Thứ Tư, 30/01/2008 06:56

Báo động một năm lạm phát cao!

Năm 2007 lạm phát lên đến đỉnh điểm trong hàng chục năm qua. Mục tiêu đề ra cho năm 2008 là lạm phát phải thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Để đạt được mục tiêu này, việc theo dõi lạm phát trong tháng 1, tháng 2 - là những tháng mà nhu cầu cao và có tốc độ tăng cũng thường cao gấp nhiều lần các tháng khác trong năm - là hết sức cần thiết.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, giá tiêu dùng tháng 1.2008 đã tăng 2,38% so với tháng 12.2007 và tăng 14,11% so với tháng 1 cùng kỳ năm trước, trong đó tăng cao có các nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tương ứng tăng 3,76% và 22,01% (lương thực tăng 3,35% và 17,75%; thực phẩm tăng 3,75% và 24,62%, ăn uống ngoài gia đình tăng 4,27% và 20,58%); nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,88% và 16,89%; đồ dùng và dịch vụ khác tăng 2,6% và 10,68%.

Từ tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 1, có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý. Trước hết, giá tiêu dùng tháng 1.2008 đã tăng thấp hơn tốc độ tăng 2,91% của tháng 12 năm trước. Tuy nhiên, chưa thể chủ quan, thỏa mãn bởi hai lý do. Một mặt, do tháng 12 năm trước giá đã tăng quá cao (lên đến 2,91%); mà khi số gốc đã ở mức khá cao, thì dù tốc độ tăng có thấp hơn, nhưng mức tăng tuyệt đối cũng lớn hơn, số tiền thực tế mà người tiêu dùng chi ra càng nhiều hơn. Mặt khác, để chống lạm phát, Nhà nước đã phải tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp kiềm chế việc tăng giá, thậm chí không tăng những loại hàng hóa, dịch vụ đã bị kiềm chế từ những năm trước.

Nhân đây cũng cần lưu ý, trên một số phương tiện thông tin đại chúng, một số chuyên gia đã không thấy được sự bức bách của việc kiềm chế lạm phát mà "kêu hộ" các ngân hàng thương mại đang có lãi lớn, thu nhập rất cao, về việc Nhà nước áp dụng biện pháp hạn chế tiền ra lưu thông, tăng cường hút tiền từ lưu thông về. "Kêu thay" cho một số nhà đầu tư chứng khoán đã có lợi lớn vào cuối năm 2006, đầu năm 2007, nay do tác động của nhiều yếu tố mà giá bị giảm, nhưng lại muốn Nhà nước phải bơm tiền vào thị trường này để "cứu" họ, để họ lại làm "mồi" cho các nhà tay chơi cáo già "làm thịt", đã phất nhanh từ thị trường chứng khoán tiếp tục phất lên hơn nữa tại thị trường này hay chuyển sang thị trường khác hấp dẫn hơn.

Một nhận xét khác là tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 1 năm nay thuộc loại  khá cao so với tốc độ tăng giá của tháng 1 cùng  kỳ trong các năm trước (tháng 1 năm 2007 tăng 1,05%, năm 2006 tăng 1,2%, năm 2005 tăng 1,1%, năm 2004 tăng 1,1%, năm 2003 tăng 0,9%, năm 2002 tăng 1,1%, năm 2001 tăng 0,3%, năm 2000 tăng 0,4%...), tức là cao nhất tính từ năm 1996 đến nay. Điều này cảnh báo giá 2008 sẽ tăng khá cao. Một nhận xét quan trọng khác là tốc độ tăng giá so với cùng kỳ năm trước (con số này dùng để tính tốc độ tăng bình quân năm này so với năm trước mà năm ngoái đã gây nhiều tranh cãi bởi chênh lệch rất lớn so với tháng 12 năm này so với tháng 12 năm trước - kiểu như năm trước là 8,3% so với 12,63%) của tháng 1.2008 đã tăng tới 14,11%. Tốc độ tăng cao so với cùng  kỳ năm trước (tính theo năm) như thế này sẽ là tín hiệu đáng quan tâm: tốc độ tăng giá tính theo bình quân năm của năm 2008 này sẽ cao hơn tốc độ tăng giá tính theo cách tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước - tức là ngược với năm 2007. Nó cũng báo hiệu tốc độ tăng giá bình quân năm nay so với bình quân năm trước sẽ cao hơn tốc độ tăng GDP! Đây là một cảnh báo đáng lưu ý, bởi nó cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng (dự báo cao nhất cũng không vượt quá 9%, còn các dự báo khác cũng chỉ từ 7,5-8%) mà nhiều chuyên gia đã đưa ra tại cuộc Hội thảo về giá cả do Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả tổ chức vào cuối năm 2007.

Một nhận xét đáng lưu ý khác nữa là trong 10 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, thì những nhóm có liên quan trực tiếp đến nhu yếu phẩm và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi tiêu cho đời sống của người tiêu dùng đều tăng cao hơn các nhóm hàng hóa, dịch vụ khác. Người tiêu dùng có thu nhập thấp, người nghèo do có tỷ trọng tiêu dùng những mặt hàng thiết yếu trên cao gấp đôi nhóm người giàu, nên giá tiêu dùng tăng cao sẽ làm cho họ khó khăn và nếu giá nhu yếu phẩm tăng cao sẽ càng làm cho họ khó khăn gấp bội.

Ngoài tháng 1 và tháng 2 là tháng có Tết Nguyên đán - Tết cổ truyền của dân tộc, nếu giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng cao sẽ tác động không tốt đến người tiêu dùng nói chung và những người có thu nhập thấp nói riêng. Đối với người giàu thì "no dồn" cả năm sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng với người có thu nhập thấp thì do "đói góp" cả năm nên muốn có một cái Tết no đủ và rất mong có giá cả tăng thấp để vừa ăn Tết, vừa vui Tết. Đối với người gửi tiết kiệm, với một tốc độ tăng giá từ mấy tháng cuối năm 2007 đến nay thì lãi suất càng mang dấu âm (tháng 10 tăng 0,74%, tháng 11 tăng 1,23%, tháng 12 tăng 2,91%, tháng 1 tăng 2,38%, tính chung 4 tháng đã tăng tới 7,44%, gần bằng với lãi suất gửi tiết kiệm vào Ngân hàng Nhà nước với kỳ hạn cả năm). Cũng theo công bố của Tổng cục Thống kê, giá vàng tăng 5,07% so với tháng 12.2007 và tăng tới 35,33% so với tháng 1.2007; giá USD tương ứng giảm 0,26% và giảm 0,17%.

TN

Các tin tức khác

>   Cơ hội và thách thức của các ngân hàng thương mại Nhà nước (29/01/2008)

>   Quỹ đầu tư đổ vốn kinh doanh vàng bạc (29/01/2008)

>   Thận trọng khi "chạy" theo giá vàng (29/01/2008)

>   Dự án tài trợ của ADB cho VN rất thiết thực (29/01/2008)

>   Giá vàng tiến gần 1,8 triệu đồng mỗi chỉ (29/01/2008)

>   Năm 2007 SeABank tăng 300% kết quả kinh doanh so với năm 2006 (29/01/2008)

>   Ngân hàng Nhà nước TP.HCM khuyến cáo: Thận trọng cho vay kinh doanh bất động sản (29/01/2008)

>   Tốc độ cho vay tăng cao nhất từ trước đến nay (29/01/2008)

>   Tháng 1/2008: CPI tiếp tục ở mức cao (28/01/2008)

>   Giá vàng tiến gần mốc 18 triệu đồng/lượng (28/01/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật