Ngân hàng "bạc mặt" vì tiền đồng
Sáng 31.1, lãi suất cho vay qua đêm tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đã tăng dữ dội, đạt tới 27%/năm. Đây là mức lãi suất cho vay qua đêm cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.
Trước đó, chiều 30.1, thị trường liên ngân hàng đã cực nóng với việc nhiều ngân hàng nhỏ tìm nguồn vay "nóng". Nếu như vào buổi sáng, lãi suất cho vay qua đêm mới chỉ ở mức 16%/năm thì vào buổi chiều, ngay cả Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) đưa tiền ra đã có lãi suất 17,1%/năm. Ngày 30.1, NHNNVN đã đưa ra 12.000 tỉ đồng nhưng cơn sốt tiền đồng để đảm bảo tính thanh khoản vẫn chưa hạ nhiệt. Vào cuối giờ chiều 30.1, lãi suất cho vay qua đêm đã vọt lên 25 - 26%/năm - một mức lãi suất mà vào sáng 31.1, nhiều tổng giám đốc ngân hàng còn thốt lên: "Làm gì có chuyện đó".
Trả lời Báo Thanh Niên về tình trạng tiền đồng tại ngân hàng sáng 31.1, bà Bùi Thị Mai - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội nói: "Tình hình cũng mệt lắm. Ngân hàng không thiếu đến mức phải vay qua đêm với lãi suất cao nhưng cũng rất kẹt".
Tuy nhiên, đến cuối giờ sáng 31.1, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục nóng hơn, đã có ngân hàng phải vay với lãi suất 27%/năm. Giám đốc phụ trách nguồn vốn của một ngân hàng cổ phần lớn còn cho biết: "Đối với các ngân hàng này (chỉ các ngân hàng phải vay với lãi suất qua đêm 27%/năm - PV) thì đến 30%/năm cũng phải vay vì hôm nay đã là ngày cuối cùng để đảm bảo dự trữ bắt buộc rồi. Mà đó là những ngân hàng còn có khả năng gượng được". Không ít ngân hàng cổ phần nhỏ đã phải chạy đôn chạy đáo, "bạc mặt" cả tuần nay để đảm bảo thanh toán cho khách hàng, rồi đảm bảo dự trữ bắt buộc cho kỳ mới. Có ngân hàng thậm chí còn có khả năng không đảm bảo được tỷ lệ về dự trữ bắt buộc nên chỉ "cố sống, cố chết" vay bằng được để đảm bảo thanh toán cho khách hàng trước, rồi dự trữ bắt buộc tính sau. "Nước cuối cùng là chịu phạt của NHNNVN thôi", ông này tiết lộ.
Theo ghi nhận của Báo Thanh Niên, một vài ngân hàng cổ phần trong buổi sáng 31.1 đã "tìm kiếm một cách điên cuồng" (tiết lộ của một tổng giám đốc ngân hàng cổ phần) các nguồn cho vay ngắn hạn để đáp ứng khả năng thanh toán và sẵn sàng vay với bất cứ mức lãi suất nào. Những ngân hàng này đã lâm vào cảnh "không còn đường lùi" khi nhu cầu thanh toán của khách hàng tăng quá mạnh trong khi nguồn vốn còn lại đã gần như cạn kiệt.
Lãnh đạo cấp cao của một chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn cho biết: "Tình hình sẽ căng thẳng chỉ đến cuối ngày hôm nay (31.1) thôi vì cũng là ngày cuối cùng để đảm bảo dự trữ bắt buộc, việc đảm bảo thanh toán cho khách hàng cũng chủ yếu trong ngày 31.1. Để đến ngày 1.2.2008 thì rủi ro rất cao hoặc chỉ còn nước đầu hàng thôi; còn tuần sau thì là Tết rồi nên cũng không ai đi rút tiền hoặc thanh toán mấy nữa".
Nguồn tin từ NHNNVN cho biết, nguyên nhân của việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh là do các ngân hàng đã không cân đối vốn tốt, đến cuối kỳ thì thiếu thanh khoản và thiếu dự trữ bắt buộc trầm trọng. Ông này cho hay, do chỉ thiếu hụt cục bộ tại một số ngân hàng nên việc lãi suất qua đêm tăng cao chỉ diễn ra trong vài ngày. Nguồn tin này cũng cho hay, trong ngày 31.1, NHNNVN đã đưa thêm ra thị trường 15.000 tỉ đồng với thời hạn 2 tuần để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng với lãi suất buổi sáng là 10%/năm, buổi chiều còn 9%/năm.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm vào thời điểm cuối năm đều tăng mạnh nhưng chưa bao giờ tăng mạnh như năm nay. Thêm vào đó, việc NHNNVN đã tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc kèm với việc tăng lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu kể từ 1.2.2008 là một tín hiệu cho thấy mặt bằng lãi suất VND trên thị trường chắc chắn sẽ tăng trong một thời gian ngắn sắp tới. Ngày 31.1.2008, một ngày sau khi có quyết định tăng lãi suất cơ bản của NHNNVN, Ngân hàng TMCP Quốc tế - một trong 5 ngân hàng cổ phần lớn nhất Việt Nam đã chính thức công bố tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND kể từ 1.2.2008.
TN
|