Thứ Ba, 29/01/2008 17:54

Cơ hội và thách thức của các ngân hàng thương mại Nhà nước

Trước thách thức mới của quá trình hội nhập hiện nay, đòi hỏi hệ thống ngân hàng (NH) phải chuyển sang giai đoạn mới là phát triển theo chiều sâu với nhiệm vụ: cơ cấu lại các NH thương mại, cổ phần hoá các NH thương mại Nhà nước, tăng quy mô vốn của các NH và cải thiện năng lực quản trị điều hành.

PGS.TS Lê Hoàng Nga (Học viện Ngân hàng) nhận định, hiện tại, ngành ngân hàng (NH) đã trải qua giai đoạn phát triển theo chiều rộng với việc mở rộng mạng lưới, tăng dư nợ, thu hút khách hàng, phát triển các định chế NH và phi NH.

Thực trạng hệ thống NH thương mại Nhà nước

Đến nay, hệ thống nhân hàng của Việt Nam đã được hình thành với sự góp mặt của 5 NHTM Nhà nước, 1 NH Chính sách xã hội, 1 NH phát triển, 37 NHTM cổ phần đô thị, 37 chi nhánh NH nước ngoài, 5 NH liên doanh, 45 văn phòng đại diện tổ chức tài chính tín dụng nước ngoài tại VN, hơn 20 công ty tài chính và cho thuê tài chính cùng với gần 1000 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Sở dĩ số lượng NH và các tổ chức tín dụng phát triển nhanh trong thời gian qua là do tính hấp dẫn trong kinh doanh tiền tệ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cao hơn hẳn so với các ngành kinh tế khác.

Hiện tại, hệ thống Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) đang được hỗ trợ bởi chương trình cải cách toàn diện với chủ trương lành mạnh hoá tài chính theo hướng xử lý và ngăn chặn nợ xấu gia tăng, tăng vốn tự có, cơ cấu lại tỷ lệ sở hữu; cơ cấu lại hoạt động bằng việc xây dựng và phát triển các hệ thống quản trị tiên tiến, ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển sản phẩm mới. Đồng thời, hệ thống NH này cũng đang quyết tâm cơ cấu lại tổ chức bộ máy rất mạnh mẽ. Chính vì vậy, trong những năm gần đây các dịch vụ ngân hàng đã có sự phát triển rất nhanh nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý, tạo độ an toàn, thuận tiện kết nối và đảm bảo lợi ích nhiều mặt cho khách hàng.

Tuy nhiên, phân tích dưới góc độ kỹ thuật, PGS.TS Lê Hoàng Nga cho rằng, các NHTMNN của Việt Nam hiện tại vẫn bị đánh giá là kém phát triển và chậm hội nhập, do hạn chế về công nghệ, tài chính, vốn và trình độ quản lý. Đến nay, cả 5 NHTMNN với tổng số vốn thuộc sở hữu nhà nước cũng chỉ đạt khoảng 19.400 tỷ đồng, hệ số an toàn bình quân toàn hệ thống chỉ đạt dưới 5%, trong khi tỷ lệ tương ứng theo thông lệ quốc tế phải đạt tối thiểu 8%. Mặt khác, hoạt động của các NHTMNN lại chịu không ít rủi ro bởi có tới 70% vốn huy động là vốn ngắn hạn, nguồn vốn có kỳ hạn trên 5 năm chỉ chiếm khoảng 7%, nhưng các NH hiện nay đang phải sử dụng tới 30-35% vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn.

Một hạn chế khác được các chuyên gia phân tích nêu ra, là hiện nay hầu hết các NHTMNN đều chưa xây dựng được một chiến lược cạnh tranh dài hạn rõ ràng, đảm bảo tính khả thi cao dựa trên lợi thế riêng có, mà chủ yếu vẫn kinh doanh theo chiến lược ngắn hạn, thậm chí là “chụp giật, bóc ngắn - cắn dài”. Các sản phẩm dịch vụ mặc dù đã có sự cải tiến đáng kể so với cách đây 5-7 năm, nhưng vẫn còn rất đơn điệu, phần lớn chú trọng đến các nghiệp vụ huy động – cho vay, thanh toán, ngân quỹ, còn đối với các sản phẩm dịch vụ mới như: quản lý tài sản, vốn, kinh doanh chứng khoán, tư vấn tài chính, bảo hiểm, đầu tư... chưa thực sự phát triển. Trong khi, nguồn lao động tại các NHTMNN được đánh giá khá “dồi dào” về số lượng nhưng lại hạn chế do trình độ chuyên môn quản lý thấp, nhất là kỹ năng và trình độ quản trị NH theo công nghệ hiện đại đang thiếu hụt rất lớn. Bên cạnh đó, phải kể đến những cái khó của các NHTMNN như chịu sự tác động, chi phối nhiều bởi cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động không hoàn toàn vì mục đích thương mại; chất lượng tài sản thấp, tỷ lệ nợ xấu cao; hệ thống báo cáo chưa minh bạch, khả năng sinh lời thấp, chi phí quản lý cao...

Thế mạnh và cơ hội

Điểm mạnh đầu tiên phải kể đến với các NHTMNN hiện nay là do được thành lập và hoạt động từ lâu trong thời kỳ hệ thống tài chính Việt Nam có rất ít các định chế tài chính khác, nên thương hiệu của các NH được biết đến một cách rộng rãi, đã nằm trong trí nhớ của nhiều người. Đặc biệt đối với không ít người dân, mỗi khi có hoạt động thanh toán, gửi tiền thì điều đầu tiên họ người nghĩ đến đó là phải đến NHTMNN, hai chữ “Nhà nước” tạo cho khách hàng cảm giác tin tưởng so với các ngân hàng mới.

Điểm mạnh tiếp là các NHTMNN thường có quan hệ rộng rãi với các DNNN, các Tổng công ty, DN lớn. Mạng lưới phân phối của rộng, nhiều khách hàng truyền thống, thị phần lớn, ổn định. Hơn nữa, các NH này có được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và ở một góc độ nào đó, các NHTMNN cũng có được môi trường pháp lý thuận lợi hơn so với các NHTM cổ phần, liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài.

Vì vậy, theo PGS.TS Lê Hoàng Nga thì, điều kiện cốt lõi đầu tiên để nâng cao hiệu quả các NHTMNN trong tình hình hiện nay là việc nâng cao trình độ quản trị điều hành, nhằm thổi “sức sống mới” vào các NH, tránh nguy cơ tụt hậu. Muốn vậy, cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá các NHTMNN, tiến hành sáp nhập, hợp nhất các NH thương mại để tăng quy mô hoạt động, phát huy trình độ, kinh nghiệm quản lý và giảm chi phí hoạt động. Việc cổ phần hoá cần tiến hành theo 3 bước: thứ nhất là chuẩn bị môi trường pháp lý, hoạch định lại chiến lược kinh doanh của từng NH; tiếp đến là tái cơ cấu toàn diện NH, bao gồm cả thể chế và tài chính; cuối cùng mới thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp để bán đấu giá cổ phần ra công chúng. Việc chọn nhà đầu tư chiến lược cũng cần tính đến yếu tố “lâu dài”, nhằm tận dụng kinh nghiệm quản lý, điều hành và chiến lược phát triển sản phẩm của đối tác chứ không nhất thiết phải quá chú trọng đến việc bán cổ phần với giá cao cho nhà đầu tư chiến lược.

Một giải pháp khác được Th.S Nguyễn Thị Kim Thanh - Vụ chính sách, Ngân hàng Nhà nước đưa ra, đòi hỏi các NHTMNN cần hướng tới hệ thống minh bạch, hoàn thiện cơ sở dữ liệu điều hành, đưa ra được hệ thống tiêu chí, chuẩn mực đánh giá chất lượng hoạt động một cách hiệu quả nhất. Mặt khác, phải nâng cao năng lực cán bộ và đội ngũ chuyên gia quản lý giỏi về cơ chế chính sách, luật lệ quốc tế; đổi mới lề lối, phương thức làm việc, tư duy kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ NH. Ứng dụng hệ thống công nghệ hiện đại, tạo bước đột phá mới về công nghệ, ngoài ra cần mở rộng quy mô về vốn để vượt qua những hạn chế hiện nay, tạo được chất lượng dịch vụ tốt, hiệu quả trong đầu tư, kinh doanh.

Đi liền với việc tự thân vận động của các NHTMNN, đòi hỏi cơ quan quản lý phải xây dựng môi trường pháp lý hiệu quả, hiệu lực đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình NH, hạn chế đến mức thấp nhất sự rủi do mang tính hệ thống. Do đó, cần sự cải cách mạnh mẽ trong công tác giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, cơ cấu hệ thống tài chính Việt Nam, mức độ vận dụng quy luật thị trường để hỗ trợ hoạt động quản lý rủi ro tại các NH. Như vậy, mới đảm bảo hoạt động của các NHTMNN phát triển nhanh, cạnh tranh được với các loại hình NH khác đang cùng hoạt động trong một lĩnh vực và quan trọng hơn là tận dụng được lợi thế để bứt phá và giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động đầu tư – kinh doanh tài chính, tín dụng trong qúa trình hội nhập./.

VOV

Các tin tức khác

>   Quỹ đầu tư đổ vốn kinh doanh vàng bạc (29/01/2008)

>   Thận trọng khi "chạy" theo giá vàng (29/01/2008)

>   Dự án tài trợ của ADB cho VN rất thiết thực (29/01/2008)

>   Giá vàng tiến gần 1,8 triệu đồng mỗi chỉ (29/01/2008)

>   Năm 2007 SeABank tăng 300% kết quả kinh doanh so với năm 2006 (29/01/2008)

>   Ngân hàng Nhà nước TP.HCM khuyến cáo: Thận trọng cho vay kinh doanh bất động sản (29/01/2008)

>   Tốc độ cho vay tăng cao nhất từ trước đến nay (29/01/2008)

>   Tháng 1/2008: CPI tiếp tục ở mức cao (28/01/2008)

>   Giá vàng tiến gần mốc 18 triệu đồng/lượng (28/01/2008)

>   Thay đổi có tính quyết định của bảo hiểm tiền gửi (28/01/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật