Cuộc đua lãi suất đến sớm
Mặc dù NHNN vẫn tiếp tục công bố mức lãi suất cơ bản đầu năm mới ở mức 8,25%/năm (không thay đổi từ năm 2005 đến nay), thế nhưng trước diễn biến của giá cả hàng hóa và khan hiếm tiền đồng buộc các nhà băng phải tăng lãi suất huy động tiền gửi ngay từ ngày đầu tháng 1/2008.
Theo các ngân hàng, sở dĩ phải nhanh chóng tăng lãi suất là do nhu cầu vốn của khách hàng tăng mạnh dịp cuối năm, trong khi cung tiền đồng vẫn khan hiếm. Trước đó, nhiều chuyên gia ngành tài chính đã đưa ra dự báo rằng, lãi suất huy động năm 2008 sẽ theo chiều hướng tăng cùng diễn biến của tốc độ lạm phát. Thế nhưng, lãi suất huy động tiền gửi lại “nóng” sớm hơn so với dự đoán. Để đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao dịp Tết Nguyên đán, vào những ngày cuối năm cũ và đầu năm 2008, hàng loạt ngân hàng đã gia tăng lãi suất tiết kiệm kèm nhiều chương trình khuyến mãi khác.
Ngày 28/1, VP Bank đã ban hành biểu lãi suất huy động mới, trong đó, điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi VND ở hầu hết các kỳ hạn huy động hiện có. So với biểu lãi suất cũ, mức tăng được VP Bank điều chỉnh ít nhất là 0,01%/tháng và nhiều nhất là 0,05%/tháng. Đối với loại hình tiết kiệm và tiền gửi VND thông thường, lãi suất được điều chỉnh tăng từ loại kỳ hạn 6 tháng trở đi, với mức tăng từ 0,01%/tháng - 0,04%/tháng. Cụ thể, 6 tháng: 0,75%/tháng; 12 tháng: 0,79%/tháng. Đối với loại hình tiết kiệm và tiền gửi rút gốc linh hoạt, lãi suất cũng tăng cao. Trước đó, VP Bank đã điều chỉnh lãi suất huy động VND vào cuối năm 2007, với mức tăng ít nhất là 0,01%/tháng và nhiều nhất là 0,07%/tháng so với mức lãi suất cũ. “Diễn biến trên thị trường tài chính cuối năm khá sôi động theo chu kỳ nhu cầu vốn của khách hàng. VP Bank muốn chủ động nguồn vốn đáp ứng cầu nên đã tăng lãi suất”, ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VP Bank lý giải.
Sau hơn 5 lần điều chỉnh lãi suất trong năm 2007, Eximbank Việt Nam vẫn không thể đứng yên trước sức nóng nhu cầu vốn tăng cao. Do đó, Ngân hàng này đã tung ra chương trình “tăng lãi suất tiết kiệm linh hoạt” trong ngày đầu tuần (28/1). Theo đó, mức lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm của Eximbank Việt Nam sau khi điều chỉnh tiết kiệm linh hoạt VND tăng bình quân 0,013%/tháng. Riêng lãi suất tiết kiệm linh hoạt USD, Eximbank Việt Nam cũng điều chỉnh tăng bình quân 0,57%/năm.
Tương tự, hàng loạt ngân hàng khác như: ACB, Techcombank, SCB, ABBANK… cũng nhanh chóng vào cuộc đua lãi suất huy động tiền gủi cuối năm, cho dù những nhà băng này từng điều chỉnh lãi suất vào cuối năm 2007. Đơn cử như SCB, ngày 25/1 vừa qua đã chính thức áp dụng biểu lãi suất tiền gửi mới. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng là 0,65%/tháng, kỳ hạn 2 tháng là 0,68%/tháng. Bên cạnh đó, khách hàng gửi tiết kiệm VND kỳ hạn từ 3 - 12 tháng, hình thức lĩnh lãi cuối kỳ, khi tái ký gửi với kỳ hạn bằng hoặc cao hơn kỳ hạn gửi ban đầu sẽ được SCB cộng thêm 0,005%/tháng vào lãi suất hiện hành cho kỳ hạn tái ký gửi đó. Đại diện SCB cho rằng, vào dịp cuối năm, nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp để phục vụ cho sản xuất - kinh doanh tăng cao. Chính vì vậy, SCB phải tăng lãi suất mới có đủ vốn đáp ứng nhu cầu thị trường. Còn ABBANK không ngần ngại điều chỉnh lãi suất huy động tiết kiệm lên đến 10,344%/năm, nếu khách hàng gửi từ 2 tỷ đồng trở lên.
Có thể nói, so với cùng kỳ các năm trước, cuộc đua lãi suất năm nay đến sớm hơn với các ngân hàng. Theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành tài chính, khả năng lãi suất huy động năm 2008 sẽ tăng mạnh, nếu tốc độ lạm phát không được kiềm chế. “Lạm phát gia tăng, ngân hàng không thể giữ được lãi suất, vì gửi tiết kiệm phải hưởng lãi suất âm sẽ khó khuyến khích được người dân bỏ vốn vào ngân hàng. Tuy nhiên, khi lãi suất ngày một gia tăng sẽ là yếu tố làm tăng lạm phát, do doanh nghiệp phải đẩy giá cả hàng hóa để bù lỗ cho lãi vay vốn ngân hàng tăng”, vị chuyên gia trên lý luận. Tăng lãi suất là tăng chi phí đầu vào trong kinh doanh, thế nhưng trước bối cảnh tiền đồng khan hiếm, nhu cầu vốn gia tăng thì cách tốt nhất đối với nhà băng là tăng lãi suất tiết kiệm.
Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP.HCM cho biết, hiện lãi suất do các ngân hàng cổ phần tự điều chỉnh và NHNN không có sự can thiệp nào. Tuy nhiên, theo ông Hạnh, nếu không có sự cân nhắc kỹ lưỡng trong cuộc đua lãi suất và cạnh tranh thiếu lành mạnh, sẽ đem lại hậu quả không tốt cho ngân hàng, do chi phí đầu vào gia tăng, nhưng đầu ra ngày càng bị hạn chế bởi sự phát triển mạnh mẽ của các kênh huy động vốn khác.
ĐTCK
|