Xúc tiến mở cửa thị trường hàng không
Việc VietJet, hãng hàng không tư nhân đầu tiên ở Việt Nam mới đi vào hoạt động đã được đánh giá là động thái rõ rệt nhất của Chính phủ trong việc mở cửa thị trường hàng không.
Chủ trương cho phép các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không từng được đã đề cập trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, ban hành năm 1991, và sau này được quy định cụ thể hơn trong Luật Hàng không dân dụng sửa đổi, có hiệu lực từ đầu năm 2007.
Việc thành lập thêm hãng hàng không, như nhận định của Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng, là điều cần thiết để tạo ra một thị trường hàng không mang tính cạnh tranh cao trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng. Mới đây, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc thành lập hãng hàng không tư nhân thứ 2 là Phú Quốc Air.
Ngoài VietJet, hiện có một số doanh nghiệp nhà nước và cổ phần khác cũng ngỏ ý được tham gia đầu tư kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không. Tuy nhiên, trước yêu cầu về vốn, đặc biệt là các điều kiện về an toàn, an ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị Chính phủ chỉ nên thành lập từ 2-3 hãng hàng không trong giai đoạn từ nay đến năm 2010.
Theo kế hoạch, VietJet sẽ thực hiện các đường bay nội địa là Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội-Đà Nẵng và đường bay quốc tế từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến Xinhgapo, Thái Lan, với mức giá “rất cạnh tranh”, phù hợp với số đông khách hàng.
“Chúng tôi sẽ thiết lập quan hệ đối tác cùng phát triển với cộng đồng hàng không đang khai thác thị trường Việt Nam, để đảm bảo khách hàng sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất”, ông Robert Hughes, Giám đốc điều hành VietJet cho biết.
Đổi lại thách thức lớn do mới thành lập, theo ông Hughes, VietJet có kế hoạch thuê chuyên gia nhiều kinh nghiệm của nước ngoài làm quản lý, đào tạo cán bộ ở trong và ngoài nước để đủ điều kiện tiếp cận và áp dụng ngay các tiêu chuẩn kỹ thuật cao với chi phí hợp lý. Đây có thể coi là thế mạnh mà các hãng hàng không đi trước khó có được.
Lãnh đạo VietJet cũng không giấu diếm tham vọng chiếm được thị phần lớn từ hai đối thủ “đàn anh” là Vietnam Airlines và Pacific Airlines, sau khi hãng chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11 tới.
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, ông Phạm Ngọc Minh, khẳng định "miếng bánh" hàng không còn nhiều phần cho các hãng các hàng không khác phát triển, Vietnam Airlines sẽ cố gắng đi đầu để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, chứ không phải “cá lớn nuốt cá bé”.
Cho dù cả Vietnam Airlines và Pacific Airlines đều tỏ ra không lo ngại về sự xuất hiện của VietJet, song ngay từ lúc này đã có những dấu hiệu cho thấy một làn sóng cạnh tranh ngầm giữa các hãng hàng không. Động thái mới nhất là việc Vietnam Airlines - doanh nghiệp vẫn được coi là độc chiếm lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn này đã ký hợp đồng mua 30 máy bay của tập đoàn Airbus để chuẩn bị cho các kế hoạch mở thêm đường bay nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh.
Ngoài 5 hãng hàng không nội địa, thị trường vận tải hàng không Việt Nam hiện còn có 43 hãng hàng không nước ngoài đang khai thác đường bay đến Việt Nam. Trong 5 năm qua, ngành hàng không đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm, riêng năm 2007 đạt 20%.
Bản thân các doanh nghiệp hàng không nội địa cũng cho rằng, việc thành lập thêm các hãng hàng không, ngoài việc mở ra cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, còn là bước đột phá để ngành hàng không Việt Nam tăng năng lực vận chuyển, cải thiện khả năng cạnh tranh để vượt qua vị trí thứ 6 trong khu vực ASEAN.
Về phía ngành, nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh, chiến lược phát triển ngành đến năm 2020 đã dự kiến nhu cầu vốn khoảng 15 tỷ USD để phát triển đội bay, phát triển cảng hàng không và quản lý bay. Theo kế hoạch này, sẽ có 26 sân bay được xây dựng và đưa vào khai thác, trong đó có 10 cảng hàng không quốc tế, trải khắp cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Trước nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực, Vietnam Airlines cũng đang đàm phán với với tập đoàn World Airlines Services để hợp tác đào tạo phi công, tạo cơ sở cho việc thực hiện kế hoạch xây dựng trung tâm đào tạo phi công hàng đầu thế giới tại Việt Nam.
ttxvn
|