Tháng 1/2008: CPI tiếp tục ở mức cao
Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại-Giá cả Tổng cục Thống kê (TCTK): cho biết Mặc dù không tăng với mức kỷ lục như tháng 12/2007 nhưng CPI táng 1/2008 vẫn tăng ở mức rất cao là 2,38% so với tháng 12/2007 và tăng 14,11% so với cùng kỳ năm 2007.
Theo ông Thắng, lương cơ bản đã tăng; nhu cầu tiêu dùng trong tháng 1 là rất lớn chuẩn bị cho Tết Nguyên đán; thêm vào đó, giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu khác tiếp tục tăng...chính là nguyên nhân khiến CPI tháng 1 tiếp tục tăng cao. Đặc biệt, giá lương thực, thực phẩm tiếp tục đạt mức tăng cao nhất trong số 10 nhóm mặt hàng trong rổ hàng hoá.
Giá lương thực tiếp tục tăng cao bởi đây là thời điểm các doanh nghiệp đang "ráo riết" thu mua thóc gạo phục vụ cho các hợp đồng xuất khẩu 2008. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gạo đang thuận lợi về lượng xuất khẩu và giá do năm 2008, nước láng giềng Thái Lan giảm sản lượng xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, giá thực phẩm cũng đang đà tăng chóng mặt. Nếu như các tháng trước, chỉ có thịt lợn tăng giá thì từ cuối tháng 12/2007 đến nay, giá loại thực phẩm và hải sản đều tăng: Thịt bò tăng thêm 10-15%, gia cầm tăng từ 15-20%, tôm tăng trên 20%...Ngoài ra, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại một số tỉnh khiến nhiều đàn gia cầm mắc bệnh bị chết và tiêu huỷ. Đặc biệt, nhiều hộ chăn nuôi đang có xu hướng “găm hàng” chờ bán ra trong dịp Tết Nguyên đán khiến giá thực phẩm tăngvọt. Chính sự tăng giá của nhóm lương thực thực phẩm đã đẩy CPI tháng 1 lên cao bởi nhóm này chiếm tới 43% trong tỷ trọng tiêu dùng.
Như vậy, so với tháng 12, CPI tháng 1 tăng ở 9/10 nhóm trong rổ hàng hóa chung trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất với mức tăng 3,76%, trong đó, lương thực tăng 3,35% và thực phẩm tăng 3,75%. Tăng mạnh thứ 2 là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 2,88%. Tháng 1 cũng là tháng mà nhu cầu mua sắm các vật dụng gia đình rất lớn nên nhóm đồ dùng và dịch vụ khác cũng góp mặt vào một trong 3 nhóm có mức tăng cao nhất.
Đặc biệt, trong tháng 1, do ảnh hưởng của tăng giá lương thực thực phẩm trong khi cơ cấu chi tiêu của người dân nông thôn vẫn chủ yếu dành phần lớn cho ăn uống nên khu vực nông thôn có CPI tăng 2,53% so với tháng 12/2007, cao hơn khu vực thành thị 0,34%.
Cũng trong tháng 1, giá vàng tăng kỷ lục với mức 5,07% so với tháng 12/2007 và tăng 35,33% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá USD tháng 1 lại tiếp tục giảm 0,26% so với tháng 12/2007, giảm 0,17% so với cùng kỳ.
Tổng cục Thống kê dự báo, theo quy luật thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, CPI tháng 2 sẽ tiếp tục tăng cao với mức khoảng 2,5%.
ttxvn
|