Thứ Năm, 31/01/2008 13:27

Thị trường trái phiếu chuyên biệt: Mũi tên nhắm nhiều đích

“Bên cạnh việc nâng cấp hệ thống để chuyển sang giao dịch không sàn, xây dựng thị trường giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết, một trong ba mục tiêu chúng tôi phấn đấu thực hiện trong năm 2008 là xây dựng thị trường trái phiếu chuyên biệt (TPCB)” - ông Trần Văn Dũng, Giám đốc TTGDCK Hà Nội nói với ĐTCK. Hiện nay, đề án xây dựng thị trường này đã được Bộ Tài chính phê duyệt và đang được HASTC triển khai.

Trong hơn 7 năm vận hành TTCK Việt Nam, thị trường trái phiếu nói chung và thị trường TPCB đã được hình thành và phát triển. Đến nay, tổng giá trị thị trường này bằng khoảng 13% GDP (khoảng 115.000 tỷ đồng), bước đầu góp phần tạo ra kênh dẫn vốn hiệu quả, đầu tư lớn cho các công trình trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, so với tiềm năng và nhu cầu, lượng vốn huy động qua kênh phát hành trái phiếu  còn khá nhỏ so với các thị trường trong khu vực. Cấu trúc thị trường phát hành và giao dịch thứ cấp còn bất cập, làm hạn chế khả năng huy động vốn cũng như phát triển thị trường.

Đề án xây dựng thị trường giao dịch TPCB, tách biệt khỏi thị trường giao dịch cổ phiếu, nhằm mục đích tìm ra một mô hình giao dịch phù hợp cho thị trường TPCB ở Việt Nam đang được triển khai trên thực tế. Lộ trình này gắn liền với sự phát triển nền kinh tế và những cải cách trong từng giai đoạn phát triển của thị trường vốn, phù hợp với chiến lược phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020.

Do đặc thù của TPCB, nhà đầu tư chủ yếu là các tổ chức tài chính, tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, nên việc phát triển nhà đầu tư tại Việt Nam giai đoạn trước mắt cũng sẽ dựa vào các tổ chức tài chính và đầu tư bao gồm: Ngân hàng thương mại (trước mắt các ngân hàng thương mại quốc doanh); công ty bảo hiểm; quỹ hưu trí (Bảo hiểm xã hội). Trong trung hạn, tức là từ 3-5 năm tới, các thành viên tham gia thị trường TPCB sẽ mở rộng ra các ngân hàng thương mại cổ phần và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; quỹ đầu tư;  công ty quản lý tài sản; công ty tài chính...

Việc xây dựng thị trường TPCB sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, thực hiện theo mô hình hệ thống đa định chế. Hệ thống này cho phép nhà đầu tư kết nối với nhiều nhà kinh doanh trái phiếu;  xem tất cả các chào giá có trên hệ thống tại một thời điểm để so sánh và tìm chào giá tốt nhất. Nhà đầu tư liên hệ với nhà kinh doanh có chào giá tốt nhất để thương lượng mua/bán. Hệ thống này có thể làm tăng khả năng tiếp cận thông tin cho nhà đầu tư cuối cùng và có nhiều lựa chọn giao dịch. Tuy nhiên, mặt trái là thông tin thị trường hạn chế và phụ thuộc vào nhà kinh doanh để tăng thanh khoản.

Giai đoạn 2 (sau năm 2011) sẽ theo mô hình thị trường liên định chế. Đây là hệ thống giao dịch chỉ gồm các nhà kinh doanh trái phiếu chuyên nghiệp, làm chức năng môi giới và mua/bán cho chính mình; các tổ chức đầu tư có thể biết được các chào giá tốt nhất trên thị trường tại một thời điểm và tiến hành giao dịch thông qua nhà môi giới. Hệ thống này sẽ phù hợp với thị trường đã hình thành một cơ sở nhà đầu tư và nhà kinh doanh trái phiếu đủ lớn, quy mô thị trường lớn và các công cụ chuẩn trên thị trường; và đặc biệt là trên thị trường sơ cấp đã có 1 hệ thống nhà kinh doanh trái phiếu cấp 1 (Primary Dealer), có nghĩa vụ tạo lập thị trường cho TPCB trên thị trường thứ cấp. Theo dự thảo báo cáo mới nhất do Viện Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản) công bố, đến sau năm 2010, Việt Nam mới có khả năng xây dựng được một hệ thống như vậy.

Với việc tái cấu trúc lại thị trường giao dịch trái phiếu Chính phủ chuyên biệt tại TTGDCK Hà Nội (trong đó có việc chuyển các trái phiếu Chính phủ đang niêm yết tại Sở GDCK TP.HCM ra TTGDCK Hà Nội), hệ thống thanh toán giao dịch trái phiếu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán được xây dựng trên TTGDCK Hà Nội tách biệt với hệ thống thanh toán giao dịch cổ phiếu. Giai đoạn sau năm 2011, trên cơ sở mô hình tổ chức thị trường giao dịch TPCB liên định chế, hệ thống thanh toán giao dịch trái phiếu này sẽ cho phép Trung tâm Lưu ký thiết lập các tiêu chí riêng về thành viên, loại chứng khoán, phương thức thanh toán, cơ chế đảm bảo khắc phục tình trạng mất khả năng thanh toán, phù hợp với cơ chế giao dịch liên kết của các thành viên thông qua hệ thống thanh toán của Ngân hàng Nhà nước.

Hệ thống lưu ký, thanh toán giao dịch trái phiếu sẽ được xây dựng tập trung, phục vụ cho các giao dịch trái phiếu Chính phủ trên TTGDCK Hà Nội. Hệ thống đăng ký, lưu ký, thanh toán giao dịch trái phiếu được tổ chức độc lập với các hệ thống đăng ký, lưu ký, thanh toán giao dịch của các loại chứng khoán khác. Phương thức giao dịch theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh liên tục (báo giá). Thời gian thanh toán:  T+1 và T+2. Việc thanh toán sẽ thông qua một đầu mối duy nhất tại trụ sở chính của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, thực hiện bù trừ và thanh toán giao dịch trái phiếu thông qua các tài khoản lưu ký trái phiếu.

Theo HASTC, để xây dựng thị trường TPCB, trước hết cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý cho thị trường giao dịch trái phiếu này. Bộ Tài chính cần đưa ra khung lãi suất cho từng thời kỳ, đặc biệt là lãi suất của trái phiếu Chính phủ cần phản ánh sát hơn với lãi suất thị trường và nên được điều chỉnh một cách linh hoạt. Về phương thức phát hành: tập trung phát hành TPCB theo lô lớn để giảm số loại TPCB lưu hành trên thị trường. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát hành trái phiếu qua các phương thức đấu thầu và bảo lãnh phát hành, tuy nhiên nên có sự phân chia khối lượng phát hành cho mỗi phương thức theo kỳ hạn trái phiếu, tránh tình trạng các đợt phát hành diễn ra quá gần nhau trong cùng thời kỳ, gây ra sự chồng chéo và làm giảm hiệu quả của đợt phát hành.

Năm 2007, HASTC đã huy động được 20.000 tỷ đồng qua việc đấu thầu TPCP. Tuy nhiên do vẫn niêm yết chung với các loại chứng khoán khác nên tính thanh khoản của trái phiếu chưa cao, chưa hấp dẫn được nhiều NĐT trên thị trường thứ cấp. Với việc xây dựng một thị trường TPCB (không chung với thị trường cổ phiếu và các loại chứng khoán khác) sẽ tăng tính khoản, đồng thời, tạo ra đường cong lãi suất chuẩn giúp cho việc điều hành chính sách tiền tệ được linh hoạt, hiệu quả hơn.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Thủ tướng: Phải kiểm soát được lạm phát (31/01/2008)

>   Giá vàng giằng co quanh 1,78 triệu đồng (31/01/2008)

>   Ngân hàng VN - Singapore tăng cường hợp tác (31/01/2008)

>   2008: Việt Nam tăng trưởng 8,7%, lạm phát giảm (31/01/2008)

>   Từ 1/2: Tăng lãi suất tiền đồng Việt Nam (31/01/2008)

>   Crédit Suisse xếp VN vào tốp 10 nước mới nổi (31/01/2008)

>   Vàng xuống, dầu lên (30/01/2008)

>   Giảm giá bán lẻ xăng dầu: thời cơ đã đến? (30/01/2008)

>   GPBank: Năm 2007, tỷ suất lợi nhuận đạt 19,44% (30/01/2008)

>   Báo động một năm lạm phát cao! (30/01/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật