Thứ Năm, 28/02/2008 08:50

Quy định “trần” lãi suất 12%:

Chuyển dịch tiền không lành mạnh đã được hạn chế

Các ngân hàng thương mại sẽ phải ngồi lại với nhau để điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND, sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức lên tiếng khuyến cáo và chốt “trần”.

Không để lãi suất quá 12%/năm

Sau hơn 10 năm, “trần” lãi suất lại xuất hiện, các ngân hàng thương mại không được để lãi suất huy động vượt quá 12%. Sự kiện này có từ Công điện khẩn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước gửi tới Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và các ngân hàng thương mại vào cuối chiều ngày 26/2.

Trong công điện này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo các ngân hàng thương mại thận trọng trước những bất ổn trên thị trường và trong hoạt động khi lãi suất huy động liên tiếp tăng cao trong một tuần qua.

Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất huy động VND ở mức hợp lý, phù hợp với nguyên tắc không để lãi suất âm nhưng không vượt quá 12%/năm. Điều này đồng nghĩa với nhận định gián tiếp khả năng lạm phát năm nay sẽ ở dưới mức 12%.

Để tháo gỡ khó khăn vốn đối với một số thành viên, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại nhà nước tích cực tham gia nghiệp vụ thị trường mở và các kênh tái cấp vốn khác để đảm bảo khả năng thanh toán, hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại trên thị trường liên ngân hàng; lãi suất tối đa cũng được khống chế bằng lãi suất nghiệp vụ thị trường mở tại phiên giao dịch gần nhất cộng 1%/năm.

Như vậy, cơ chế lãi suất trần được Ngân hàng Nhà nước từng bước bỏ từ năm 1996 nay lại tái xuất hiện. Có thể đây là một giải pháp tình thế trước cơn sốt lãi suất bùng phát hiện nay, ảnh hưởng tới cầu vốn của nền kinh tế và đời sống của người dân. Điểm đáng chú ý là cùng với “trần” lãi suất 12% nói trên, Ngân hàng Nhà nước không thông tin cụ thể về chế tài xử lý đối với những trường hợp không thực hiện nghiêm túc sẽ như thế nào.

“Trên đe, dưới búa”

Công văn trên đến với một số ngân hàng muộn, khiến những quyết định tăng lãi suất chiều 26/2 không thể rút về. Điển hình là Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank), thông báo áp biểu lãi suất mới lên tới 14,2% vào cùng thời điểm trên.

Thậm chí sáng 27/2, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) vẫn có thông tin tăng lãi suất huy động lên đỉnh điểm 14,4%. Phía SeABank buộc phải triển khai biểu lãi suất mới để đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, đồng thời hạn chế thông tin về lần điều chỉnh “hậu chính sách” này.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là đúng đắn và kịp thời trong bối cảnh lãi suất biến động mạnh hiện nay.

Techcombank sẽ chấp hành chỉ đạo này bằng cách ngồi lại cùng các ngân hàng có lãi suất trên 12% thỏa thuận một mức mới, hợp lý và cùng áp dụng vào một thời điểm cụ thể.

Với khách hàng, ông Vinh khẳng định các khoản tiền gửi theo lãi suất mới luôn được bảo đảm quyền lợi đến kỳ đáo hạn, bởi đây là những hợp đồng có tính pháp lý.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần khác, có lãi suất trên 13%, từ chối đưa ra bình luận, tuy nhiên không dấu bức xúc rằng đây là một mệnh lệnh hành chính và các thành viên phải chấp hành.

Ông cũng hy vọng mức lãi suất hiện tại, chưa điều chỉnh theo trần, sẽ nhanh chóng thu hút lượng tiền gửi đang lưỡng lự trên thị trường trước khi phải áp dụng biểu lãi suất giảm.

Trong khi đó, một số nhận định khác lại cho rằng lãi suất ngân hàng không áp trần cũng sẽ phải giảm trong vòng một tháng tới, bởi các thành viên không thể “cắn răng” chịu lỗ khi chi phí tăng cao.

Hiện tại, một số nguồn tin đề cập đến con số ít nhất có 6 ngân hàng trong hệ thống đang gặp khó khăn về thanh khoản. Và khi lãi suất bị kéo về theo chỉ đạo, khó khăn này sẽ lớn hơn, trong khi thời hạn mua tín phiếu bắt buộc đang gần kề.

Những ngân hàng này hiện đang ở tình thế “trên đe, dưới búa”, vừa chịu tác động từ chủ trương thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, vừa không thể tạo cạnh tranh vượt trội để tăng năng lực huy động. Trước tình thế này, một số thành viên đã gấp rút “lách” trần lãi suất bằng một số sản phẩm huy động mới.

Dự kiến ngay trong ngày 28/2, thị trường sẽ đón nhận những chương trình huy động hấp dẫn ở hình thức khuyến mại, thưởng lãi suất hấp dẫn…

Về quy định “trần” lãi suất tiền gửi 12%, trả lời TTXVN, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến khẳng định đây là biện pháp cần thiết trong thời điểm hiện nay nhằm ổn định thị trường tiền tệ trong nước.

Ông Tiến nói: “Thống đốc đã căn cứ vào rất nhiều yếu tố để có chỉ đạo như vậy. Cụ thể là dựa trên mức lạm phát năm 2007 là trên 12%, trong khi chủ trương của Chính phủ là không để lãi suất âm.

Do vậy, ít nhất lãi suất tiền gửi 12% là đảm bảo không âm rồi, nếu hơn 12% thì cao quá, không phù hợp. Biện pháp này là nhằm không để gây khó khăn cho các ngân hàng cũng như nền kinh tế”.

tp

Các tin tức khác

>   Áp lãi suất trần- hết “chảy máu” vốn? (28/02/2008)

>   Vụ kinh doanh ngoại tệ thua lỗ gần 500 tỷ đồng tại Agribank: Thêm 3 cán bộ Sở Quản lý, kinh doanh ngoại tệ bị khởi tố (28/02/2008)

>   Chưa bao giờ giá vàng cao như thế này! (28/02/2008)

>   Chấm dứt "ngày hội" gửi tiền (28/02/2008)

>   Tập đoàn CapitaLand và CitiBank: Đầu tư 300 triệu USD vào thị trường bất động sản Việt Nam (28/02/2008)

>   Chấm dứt tình trạng gây xáo trộn thị trường tiền tệ (28/02/2008)

>   Chính sách tiền tệ cần linh hoạt nhưng thận trọng, không “giật cục” (28/02/2008)

>   Giá vàng chưa có dấu hiệu dừng lại (28/02/2008)

>   Khó kiểm soát được “con ngựa” lạm phát 2008 (28/02/2008)

>   CapitaLand: Thiết lập quỹ đầu tư bất động sản vào Việt Nam (27/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật