Thứ Năm, 28/02/2008 13:12

Những kết quả bước đầu tích cực

Việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra các biện pháp về tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát là rất cần thiết, cấp bách. Hơn nữa, ẩn đằng sau của những giải pháp trên là sự lựa chọn mục tiêu ưu tiên giữa hai mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Lạm phát đã được chọn ưu tiên ngay từ đầu năm là hợp lý, bởi vì nếu lạm phát có sự "cộng hưởng" áp lực từ 3 hướng (đã lạm phát năm trước, lạm phát trên thị trường thế giới, lạm phát từ nhu cầu tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán) ngay từ đầu năm, thì thường rất khó kìm cương vào những tháng còn lại trong cả năm. Khi lạm phát đã được kiềm chế, thì giữa hay cuối năm sẽ chuyển sang ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng. Hơn nữa, qua thống kê kinh nghiệm của nhiều năm, đặc biệt là khi tăng trưởng kinh tế đang có đà cao lên trong mấy năm qua, thì tăng trưởng kinh tế về cuối năm thường cao hơn hẳn những tháng đầu năm.

Những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra không tránh khỏi có những tác động phụ và gặp phải những phản ứng, những ý kiến không đồng thuận; hơn nữa trong một thời gian còn ngắn, một số giải pháp mới đề ra lộ trình, nhưng chưa đến thời điểm thực hiện, song bước đầu đã có những kết quả tích cực.

Kết quả dễ thấy nhất là lãi suất tiết kiệm đã được nâng lên. Lãi suất tiết kiệm trong một thời gian khá dài bị "thực âm" làm cho người có tiền nếu gửi tiết kiệm thì bị thiệt hại; hoặc không muốn gửi vào ngân hàng mà chạy lòng vòng và chôn vào vàng, bất động sản, tiêu xài, không đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh nhằm tăng trưởng kinh tế thì đất nước bị thiệt hại; đó là chưa nói nó tạo ra sức ép lên lạm phát. Việc nâng lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần đã hé lộ ra ba điểm: quản trị doanh nghiệp, phòng ngừa rủi ro của không ít ngân hàng còn yếu kém; tính thanh khoản của một số ngân hàng không cao. Nếu có biện pháp tạo sức ép đối với các ngân hàng thương mại, thì các ngân hàng buộc phải nâng lãi suất huy động lên, khi lãi suất huy động tăng lên thì người dân sẽ gửi mạnh tiền vào ngân hàng, tiền trong lưu thông sẽ được hút vào, vừa làm cho người gửi tiền không bị thiệt thòi, vừa không tạo áp lực lạm phát.

Kết quả rõ nhất là đã có tác động làm giảm độ nóng trên thị trường bất động sản. Thị trường bất động sản sau khi ấm, nóng vào đầu và giữa năm 2007, từ cuối năm 2007, đầu năm 2008 đã bước vào cơn sốt giá lần thứ ba, với tốc độ tăng tính bằng lần, đã và đang có xu hướng lan rộng từ các đô thị lớn, từ các thành phố ra các thị xã, các thị trấn, thị tứ trên cả nước. Cơn sốt bất động sản đã hút vào đây hàng trăm nghìn tỉ đồng của các ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần, riêng TP.HCM đã thu hút gần 35 nghìn tỉ đồng; đó là chưa kể có hàng trăm nghìn tỉ đồng vốn tự có của các doanh nghiệp, cá nhân được rút từ tiết kiệm, thị trường chứng khoán hoặc không đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh mà đã được chôn vào bất động sản, làm cho giá bất động sản thành “bong bóng”, đồng thời làm cho nhu cầu thực sự của người dân, nhất là những người có thu nhập thấp càng trở nên xa vời.

Mặc dù chưa có các biện pháp khác (xác định hạn mức sử dụng để tính thuế thu nhập, thuế lũy tiến...), nhưng chỉ với việc hạn chế nguồn vốn từ ngân hàng thương mại đổ vào đây (thông qua một số biện pháp gián tiếp) đã hạ sốt giá trên thị trường này. Tuy giá chưa trở về mức trước khi sốt, nhưng đã bớt và chặn bớt được cơn sốt lan truyền ra cả nước.

Một kết quả khác không phải ai cũng nhìn thấy, là thông qua một số biện pháp thắt chặt tiền tệ nhưng đã làm lộ rõ việc một thời gian dài các ngân hàng thương mại chưa quan tâm đến khách hàng ở đầu vào (người gửi tiền), chạy theo tăng trưởng tín dụng, nên quá dễ dãi với khách hàng đầu ra (người vay), nhất là những khách hàng vay tiền ngân hàng để đầu tư vào các lĩnh vực có tỷ lệ rủi ro cao; dùng tiền vay ngắn hạn để cho vay dài hạn. Cũng cần nhắc lại, việc cho vay dưới chuẩn vào thị trường nhà cửa của Mỹ đã gây ra hậu quả khó lường không chỉ trong lĩnh vực này mà còn nhiều lĩnh vực khác của nước Mỹ, chưa kể tác động đối với cả thế giới.

tn

Các tin tức khác

>   Kiềm chế lạm phát: “Vỡ trận” vì giá xăng dầu tăng? (28/02/2008)

>   “Năm nay sẽ làm “trong sạch hóa” đội ngũ kiểm toán” (28/02/2008)

>   Giá vàng có tiếp tục tăng? (28/02/2008)

>   Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường lãi suất? (28/02/2008)

>   Fed chuẩn bị cắt giảm lãi suất (28/02/2008)

>   QH sẽ bàn về Luật Ngân sách thường niên (28/02/2008)

>   Những cơ hội từ việc bỏ trợ giá xăng dầu (28/02/2008)

>   Chuyển dịch tiền không lành mạnh đã được hạn chế (28/02/2008)

>   Áp lãi suất trần- hết “chảy máu” vốn? (28/02/2008)

>   Vụ kinh doanh ngoại tệ thua lỗ gần 500 tỷ đồng tại Agribank: Thêm 3 cán bộ Sở Quản lý, kinh doanh ngoại tệ bị khởi tố (28/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật