Nhà nước sẽ không thả nổi giá xăng dầu!
“Nhà nước sẽ không thả nổi giá xăng dầu, chỉ thay đổi phương thức quản lý. Liên Bộ Tài chính – Công thương sẽ tính toán đưa ra một mức giá trần hợp lý trên cơ sở đó các doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh”, Bộ trưởng Tài Chính Vũ Văn Ninh cho biết.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay (28/2), nhiều vấn đề như: chỉ số giá cả tiêu dùng, cách điều hành chính sách tiền tệ, hỗ trợ người dân sau những thiên tai… đã được Lãnh đạo các Bộ giải đáp với báo giới.
Việc tăng giá là bất khả kháng!
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2008 tăng ở mức 3,56%. Như vậy, chỉ hai tháng đầu năm, CPI đã tăng tới 6,02%, chiếm hơn 70% mục tiêu đặt ra cho cả năm. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này đã tăng gần 16%.
Sự tăng giá bất thường của nhóm dịch vụ ăn uống đã đẩy CPI tháng Tết Nguyên đán đạt mức kỷ lục trong nhiều năm qua. Còn trong tháng tới sẽ tới lượt nhóm các phương tiện đi lại tăng mạnh do ảnh hưởng từ đợt tăng giá xăng dầu (ngày 25/2).
Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biểt, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nêu rõ: việc tăng giá trong tình hình chung của toàn cầu hiện nay buộc chúng ta không thể thoát khỏi việc tăng giá. Sự sụt giảm của kinh tế Mỹ, Nhật Bản và một số nước láng giềng đã ảnh hưởng đến nước ta, trong khi đó dịch bệnh, thiên tai trong nước xảy ra thường xuyên. Chúng ta không còn cách nào khác là để giá cả tăng theo xu hướng chung. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chính sách điều hành của các cơ quan nhà nước chưa chặt chẽ, cần có sự chỉ đạo điều hành vĩ mô hơn, ở mức độ thống nhất không để gây đảo lộn kinh tế vĩ mô, gây sốt giá ồ ạt. Thủ tướng xác định đây là một việc làm hết sức khó khăn, phải quyết đoán, quyết liệt trong điều hành.
Thủ tướng cũng chỉ đạo, đảm bảo tăng trưởng và chống lạm phát là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ. Lạm phát không được tăng cao hơn năm ngoái.
Với chỉ số CPI tăng cao trong hai tháng qua cho thấy rất khó để thực hiện đúng Nghị quyết mà Quốc hội đã thông qua.
Sẽ có mức trần cho việc tăng giá xăng, dầu
Trả lời báo chí về việc cho phép các doanh nghiệp tự điều chỉnh giá bán xăng trong thời gian qua, Bộ Trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết: Nhà nước không thả nổi giá xăng dầu, Nhà nước phải đi theo cơ chế thị trường, nhưng vẫn có quản lý. Đằng sau việc điều chỉnh giá xăng là việc thay đổi phương thức, cơ chế quản lý giá xăng, dầu. Thời gian tới Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ tính toán mặt bằng giá hợp lý từ đó, có một mức trần cho các doanh nghiệp đăng ký. Các doanh nghiệp đăng ký phù hợp với mức giá trần cho phép sẽ được Liên bộ đồng ý và ngược.
Theo Bộ trưởng Ninh, tới đây phải xây dựng một lộ trình để điều chỉnh giá xăng dầu. Chẳng hạn, ba tháng hay sáu tháng điều chỉnh giá một lần, như vậy sẽ làm cho người dân có thể yên tâm không bị bất ngờ khi tăng giá.
Về vấn đề này, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định: khả năng bao cấp tài chính cho xăng dầu là không thể vì tiềm lực tài chính của nước ta còn hạn chế.
Không điều chỉnh giá điện đến cuối năm?
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình điều chỉnh giá điện, từ 1/7 tới giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng lên là 890 đồng/kWh.
Trước những biến động giá cả thị trường vừa qua, tại cuộc họp với Bộ Công Thương ngày 27/2, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề nghị tăng giá bán điện bình quân lên 917 đồng/kWh (so với giá bình quân năm 2007 là 842 đồng/kWh). Theo lãnh đạo của EVN, nếu không điều chỉnh giá điện, EVN sẽ lỗ 1.400 tỷ đồng; nếu được điều chỉnh, EVN chỉ lỗ khoảng 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trả lời PV về việc điều chỉnh giá điện trong thời gian tới, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết: "Hiện tại, Liên Bộ Tài chính – Công Thương vẫn chưa bàn. Việc điều chỉnh giá điện cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng, dự kiến cuối năm nay mới bàn đến vấn đề này”.
Như vậy, EVN sẽ tiếp tục lỗ nặng đến cuối năm nay?./.
tổ quốc
|