chảy máu” vốn- chủ yếu từ các NHTM quy mô vốn lớn, lãi suất thấp hơn như: Vietcombank, BIDV… sang các NH TMCP quy mô nhỏ nhưng lãi suất “trên trời”. BIDV hai tuần qua đã "bị rút" khoảng 8.000 tỷ đồng, trong khi Vietcombank là hơn 11.000 tỷ đồng.
Một số NHTMCP quy mô nhỏ như: OCB, VietA… chỉ trong mấy ngày tuyên bố tăng lãi suất gần đây, vốn huy động bình quân đã tăng hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Các NHTM lớn phải đối mặt với nguy cơ “chảy máu” nguồn vốn, trong khi, tại các NHTMCP lãi suất cao- đồng nghĩa chi phí đầu vào lớn, vốn lại dư thừa, ứ đọng.
Sau động thái khống chế mức trần lãi suất huy động VND dưới 12% được NHNN đưa ra, vấn đề tiếp tục đặt ra là có thể “cầm máu” luồng vốn cho các NHTM lớn trước cuộc đua của khối NHTMCP hay không? Câu hỏi này hoàn toàn không dễ trả lời./.
tổ quốc
|