Hồi hộp theo dõi giá cả khi nâng lãi suất tiền đồng
Động thái nâng lãi suất cơ bản tiền đồng thêm 0,5% mới đây của Ngân hàng Nhà nước nhắm đến kiểm soát chặt chẽ hơn lượng tiền trong lưu thông và hạn chế lạm phát. Một số chuyên gia cho rằng, tác động của biện pháp này có thể sẽ chưa rõ nét.
Ông Ashok Sud, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered (Anh) khu vực Việt Nam - Lào - Campuchia, cho hay, nếu theo dõi thị trường gần đây, người ta sẽ không ngạc nhiên về việc nâng lãi suất cơ bản tiền đồng. "Đây là một biện pháp quan trọng để kiểm soát lạm phát và đã được đưa ra đúng thời điểm", ông Sud nhận xét.
Nâng lãi suất là biện pháp hầu hết ngân hàng trung ương thực hiện để hút bớt tiền từ lưu thông và hạn chế tiêu dùng của người dân. Khi lãi suất ngân hàng cao hơn tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), người dân sẽ có xu hướng tích lũy và gửi tiền ngân hàng, thay vì chi tiêu.
Hôm 30/1, Ngân hàng Nhà nước quyết định nâng lãi suất cơ bản tiền đồng thêm 0,5%, lên mức 8,75% và áp dụng mức lãi suất này từ ngày 1/2. Cơ quan này cho hay, việc điều chỉnh nhằm kiểm soát tổng phương tiện thanh toán cho phù hợp với mục tiêu lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Trao đổi với VnExpress, một quan chức của Ngân hàng Nhà nước cho hay, cơ quan này đang theo dõi sát sao diễn biến trên thị trường tiêu dùng cũng như diễn biến của tỷ giá đôla và tiền đồng để có những biện pháp tiếp theo. Theo ông, yếu tố chính quyết định tỷ giá vẫn sẽ là cung - cầu trên thị trường và khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tiền tệ phản ánh đúng diễn biến thị trường.
Theo ông Ashok Sud, việc nâng lãi suất cơ bản tiền đồng sẽ không có ảnh hưởng rõ rệt đến tỷ giá đôla và tiền đồng trong ngắn hạn, mà tỷ giá này vẫn do cung cầu trong lưu thông quyết định. Ông nhận định, tỷ giá giữa đôla và tiền đồng sẽ tiếp tục sụt giảm trong 3 tháng tới.
Một trong những nguyên nhân chính đẩy tỷ lệ lạm phát trong năm 2007 lên cao là do lượng đôla đổ vào lưu thông lớn, dẫn đến việc tiền đồng lên giá so với đôla và Ngân hàng Nhà nước phải đưa nhiều tiền đồng ra mua vào, khiến giá cả leo thang.
Ông Sud đánh giá, để tỷ giá không trượt đi quá xa, Việt Nam không thể chỉ gắn giá trị đồng tiền của mình với một ngoại tệ. "Giá trị của tiền đồng cũng cần tính đến một "giỏ" ngoại tệ, bao gồm cả euro hay yen Nhật", ông nhấn mạnh.
Việc Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất tiền đồng khiến nhiều người nghĩ đến khả năng các ngân hàng thương mại "theo đà" nâng lãi suất huy động vốn.
Vị quan chức của Ngân hàng Nhà nước cho hay, lãi suất tại các ngân hàng thương mại tăng giảm chủ yếu phụ thuộc chiến lược kinh doanh của từng nhà băng. Song ông cũng thừa nhận, việc một số ngân hàng nâng lãi suất "theo đà" có thể xảy ra và với những trường hợp vượt quy định, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp ngăn chặn.
Trong khi đó, chuyên gia của một định chế tài chính tại Việt Nam lại cho rằng, tới đây có thể một số ngân hàng thương mại sẽ lại nâng lãi suất, song không phải do động thái của Ngân hàng Nhà nước. "Các nhà băng nâng lãi suất hay không phụ thuộc vào chi phí vốn của họ", ông này cho hay. Theo đó, trong bối cảnh dự trữ bắt buộc được nâng lên, khiến chi phí vốn tăng, mà tín dụng tại các ngân hàng vẫn tốt, nên các nhà băng có thể chấp nhận nâng lãi suất huy động.
Cũng theo ông này, trong thời gian tới, các doanh nghiệp và người dân sẽ có xu hướng vay đôla và gửi tiền đồng tại các ngân hàng nhiều hơn, dẫn tới lệch pha trong cung cầu trên thị trường.
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank), cho hay, các ngân hàng thương mại, trong đó có Đông Á, sẽ buộc phải xem xét lại mức lãi suất hiện tại để tăng mức độ cạnh tranh trong thu hút vốn bằng VND. Tuy nhiên, DongA Bank mới tăng lãi suất vào ngày 10/1 nên ban hành biểu lãi suất mới là điều phải cân nhắc.
Ông Bình cho rằng, quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc khiến các nhà băng phải điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2008. Nếu thị trường chứng khoán phát triển tốt, doanh nghiệp có thể huy động vốn tại thị trường này thì gánh nặng sẽ không còn đè lên vai nhà băng. Còn nếu ngược lại, thị trường chứng khoán đi xuống, không còn cách nào khác doanh nghiệp sẽ phải nhờ đến ngân hàng. Khi ấy gánh nặng từ việc thiếu tiền đồng nặng nề hơn.
Tổng giám đốc ABBank Lưu Đức Khánh cho rằng, khi nền kinh tế đối mặt với nguy cơ lạm phát cao, Ngân hàng trung ương đứng trước dự chọn lựa tăng trưởng kinh tế (chấp nhận lạm phát) hay thắt chặt tiền tệ. Bằng cách tăng lãi suất cơ bản tiền đồng thêm 0,5%, trước mắt Ngân hàng Nhà nước sẽ phần nào giải quyết được bài toán lạm phát song tăng trưởng của nền kinh tế có thể vì thế mà chậm lại.
VnE
|