Thứ Ba, 12/02/2008 07:15

Kinh tế Mỹ "lắc lư”: Kinh tế VN bị ảnh hưởng ra sao?

Một cuộc suy thoái nghiêm trọng ở Mỹ nếu xảy ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước châu Á, trong đó có VN. Hàng xuất khẩu của VN sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn từ Trung Quốc, thu hút đầu tư cũng có thể giảm đi. Nhưng đổi lại, lạm phát cũng có thể "dịu" lại. Tuy nhiên, tác động có thể sẽ ít hơn cách đây một thập niên nhờ sức mạnh đáng kể từ nhu cầu trong nước.

Citigroup ước tính rằng tổng sản phẩm nội địa (GDP) Mỹ cứ giảm 1% thì chỉ riêng GDP của Trung Quốc sẽ bị giảm 1,3% do xuất khẩu giảm.

Khó cho hàng xuất khẩu

Do đó, sự đi xuống của cả Mỹ - vị khách hàng lớn nhất thế giới và Trung Quốc - nhà sản xuất lớn của thế giới - sẽ có thể ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh sản xuất và xuất khẩu của VN. Ví dụ như việc cắt giảm nguồn chi tiêu của khách hàng ở Mỹ (chiếm khoảng 2/3 tổng mức cầu của Mỹ) sẽ làm giảm đáng kể nguồn nhập khẩu của hàng Trung Quốc, vốn đang tràn ngập trên khắp các kệ hàng bán lẻ ở Mỹ. Khi đó, những sản phẩm này sẽ rẻ hơn và cạnh tranh với hàng VN tại thị trường Mỹ.

Thế nhưng khi hàng Trung Quốc tiêu thụ ở Mỹ giảm đi, nó sẽ chuyển hướng, có thể đưa vào tiêu thụ tại VN. Hệ quả là VN sẽ giảm được áp lực lạm phát, nhưng cũng tác động không tốt đến các ngành công nghiệp ở VN.

Cũng liên quan đến lạm phát, khi nền kinh tế Mỹ đi xuống, giá dầu và các nguyên liệu công nghiệp chính (ximăng, thép...) sẽ mềm hơn và giúp giảm áp lực lạm phát lên VN.

Đầu tư nước ngoài có giảm?

VN cũng sẽ bị tác động bởi các chính sách giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Mặc dù nguồn vốn đăng ký chính thức lên đến mức kỷ lục 20 tỉ USD trong năm 2007, nhưng mức giải ngân thật sự chỉ khoảng 4,6 tỉ, nghĩa là dưới 25% số vốn đăng ký. Vấn đề này là do cơ sở hạ tầng còn thiếu chưa đủ phục vụ nền kinh tế. Những điều này sẽ còn tiếp tục gây khó khăn và làm chệch hướng phát triển của nền xuất khẩu VN. Việc hàng xuất khẩu của trung Quốc cạnh tranh gay gắt với hàng VN tại Mỹ và ngay tại thị trường nội địa cũng là nguyên nhân giảm nguồn du nhập vốn vào VN.

Có thể xem ví dụ trường hợp của Hàn Quốc, đối tác đầu tư chính ở VN. Nguồn vốn đầu tư và giải ngân chủ yếu tập trung cho sản xuất các mặt hàng xuất khẩu qua Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ. Nếu bị suy thoái nghiêm trọng ở những thị trường này thì Hàn Quốc có thể sẽ chấm dứt các nguồn giải ngân và nguồn vốn mới vào VN.

Cuối cùng, một tác động nữa là từ thị trường tài chính. VN được xem là thị trường mới nổi ở châu Á. Các dòng đầu tư du nhập từ khắp các quĩ trên thế giới, bao gồm các quĩ đầu cơ và quĩ tự bảo hiểm và các ngân hàng quốc tế chủ chốt. Những điều kiện đang ngày càng tệ hơn với tình hình thị trường tài chính thế giới, xuất phát từ suy thoái kinh tế Mỹ và sự kém đề phòng với các rủi ro, có thể sẽ làm giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán còn non như VN.

Sự "chênh vênh" của thị trường VN như hiện tại do các yếu tố phát sinh trong nước có thể sẽ càng tệ hơn do thêm tình trạng biến động trên thị trường tài chính thế giới. Thị trường chứng khoán bị tác động, các công ty xuất nhập khẩu (chẳng hạn may mặc, dệt, giày dép, hàng điện tử...) sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Kinh tế Mỹ với những dấu hiệu của suy thoái

Một cuộc suy thoái thật sự ở Mỹ được biết khi GDP đã bị giảm trong hai quí liên tục. Nền kinh tế Mỹ chưa hề có khái niệm về biến cố này trong suốt thập kỷ qua, đặc biệt là dưới sự chỉ đạo của cựu chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ, ông Greenspan, được biết đến là người hướng nền kinh tế thế giới thoát khỏi nạn lạm phát cũng như suy thoái.

Chủ tịch hiện thời của Cục Dự trữ liên bang được biết là người áp dụng đường lối học thuyết hơn bằng việc phân tích các luận chứng kinh tế và tài chính dựa trên các số liệu chính thức. Nhưng các giới chức bắt đầu lên tiếng rằng đường lối này quá thụ động để phản ứng nhanh với sự phát triển của thị trường và chính sách của Cục Dự trữ liên bang bị cho là quá trễ nải trong việc dẫn dắt thị trường tránh khỏi khủng hoảng.

Do đó, việc đoán trước suy thoái kinh tế của Mỹ phải dựa trên các chỉ số dự báo khuynh hướng thị trường và các "triệu chứng" của nền tài chính, đáng lưu ý là các chỉ số của thị trường chứng khoán Mỹ.

Việc chỉnh sửa chỉ số của thị trường chứng khoán chỉ chính thức được nhận biết khi chỉ số thị trường giảm xuống khoảng 10%; hai tháng trở lại đây, chỉ số đã giảm khoảng 15-18%, đặc biệt chỉ số của Dow Jones xuống đến 16% từ 14.300 còn mức 12.000 hiện tại. Lĩnh vực chính - nhà đất: so với đỉnh điểm của năm 2006, lĩnh vực này bắt đầu giảm đến khoảng 40%; mặc dù giá nhà trung bình trong năm 2007 giảm 7% so với 2006. Tỉ lệ thất nghiệp đã lên tới 5% vào tháng 12-2007, mức cao nhất trong vòng hai năm nay; lĩnh vực bán lẻ cũng hoạt động yếu kém vào mùa giáng sinh vừa qua, phần lớn các chuỗi bán lẻ phải giảm giá liên tục...

Trước tình hình này, Chính phủ Mỹ đã thông qua kế hoạch áp dụng một lượng ngân sách lớn nhằm hỗ trợ thị trường lên đến 145 tỉ USD, bao gồm cả việc giảm thuế khoán.

Cục Dự trữ liên bang cũng mong muốn có thể cắt bớt 75-100 điểm từ lãi suất cơ bản, điều này dẫn đến việc giảm các lãi suất vay ở Mỹ.

TS PHẠM ĐỖ CHÍ - phó giám đốc điều hành VinaCapital

tt

Các tin tức khác

>   “Thời cơ" cho vàng tư nhân "đội" giá (11/02/2008)

>   Xuất khẩu nữ trang sang Đức và Mỹ (11/02/2008)

>   Giá thuê xe du lịch giảm mạnh (11/02/2008)

>   Khởi động thị trường phục vụ lễ Valentine (11/02/2008)

>   Xây thương hiệu mạnh, thị phần lớn (11/02/2008)

>   Thị Trường Sau Tết: Giá thực phẩm vẫn còn rất cao (11/02/2008)

>   Dòng chảy đầu tư vào dịch vụ du lịch (10/02/2008)

>   Xúc tiến mở cửa thị trường hàng không (11/02/2008)

>   Hải Phòng: Đưa vào khai thác tàu LASH trọng tải lớn nhất trong nước (10/02/2008)

>   Nội lực là móng của "toà nhà" kinh tế (10/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật