Tăng lãi suất cơ bản, ngân hàng thương mại vẫn "vô can"?
Fed cắt giảm 0,75% lãi suất đồng USD là thị trường tài chính cả thế giới đã náo động. Ngược lại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa qua đã tăng đồng loạt các khoản lãi suất nhưng tịnh không thấy động tĩnh gì từ phản ứng của cộng đồng, trong đó có hệ thống các ngân hàng thương mại. Vì sao một động thái điều tiết tiền tệ nhằm chống lạm phát lại chưa có tác động lớn đến hệ thống?
Hướng đi đúng
Ông Phạm Duy Hưng, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á, cho rằng khi lạm phát tăng cao, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất là phù hợp.
Một khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ lệ lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn, các ngân hàng thương mại cũng sẽ có điều kiện nới rộng lãi suất huy động. Bên cạnh đó lãi suất tín dụng cũng có thể tăng lên. Người dân sẽ không có nhu cầu vay tiền nữa. Vậy nên một lượng tiền trong thị trường sẽ được đưa về mà không phải phát ra nhiều.
Cùng với việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, việc tăng lãi suất này sẽ giúp điều tiết đồng tiền trong lưu thông. Cụ thể là công cụ này sẽ thu hút một lượng tiền về, giảm đi lượng tiền đang có trong trong thị trường.
“Việc ban hành chủ trương tăng lãi suất giai đoạn này là đúng thời điểm” - ông Hưng nói.
Ông Jonathan Pincus, kinh tế gia trưởng của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam, cũng nói rằng “đó là một hướng đi đúng”.
Đây là giải pháp giúp hạn chế tình hình lạm phát hiện nay để cứu nền kinh tế. Trong bối cảnh đồng đôla ứ đọng một lượng lớn khiến cộng với tỷ giá đồng tiền Việt và ngoại tệ bị tăng lên, tăng lãi suất hy vọng sẽ giúp hạn chế nguy cơ lạm phát trong năm 2008.
Không tác động lớn?
Chính sách tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là công cụ phục vụ quản lý vĩ mô, điều tiết thị trường, nhưng gánh vác trực tiếp có thể nói là chính là hệ thống các ngân hàng thương mại. Thế nhưng đến giờ, các ngân hàng thương mại đều có câu trả lời chung cho rằng việc tăng lãi suất này không quan trọng, không ảnh hưởng gì nhiều đến mình.
“Không có gì quan trọng, vì NHTM điều chỉnh hoạt động SXKD của mình phải căn cứ vào tình hình thị trường, chứ không chỉ trên động thái của NHNN”
- TGĐ một ngân hàng tại TP.HCM, khẳng định.
“Với ngân hàng của tôi, không có gì bị ảnh hưởng. Có quan trọng nhưng không đáng kể, và không có gì xáo trộn” - TGĐ một ngân hàng khác cũng trên cùng địa bàn TP.HCM, cho biết.
Một chuyên gia về lĩnh vực TCNH cho rằng sự thờ ơ của các NHTM là “có lý của nó”. Chuyên gia này cho rằng về nghiệp vụ thị trường mở, ở Việt Nam phát triển không mạnh, nên việc gia tăng lãi suất của NHNN sẽ không có tác động trực tiếp nhiều đến hoạt động của các ngân hàng thương mại. Ở Việt Nam, các NHTM đến NHNN chỉ để đổi ngoại tệ, còn hoạt động tín dụng chỉ chiếm một vài phần trăm, không đáng kể. Vì vậy dù NHNN có điều chínhh tăng lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn, cũng không tác động nhiều đến hoạt động tín dụng của các NHTM .
“Vậy nên, khi NHNN không mua USD là thị trường xôn xao ngay, vì các ngân hàng thương mại thu đổi ngoại tệ sẽ bị ảnh hưởng nặng, và thị trường cũng bị tác động mạnh, nhưng thay đổi lãi suất thì chưa chắc” - chuyên gia này nói.
Thậm chí, ở Việt Nam có thể còn có hoạt động trái quy luật là khi lãi suất tăng thì hoạt động tín dụng lại tăng. Một trong những nguyên nhân là khối DN tư nhân được cơ hội vay với lãi suất rẻ hơn đi vay ngoài như lâu nay. Điều này có thể NHNN chưa tiên liệu tới.
Vậy nên nếu có tình trạng này xảy ra, hiệu quả chống lạm phát từ việc tăng lãi suất sẽ hạn chế, chứ không như đáp số của bài toán đã lập sẵn.
Thị trường chứng khoán bị bỏ rơi?
Về lý thuyết, một khi lãi suất ngân hàng tăng thì giá chứng khoán giảm.
Động thái của Việt Nam thời điểm này trái ngược lại với động thái của Chính phủ Mỹ vừa qua.
Nếu chính quyền Tổng thống Bush quyết định cứu nền kinh tế bằng việc chi 140 tỷ USD (bằng việc giảm thuế) và liên tục cắt giảm lãi suất đồng USD, điều đó có nghĩa rằng Chính phủ Mỹ đã chấp nhận lạm phát để cứu TTCK trước.
Việt Nam ngược lại, đã chọn chống lạm phát làm mục tiêu. Và như vậy, TTCK tạm thời vẫn chưa có giải pháp.
Mặc dù tuần qua TTCK tăng 6 phiên liên tục, song chính từ việc cắt giảm lãi suất của NHNN, e rằng việc tăng trưởng này sẽ không giữ được lâu.
Cùng với việc NHNN quyết định cho các NHTM cho vay cầm cố cổ phiếu với mức tối đa 20% vốn điều lệ là khoản siết lại đã thấy rõ, có thể xu hướng sắp tới TTCK sẽ lại tụt giảm bởi thị trường không còn tiền để mua bán cổ phiếu.
Một biểu hiện dễ thấy nhất là các NHTM đã bắt đầu có dấu hiệu hạn chế giao dịch tiền đồng. Một số người dân phản ảnh, khi đi vay tiền, có một NH đã không cho vay. Hỏi lý do thì NH này trả lời loanh quanh khó hiểu hoặc không thỏa đáng. Phó TGĐ một NHTM cho biết, lý do là NH không còn tiền đồng, nhưng điều này khó có thể nói với khách hàng.
Các NHTM sẽ tiếp tục tăng lãi suất
Các NHTM thờ ơ với quyết định tăng lãi suất của NHNN đến mức, đến ngày NHNN đưa ra quyết định chính thức, nhiều ngân hàng vẫn tỏ ra gần như không hay biết. Khi VietNamNet liên lạc, một số lãnh đạo ngân hàng khá mơ hồ.
Tuy nhiên, ông Phạm Duy Hưng nói rằng, trên thực tế hầu hết các NHTM đều dự báo trước, nhưng thấy không ảnh hưởng gì nhiều, nên không quan tâm lắm đến thời điểm thực hiện.
Ông Hưng cho biết, trước đó vào cuối 2007 đầu 2008 khá nhiều NHTM đã tăng lãi suất huy động, do dự báo trước tình hình.
Đến giờ này, hầu hết các NH ở TP,HCM như Techcombank, Đông Á, ABBank VP Bank, Seabank, Habubank, EximBank, ACBđã tăng lãi suất… Những NH chưa tăng lãi suất cũng có các chương trình dự thưởng khuyến mãi lớn.
Phần lớn các NH nêu lý do là cần vốn phục vụ việc cho vay mua sắm dịp Tết, nhưng nguyên nhân sâu xa không phải như vậy.
Lạm phát cao đang làm khách hàng bị thiệt thòi khi gửi tiết kiệm và ngân hàng phải tăng lãi suất để giữ khách.
Trong bối cảnh tỷ lệ dự trữ tăng lên gấp đôi và nhiều biện pháp thắt chặt tiền tệ đã được ban hành, như sửa đổi Chỉ thị 03, khuyến cáo việc cho vay bất động sản, một phần vốn của các NHTM còn chôn vào ngoại tệ vì NHNN hạn chế mua USD, buộc các NHTM phải tăng lãi suất đầu vào để điều chỉnh cung - cầu.
Rõ ràng, việc tăng lãi suất nằm ngoài ý muốn của NHTM, nhưng một khi Nhà nước không kềm chế nổi lạm phát thì buộc các NH phải tự giải quyết vấn đề của mình.
Chính vì vậy, các chuyên gia về TCNH dự đoán, nếu trong thời gian tới nếu tình lạm phát vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả, thì các NHTM có thể vẫn phải tiếp tục tăng lãi suất huy động vốn.
VNN
|