Nội lực là móng của "toà nhà" kinh tế
Vị thế thấp, bắt tay hợp tác có thể bị ngã
Là Chủ tịch HĐQT một TCty lớn, ông nhìn nhận thế nào về vị thế của các DN Việt Nam trong khi hội nhập?
DN Việt Nam bước ra nền kinh tế thế giới đầy sóng gió, nhưng chúng ta có một nhà nước với những chủ trương, chính sách ngày càng phù hợp với quá trình hội nhập, luật pháp từng bước chuyển đổi theo những cam kết gia nhập các tổ chức kinh tế quốc tế. Điều cực kỳ quan trọng là Việt Nam có môi trường chính trị ổn định…
Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách khách quan và thẳng thắn rằng, DN chúng ta có điểm xuất phát thấp: Quy mô, tiền vốn, năng lực quản lý … của DN chúng ta so với các DN của thế giới đang còn nhỏ bé.
Cán bộ am hiểu về kinh tế, luật pháp quốc tế cũng chưa phải đã nhiều. Ai chẳng mong muốn đi nhanh. Nhưng phải có lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể. DN phải có cách đi bền vững thì bắt tay với DN nước ngoài mới chặt được. Cái bắt tay làm ăn mà lỏng lẻo thì kết quả sẽ không có hoặc không cao. Cái bắt tay lỏng lẻo là do quan hệ giữa hai bên chênh lệch do ta yếu thế (không có thế, có lực). Nếu chúng ta ở vị thế thấp thì khi bắt tay ta cứ với lên và có khi mình lại bị ngã.
Ông nói như vậy có nghĩa là DN Việt Nam phải có hành trang của chính mình – tức là lực nội sinh – để "đối trọng" với DN nước ngoài?
Đúng thế. Muốn hợp tác bình đẳng, ta phải có lực, có cái gì là chất của chính chúng ta. Vì thế phải đánh giá thẳng thắn thực trạng hiện nay của DN mình để rút ra những việc cần phải làm: Phát huy mạnh mẽ những thế mạnh truyền thống, đồng thời bổ sung, làm đầy những khiếm khuyết bằng sự học hỏi giá trị mới của thế giới hôm nay. Muốn làm đầy những khiếm khuyết, muốn bổ sung những giá trị mới thì phải có phương tiện hội nhập… Mục tiêu hội nhập thì đã rõ, nhưng phương tiện hội nhập là gì?
Tiền vốn, thương hiệu… đương nhiên là nguồn lực, nhưng phương tiện hội nhập phải "sắm" trước hết là ngoại ngữ. Có ngoại ngữ thì mới hiểu đối tác và mới đối thoại được. Người ta nói chuyện làm ăn với mình mà như nói chuyện với anh điếc thì làm sao ta có thể hội nhập. Nếu không hiểu người thì đó là sự va đập, tạo nên bi – hài kịch trong phát triển.
Thứ hai là nâng cao kỹ năng quản trị điều hành DN, khả năng thích ứng hoạt động độc lập, làm chủ DN. Lúc này các DN cần phải giải phóng thói quen ỷ lại vào Nhà nước, để chủ động hơn trong thương trường với những kỹ năng quản lý mới. Thứ ba là định hướng hoạt động của DN. Xây dựng nguồn lực của DN phải có kế hoạch sách lược và chiến lược. Nếu không có tầm nhìn xa vài chục năm DN sẽ luôn chậm chân và lạc hậu.
Không học, không thể có trí tuệ trong kinh tế
Thưa ông, những điều ông nói không phải là DN muốn là có được. Muốn có phải có quá trình, trong đó học là việc không thể không làm. Nhưng DN thì phải tính đến lợi nhuận. Học có nghĩa là lâu dài, trong khi lợi nhuận làm cho người ta sốt ruột…?
Làm ăn có bài bản cũng không thể sốt ruột. Đã qua rồi cái thời các chủ DN làm kinh tế tức là "đánh quả". Bây giờ đang hội nhập, làm kinh tế đòi hỏi phải có trí tuệ. Chỉ có trí tuệ kinh tế mới bắt tay bình đẳng với thế giới được. DN học quá khứ, học hiện tại, học của cha ông, học của mình, học của người, học cả trong nước, học cả nước ngoài… Còn lợi nhuận? Cần nhớ rằng kinh tế phải kết hợp với xã hội, vì sự phát triển của xã hội. Nhà nước tạo cơ chế cho DN để làm ăn có hiệu quả, nên ngoài nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước về tài chính DN phải có trách nhiệm đối với xã hội.
Có một thực tế là DN Việt Nam khi ra thế giới thì thường hay bị ngợp. E rằng nếu cứ ngợp thế này thì các DN Việt Nam luôn ở thế yếu?
Đúng là trước những cái mới, cái hơn hẳn mình thì ban đầu thông thường con người ta đều ngợp. Nhưng khi đã có sự hiểu biết nhất định và có quá trình làm quen với cái mới mà vẫn ngợp thì không thể phát triển được. Nói một cách hình ảnh, khi người ta mặc complete ngồi trong phòng đàm phán sang trọng thì ta cũng phải mặc complete chứ không thể mặc áo vá đi chân đất để ngồi đàm phán với họ. Quần áo ở đây không có ý nghĩa là vẻ bề ngoài, mà tôi muốn nói đến cái vị thế của DN Việt Nam.
Nói như thế không có nghĩa là ta cứ tự kiêu cho rằng mình là nhất. Sự kiêu ngạo đó chỉ làm nên những thất bại thê thảm. DN Việt Nam được hưởng vị thế dân tộc Việt Nam – đó là kết tinh của giá trị tinh thần, giá trị vật chất, nó là nội lực của DN. Nội lực được sản sinh từ trong lòng dân tộc, nội lực cũng được sản sinh ra khi ta kết hợp giữa cái tự có với sự chọn lọc cái hay, cái tiên tiến từ bên ngoài.
Vô ơn không chỉ thuộc về phạm trù đạo đức
Có một số chủ DN đưa ra quan điểm rằng: Tư tưởng, văn hoá mới coi trọng truyền thống vì chúng ta có truyền thống thật hào hùng, nhưng làm kinh tế thì không cần như vậy khi phải đương đầu với thương trường quốc tế đầy rủi ro… Ý kiến của ông về quan điểm này?
Chỉ một số chủ DN nghĩ như vậy thôi.
Còn đại đa số chủ DN, dù thành phần kinh tế nào thì cũng không thể cắt đứt quá khứ, mặc dù lĩnh vực kinh tế có vẻ tưởng như không gắn với truyền thống. "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Có quá khứ mới có hiện tại, có quá khứ và hiện tại mới có tương lai. Nó là một mạch liền liên tục, nếu cắt chỗ nào thì sẽ hẫng hụt ở đó. Hôm qua là quá khứ của hôm nay, hôm nay lại là quá khứ của ngày mai. Trong gia đình, không có cha mẹ, ông bà thì làm sao có mỗi chúng ta.
Chúng ta chăm sóc bố mẹ, thắp nén hương trên bàn thờ tổ tiên, chăm sóc mồ mả tổ tiên là chúng ta đang nối quá khứ với hiện tại với sự biết ơn sâu sắc. Không có lòng tri ân thì con người dễ sống vô ơn. Mà vô ơn là một tai hoạ. Làm kinh tế cũng vậy, ngoài việc phải tổng kết kinh nghiệm của quá khứ để phát huy trong hiện tại thì nếu vô ơn chúng ta sẽ trở thành cái cây không có gốc, là toà nhà không có móng. Như thế thì tồn tại làm sao được, kết cục là đổ sụp.
Cây không có gốc, nhà không có móng thì sao làm nên giá trị, mà không có giá trị thì ai chơi với chúng ta đây? Một đất nước, một DN cũng vậy thôi. Đó là phạm trù văn hoá, là đạo đức con người, là đạo đức kinh doanh… Các cụ ta dạy rằng "Được mùa chớ phụ ngô khoai". Hôm nay, giá trị của DN có được dù ít dù nhiều cũng là sự tích tụ công sức, trí tuệ của nhiều thế hệ đi trước, những thế hệ đã vượt qua những thời gian gian khó. Ta quên đi những điều đó thì làm sao người lao động gắn bó với DN được. Người lao động không gắn bó với DN thì muốn ăn có lãi lãnh đạo DN có ba đầu sáu tay cũng chịu, nói gì đến việc lớn hơn là vươn ra thương trường quốc tế.
Phụ thuộc về kinh tế = mất bình đẳng
Do vốn nhỏ nên khi bắt tay với DN nước ngoài, nhiều DN trong nước vẫn đứng ở thế từ dưới nhìn lên. Và trong hoàn cảnh đó, thường thì DN trong nước thiệt thòi. Nhưng họ chấp nhận thiệt thòi để hút được vốn của nước ngoài vào – đó là cách làm hiện nay của nhiều DN. Theo ông, như vậy có làm cho nội lực của DN mạnh lên?
Lịch sử phát triển của một quốc gia hay một DN đã chứng minh tính nguyên tắc rằng, nội lực luôn là chính, sử dụng sự giúp đỡ bên ngoài là quan trọng. DN không có nội lực (tôi gọi là sức đề kháng) thì sự hỗ trợ từ bên ngoài – dù là hỗ trợ đúng nghĩa hay là cùng nhau làm ăn- đều không có hiệu quả. Phát triển chính cái bên trong của mình thì không ai làm thay được.
Ta có cái của ta thì khi cái bên ngoài vào ta mới "tiêu hoá" được. Cần nhớ, khi ta có đủ nội lực mạnh thì nguồn lực bên ngoài đến với ta hay ta chủ động đến với họ, với bản chất hợp tác bình đẳng hai bên cùng có lợi và hai bên chia sẻ rủi ro, chứ không phải quan hệ trên dưới phụ thuộc. DN không nhận thức được điều đó để xây dựng nội lực, không có sức đề kháng thì tỉ lệ phụ thuộc sẽ rất lớn.
Không ít cán bộ của các DN của Nhà nước, khi đi nước ngoài để đàm phán làm ăn lại thường tính đến việc đối tác bao tiền vé máy bay, ăn ở, đi lại, tiêu vặt… Phụ thuộc như thế thì làm sao có thể có sự bình đẳng trong những bản hợp đồng kinh tế?
Khi phụ thuộc về kinh tế thì không có sự bình đẳng trong quan hệ. Nguyên tắc hợp tác là bình đẳng. Khi mình phụ thuộc tức là thất thế, khi mình yếu hơn thì quan hệ bình đẳng đó không còn cân bằng nữa.
Nhưng thưa ông, hiện tại các DN Việt Nam mới có định hướng mục tiêu như vậy, còn có rất nhiều DN vẫn chưa đủ nội lực để bắt tay một cách bình đẳng khi hội nhập?
Ai cũng có "gót chân Asin". Khi bắt tay bình đẳng, cần xác định rằng anh có thế mạnh của anh, tôi có thế mạnh của tôi, và anh có điểm yếu, tôi cũng có điểm yếu. Hai thế mạnh cộng hưởng và điểm yếu của nhau được bù trừ sẽ tạo nên sức mạnh mới. Nếu hợp tác ngay tại nhà mình mà mình không phát huy được sức mạnh thì làm sao ra thế giới hợp tác lại có sức mạnh được. Nói điều đó để thấy rằng chúng ta hiểu đối tác, hiểu chúng ta thì chúng ta tự tin trong mối quan hệ hợp tác bình đẳng.
Giá trị văn hoá là gốc của mọi giá trị
Ông quan niệm thế nào về "văn hoá DN" khi mà hiện nay nhiều người thường nói về khái niệm này như một tiền đề của DN hiện đại?
Người ta đã và đang bàn nhiều về văn hoá DN. Nhưng với góc độ một nhà quản lý DN, tôi cho rằng văn hoá DN là sự hội tụ cả giá trị tinh thần và vật chất được sự vun đắp từ cả một quá trình lâu dài. Có lúc chúng ta không chú ý đến và gần như quên lãng, nhưng khi chú ý thì lại nóng vội muốn làm được ngay. Văn hoá DN không thể đơn giản như vậy.
Văn hoá trong doang nghiệp là sự phát triển bền vững của DN, bắt đầu từ cái giản dị như cư xử con người với nhau ngay trong DN và với xã hội, sự tri ân quá khứ, đến mục tiêu kinh doanh vì lợi ích DN, người lao động, lợi ích quốc gia… DN làm ra nhiều lợi nhuận mà lại phá hoại môi trường tự nhiên, môi trường xã hội thì làm sao có văn hoá.
Làm ra nhiều tiền đâu phải đã có văn hoá DN. Văn hoá DN có những yếu tố nhìn thấy nhưng cũng có những yếu tố chưa thể nhìn thấy ngay một lúc, vì nó nằm trong chính sức mạnh nội tại…
Khi hội nhập, thương hiệu của DN là cái người ta dễ nhìn thấy; tuy nhiên hiện nay thương hiệu của DN Việt Nam còn quá khiêm tốn, dù ai cũng muốn đẩy nó lên…
Thương hiệu là một biểu hiện rõ nhất của văn hoá DN. Thương hiệu có giá trị hữu hình được hội tụ qua nhiều công sức, trí tuệ và cả máu của các thế hệ. Giá trị thương hiệu vừa là vật chất vừa là tinh thần. Văn hoá là mục tiêu và là động lực của phát triển. Do đó, DN nào làm ra nhiều của cải cho xã hội, đóng góp cho đất nước phát triển, giải quyết việc làm và đời sống tốt cho người lao động, tuân thủ pháp luật, tôn trọng người lao động, tôn trọng đối thủ, tôn trong môi trường sống của con người, phát triển DN bền vững … thì đó là DN có văn hoá.
Thương hiệu là kết quả của giá trị văn hoá, không có văn hoá thì không có thương hiệu. Do đó, có được thương hiệu không phải dễ…
LD
|