Xây thương hiệu mạnh, thị phần lớn
Đất nước đang trong không khí vào Xuân, trên đà thắng lợi của năm cũ, các doanh nhân đang ôm ấp, đặt nhiều kỳ vọng vào năm 2008 – Mậu Tý với nhiều mục tiêu lớn và họ đã bộc bạch...
ÔNG PHẠM NGỌC MINH, TỔNG GIÁM ĐỐC TỔNG CÔNG TY HÀNG KHÔNG VN (VIETNAM AIRLINES):
Cải tiến nhằm hướng tới khách hàng
Ông thầy người Pháp của tôi đã dạy rằng tất cả các sân bay dù hiện đại đến mấy thì cũng như nhau cả thôi, quan trọng là con người, dịch vụ tốt hay dở đều ở chính những người cung cấp dịch vụ ấy. Cho nên cùng tham vọng bổ sung đội máy bay hiện đại lên ngang tầm khu vực, Vietnam Airlines sẽ tập trung vào việc đào tạo con người và nâng cấp chất lượng dịch vụ. Vietnam Airlines có tham vọng rất lớn trong việc tăng cường đội bay của mình. Vừa rồi, chúng tôi đã ký hợp đồng mua 47 chiếc máy bay các loại. Theo dự kiến, đến năm 2015, Vietnam Airlines sẽ khai thác tổng số 86 máy bay và nâng lên 110 máy bay vào năm 2020.
Năm 2008, chúng tôi triển khai hàng loạt chương trình cải tiến để nâng cấp toàn hệ thống. Trong đó, có chương trình cải tiến để trở thành hãng hàng không hướng tới khách hàng, tính cạnh tranh thể hiện ở chính điểm này. Một hãng hàng không chỉ biết cung cấp những gì mình có sẽ nhanh chóng bị đào thải. Chắc chắn trong năm nay khách hàng sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn từ Vietnam Airlines.
ÔNG LÊ KHẮC HIỆP, CHỦ TỊCH HĐQT CÔNG TY CỔ PHẦN VINCOM:
Kinh doanh nhưng không quên trách nhiệm xã hội
Bên cạnh một số dự án đang được tích cực chuẩn bị, ngay từ đầu năm 2008, chúng tôi sẽ triển khai hai dự án lớn: tại Hà Nội, xây dựng tòa tháp Vincom 2 bên cạnh tòa tháp đôi đang hoạt động. Tại TPHCM, xây dựng khu tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp, khách sạn và căn hộ cao cấp cho thuê tại khu tứ giác Eden và 36-38 Lê Thánh Tôn, quận 1. Mảng dịch vụ tài chính, hướng kinh doanh chủ yếu thứ 2 của Vincom sau lĩnh vực kinh doanh bất động sản cao cấp cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ trong năm nay. Ngay ngày làm việc đầu năm, Công ty Chứng khoán Vincom sẽ chính thức khai trương. Các định chế tài chính khác như Công ty Quản lý quỹ, Công ty Tài chính... theo kế hoạch sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, chúng tôi cũng sẽ không quên trách nhiệm xã hội của mình. Vincom sẽ tiếp tục tham gia vào các hoạt động xã hội từ thiện. Trong năm nay, chúng tôi sẽ thực hiện một số chương trình lớn, dài hạn để thiết thực góp phần cùng cả nước xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là đối với những gia đình chính sách, có công với đất nước.
ÔNG LÊ NGỌC MINH, GIÁM ĐỐC MOBIFONE:
Các mạng tăng tốc lấp đầy 90% thị trường
Năm 2008 sẽ là năm đột phá khai thác thị trường của các mạng di động, là năm cực kỳ sôi động của các mạng di động VN, tiếp nối đà tăng trưởng nhảy vọt của năm 2007. Từ năm 2008 đến hết năm 2009, dự báo MobiFone và các nhà cung cấp khác sẽ tạo cơ sở để 90% dân số sử dụng dịch vụ điện thoại di động, do vậy mạng nào nhanh chân sẽ giành phần thắng. Nhận thức rõ cơ hội này, MobiFone sẽ nỗ lực để tiếp tục giữ vị trí đứng đầu (trên 40%) và phấn đấu đạt mục tiêu trên 20 triệu thuê bao (hiện có 14 triệu thuê bao). Cùng với cuộc cạnh tranh quyết liệt giành thị phần, năm 2008 cũng là "cuộc chiến" lấy giấy phép 3G, bởi trong 7 nhà cung cấp chỉ có 4 giấy phép. Một cuộc đua không kém phần quyết liệt nữa đối với các mạng di động trong năm 2008 là dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng. Cuối năm 2008, khi 3G chính thức có mặt tại VN thì người tiêu dùng đã có quyền đòi hỏi các dịch vụ nội dung. Ngay từ bây giờ, các nhà cung cấp đã phải chuẩn bị cho những bước tiến về dịch vụ nội dung như thoại có hình, video, truyền dữ liệu...
ÔNG MAI VĂN PHÚC, TỔNG GIÁM ĐỐC TỔNG CÔNG TY HÀNG HẢI VN (VINALINES):
Khởi công 6 dự án cảng biển lớn
Nhiệm vụ trọng tâm của Vinalines trong năm nay là phát triển đội tàu biển quốc gia, nâng cấp hệ thống hạ tầng cảng biển và dịch vụ hàng hải. Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục phát triển đội tàu không chỉ về số lượng mà cả chất lượng, phấn đấu trở thành nòng cốt và chiếm thị phần chủ yếu trong đội tàu biển quốc gia. Đây là nét đặc thù của VN so với các quốc gia có biển khác. Vinalines sẽ khởi công 6 dự án cảng biển lớn trong năm 2008. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng vì hạ tầng giao thông nói chung của VN đang quá tải. Nếu xảy ra ách tắc trên đường bộ, người ta có thể tìm ngay được lối đi khác nhưng hàng hải chỉ có lối vào duy nhất là cảng, nếu để tắc sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế đất nước.
Nhiệm vụ được ưu tiên nhất sẽ là phát triển dịch vụ vận chuyển đa phương thức logistic. Làm tốt được nhiệm vụ này đồng nghĩa với việc chiếm lĩnh thị trường và như vậy sẽ tạo thuận lợi để phát triển đội tàu và nâng cấp cảng biển. Để hoàn thành những công việc này, Vinalines sẽ gặp không ít khó khăn, trong đó thách thức lớn nhất là những hạn chế về nguồn nhân lực. Chúng tôi đã có kế hoạch dài hạn cho bài toán nan giải này.
ÔNG TRẦN ANH TUẤN, TỔNG GIÁM ĐỐC BIDV:
Hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2008
Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BIDV) đặt ra ba mục tiêu quan trọng trong năm 2008. Đó là hoàn thành đề án cổ phần hóa để trình Chính phủ cuối tháng 3, đầu tháng 4-2008; phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO), đồng thời phải đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm. Chúng tôi xác định đây sẽ là một năm vô cùng khó khăn vì ngay từ cuối năm 2007, diễn biến trên thị trường thế giới đã không thuận lợi, nhất là khủng hoảng cho vay bất động sản tại Mỹ tác động đến hệ thống ngân hàng toàn cầu. Ngay từ tháng 1, lạm phát trong nước đã lên đến gần 2,4%, đặt ra cho các ngân hàng phải theo dõi sát diễn biến thị trường để có những điều chỉnh thích hợp. Theo lộ trình cam kết WTO, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài sẽ được thành lập tại VN nên thị trường sẽ có tính cạnh tranh, đòi hỏi các ngân hàng trong nước phải luôn sẵn sàng. Tôi cho rằng sau một năm trở thành thành viên WTO, doanh nghiệp VN đã lớn lên nhiều, các ngân hàng đã được chỉ đạo nâng cao năng lực quản lý, xử lý nợ xấu, nâng chuẩn lên gần với thông lệ quốc tế nên cũng đã lớn mạnh cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động.
ÔNG NGUYỄN XUÂN VUI, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN DỊCH VỤ & THƯƠNG MẠI HÀNG KHÔNG (AIRSECO):
Phải dẹp bỏ tình trạng “đem con bỏ chợ”
Năm 2007, cả nước đã đưa được trên 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tạo nguồn thu ngoại tệ đạt khoảng 2 tỉ USD - tính theo thu nhập thực tế mà người lao động chuyển về nước. Xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang góp phần rất lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhưng nếu nhìn sang các nước cùng khu vực, nhất là Philippines, chúng ta còn thua xa. Hằng năm, Philippines có hơn 1 triệu người đi XKLĐ, tạo nguồn thu ngoại tệ hơn 10 tỉ USD.
Tôi nghĩ, với tiềm năng lao động dồi dào của một quốc gia có dân số hơn 80 triệu người, chỉ tiêu XKLĐ hằng năm phải gấp đôi con số trên trở lên. Nhưng chúng ta không thể chỉ chạy theo số lượng, mà cố gắng để đưa 90% lao động xuất khẩu có nghề vào những năm tới.
Vấn đề mà XKLĐ VN đang cần phải giải quyết ngay, đó là hạn chế thấp nhất rủi ro, kịp thời bảo vệ quyền lợi người lao động ở nước ngoài. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải kiên quyết loại trừ những doanh nghiệp mua bán giấy phép, không đủ năng lực, thiếu cái tâm... Phải dẹp bỏ tình trạng “đem con bỏ chợ” như đã từng diễn ra, chấn chỉnh vi phạm, tiêu cực thì mới tạo ra môi trường trong sạch cho XKLĐ.
ÔNG PHẠM QUANG NGỌC, PHÓ CHỦ TỊCH HĐQT FPT:
Xuất khẩu phần mềm sẽ tăng trưởng mạnh
Năm 2008 sẽ là năm tăng trưởng nhảy vọt của kim ngạch xuất khẩu phần mềm VN. Năm qua, sản xuất và gia công phần mềm của VN đã có bước tăng trưởng kỷ lục, trong đó FPT Software đạt doanh thu của phần mềm và dịch vụ hơn 1.800 tỉ đồng, tương đương với mức tăng trưởng tới 39,28% so với năm 2006, lợi nhuận vượt 10 triệu USD, tăng hơn gấp hai lần so với năm 2006. VN đã ghi tên vào bản đồ các quốc gia sản xuất, gia công phần mềm trên thế giới, với nguồn nhân lực đang được bồi đắp từng ngày, đội ngũ kỹ sư trình độ cao và kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm. Hiện tại, các doanh nghiệp phần mềm VN đã là đối tác lớn của những tập đoàn công nghệ thông tin, công nghiệp, tài chính ngân hàng hàng đầu thế giới tại Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, Ấn Độ, Singapore...
Đối với FPT Software, hợp đồng đã được ký kín gần hết năm 2008. Mới đây, FPT Software đã khai trương Công ty TNHH Phần mềm FPT châu Á – Thái Bình Dương tại Singapore. Đây là công ty phần mềm VN đầu tiên mở chi nhánh tại Singapore. Trước đó, FPT Software đã thành lập pháp nhân tại Nhật Bản. Sau 2 năm hoạt động, doanh thu của FPT Software Nhật Bản đạt 16 triệu USD, tăng tưởng 90% so với năm 2006.
ÔNG LÊ PHỤNG HÀO, PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC TẬP ĐOÀN KINH ĐÔ:
Kinh Đô không chỉ có bánh kẹo!
Trong năm 2008, Tập đoàn Kinh Đô có nhiều chuyển biến mới mang tính đột phá trên nhiều lĩnh vực. Lâu nay, người tiêu dùng chỉ biết bánh kẹo Kinh Đô, thì nay sẽ có thêm nhiều loại hình như địa ốc, siêu thị, chứng khoán... Trong lĩnh vực thực phẩm, Kinh Đô tiếp tục mua thêm một số công ty trong ngành thực phẩm chế biến để phát triển thế mạnh sẵn có về thương hiệu, mạng lưới kể cả nguồn nhân lực. Bằng chứng là những đơn vị đã liên kết, hợp tác với Kinh Đô như Nutifood, Tribeco... đã phát triển khá tốt. Trong tháng 3-2008, Kinh Đô sẽ đưa vào hoạt động nhà máy chế biến bánh kẹo tại Khu Công nghiệp VN- Singapore (Bình Dương), với quy mô lớn đến 8 ha (nhà máy này có công suất gấp đôi so với nhà máy hiện tại ở Thủ Đức - TPHCM). Về lĩnh vực bất động sản, trong năm 2008, Kinh Đô chính thức công bố một số dự án như khu phức hợp trên đường Cộng Hòa (Q. Tân Bình - TPHCM) gồm văn phòng cho thuê, căn hộ, trung tâm thương mại (diện tích 3 ha) và một số dự án khác tại khu vực trung tâm TP. Đồng thời, các sản phẩm địa ốc cũng được chính thức xuất hiện trên thị trường đầu tư tài chính chứng khoán. Tập đoàn còn khai trương Công ty Cổ phần Chứng khoán Kinh Đô. Ngoài ra, Kinh Đô còn tham gia trong lĩnh vực thương mại về bán lẻ như liên doanh, hợp tác với các đối tác nước ngoài phát triển chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại.
ÔNG ĐỖ DUY THÁI, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY THÉP VIỆT (POMINA):
Chủ động nguồn nguyên liệu trong nước
Thị trường thép xây dựng trong năm qua có nhiều biến động, giá cả tăng liên tục. Nguyên nhân sâu xa vẫn là do ngành thép trong nước còn lệ thuộc quá nhiều vào thế giới. Chúng ta chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, cho nên khi giá nguyên liệu thép thế giới tăng cao sẽ kéo theo giá trong nước tăng. Đứng trước tình trạng trên, Thép Việt đang đầu tư 300 triệu USD xây dựng nhà máy thép tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong đó, có nhà máy luyện nguyên liệu phôi thép với công suất 1,5 triệu tấn, nhà máy cán thép công suất 1 triệu tấn và một cảng biển. Riêng nhà máy luyện đã đưa hoạt động một dây chuyền với công suất 500.000 tấn/năm. Cụm nhà máy này sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2009, lúc đó Thép Việt sẽ chủ động hoàn toàn về nguồn nguyên liệu, với giá thành cạnh tranh do sử dụng công nghệ tiên tiến nên tiết giảm được lượng năng lượng khá lớn.
ÔNG LÊ PHƯỚC VŨ, TỔNG GIÁM ĐỐC TẬP ĐOÀN HOA SEN:
Đầu tư cả bất động sản, cảng biển
Tập đoàn Hoa Sen vừa đầu tư xây dựng 3 dự án lớn với vốn đầu tư lên đến trên 30 triệu USD, đó là nhà máy mạ tôn lạnh (công suất 150.000 tấn/năm), nhà máy mạ tôn màu (công suất 50.000 tấn/năm). Cả 2 dự án này vừa được đưa vào hoạt động. Còn nhà máy sản xuất ống nhựa, ống thép (công suất 50.000 tấn) sẽ đưa vào hoạt động trong quý I/2008. Trong năm 2008, Hoa Sen tiếp tục đầu tư xây dựng và mở rộng mạng lưới bán lẻ thêm 15 chi nhánh, nâng tổng số hệ thống lên khoảng 100 chi nhánh trên cả nước. Đồng thời, tiến hành xây dựng cảng biển quốc tế (tàu có trọng tải 5 vạn tấn) tại Cái Mép, Thị Vải, Bà Rịa - Vũng Tàu, với vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng. Ngoài ra, trong năm 2008, triển khai xây dựng dự án nhà máy luyện và cán thép tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ I (Bà Rịa - Vũng Tàu), công suất 500.000 tấn/năm, vốn đầu tư 100 triệu USD. Triển khai xây dựng dự án bất động sản tại quận 9, với vốn đầu tư 600 tỉ đồng (gồm chung cư và cao ốc).
ÔNG TRẦN BảO MINH, PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN SỮA VIỆT NAM (VINAMILK):
Tiếp tục khẳng định vị trí số 1...
Chúng tôi tự hào với thành quả hoạt động, sản xuất của năm 2007 và có thể nói sau một năm gia nhập WTO, thông qua việc cạnh tranh trên sân chơi sòng phẳng, Vinamilk đã khẳng định vị trí hàng đầu của ngành công nghiệp sữa tại VN thuộc về một doanh nghiệp trong nước – một thương hiệu Việt. Năm 2008, Vinamilk sẽ tiếp tục tăng thiết lập vị thế số 1 bằng cách bảo đảm lợi nhuận tốt, đẩy mạnh hoạt động marketing, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú ý đến cung cách phục vụ. Hàng loạt chiến dịch đầu tư nhà máy, hệ thống bán hàng đã được triển khai như đưa một nhà máy sản xuất cà phê hiện đại, hệ thống rang xay tự động tại Bình Dương vào hoạt động với giá trị hàng chục triệu USD; mua lại nhà máy sữa Milas có trang trại bò sữa tại Thanh Hóa trong chiến lược phát triển vùng nguyện liệu bò sữa để chủ động nguồn sữa phục vụ sản xuất.
Bên cạnh ngành chủ lực của Vinamilk (chiếm khoảng 70% – 80%) là sản xuất và kinh doanh ngành thực phẩm, nước giải khát có lợi cho sức khỏe của cộng đồng, Vinamilk sẽ trở thành tập đoàn đa ngành nghề hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tài chính và bất động sản.
ÔNG LÊ HỒNG SANH, TRƯỞNG BAN TIÊU THỤ - THỊ TRƯỜNG – THƯƠNG HIỆU, TỔNG CÔNG TY BIA – RƯỢU – NƯỚC GIẢI KHÁT SÀI GÒN (SABECO):
Ba chiến lược để phù hợp với phương thức hoạt động mới
Sau khi cổ phần hóa, Sabeco tiếp tục duy trì chính sách chất lượng: Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, giảm giá thành, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao. Bên cạnh đó, sẽ áp dụng ba chiến lược quan trọng ưu tiên trong việc tổ chức lại hệ thống kinh doanh để phù hợp với phương thức hoạt động mới. Cụ thể: Tái cấu trúc lại bộ máy vận hành và tổ chức, bảo đảm tính linh hoạt. Phát triển hệ thống phân phối, chú trọng cả hai kênh phân phối truyền thống và kênh phân phối hiện đại; đẩy mạnh công tác marketing chuyên nghiệp. Tái cấu trúc hệ thống sản phẩm, hệ thống nhãn hiệu phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển lâu dài của Sabeco.
Năm 2008, dự kiến kế hoạch tiêu thụ của các loại bia là 768 triệu lít (tăng 18% so với năm trước), doanh thu đạt trên 9.000 tỉ đồng; tổng sản lượng nước ngọt các loại là 41,2 triệu lít với doanh thu đạt 236 tỉ đồng... Sabeco sẽ đẩy mạnh thị trường xuất khẩu thông qua việc nâng cao thị phần tại 28 nước hiện có sản phẩm và mở rộng thị trường sang các nước khác.
ÔNG VÕ QUỐC THẮNG, CHỦ TỊCH HĐQT KIÊM TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN ĐỒNG TÂM (ĐỒNG TÂM GROUP):
Giải bài toán con người
Năm 2007, công ty đã cổ phần hóa và sáp nhập 10 công ty thành viên thành Đồng Tâm Group; định hình xây dựng đội ngũ quản lý làm bệ phóng để phát triển. Trong thời buổi mở cửa hiện nay, vấn đề nguồn vốn không quá khó mà quan trọng là con người. Đồng Tâm Group dành 40% vốn cho sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, trang trí nội thất; 30% vốn cho đầu tư khu công nghiệp – bất động sản và 20% vốn còn lại để liên kết với các công ty khác. Phát huy thế mạnh thương hiệu và hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, năm 2008, Đồng Tâm sẽ đưa ra thị trường hàng loạt mặt hàng gạch, sơn, vật liệu trang trí nội thất mới - đặc biệt là sản phẩm cửa gỗ mang nhãn hiệu Đồng Tâm Window; mở rộng các khu công nghiệp, triển khai xây dựng dự án khu đô thị trung tâm hành chính tỉnh Long An. Năm 2008 cũng là cột mốc để Đồng Tâm Group xây dựng bản sắc, dấu ấn kinh doanh riêng; phấn đấu đến năm 2020 phát triển thành công ty đa ngành nghề và hướng đến mục tiêu sau năm 2010 Đồng Tâm có tên trong top 10 công ty có thu nhập người lao động cao nhất Việt Nam. Trước mắt, Đồng Tâm Group đặt mục tiêu đạt doanh thu năm 2008 trên 1.500 tỉ đồng và lợi nhuận 200 tỉ đồng (tăng 90 tỉ đồng so với năm 2007).
ÔNG BÙI DUY ĐỨC, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN VIỆT NAM KỸ NGHỆ SÚC SẢN (VISSAN):
Hướng đến những vùng đất mới
Năm 2008 được xác định là năm đặc biệt thử thách đối với Vissan: hoàn thành cổ phần hóa, tái thiết kế bộ máy tổ chức và thực hiện các dự án di dời nhà máy. Với mục tiêu đạt tổng doanh thu 2.860 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 63 tỉ đồng, Vissan sẽ đẩy mạnh cải cách, rút ngắn thời gian, quy trình sản xuất để có năng suất cao, giá thành rẻ, cạnh tranh; hợp đồng chiến lược với các nhà cung cấp để có nguồn hàng ổn định. Mục tiêu năm nay của chúng tôi là hướng đến những thị trường mới như Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh lân cận TPHCM; lập nhà máy giết mổ, chế biến tại chỗ để cung cấp thịt tươi. Ngoài ra, công ty tập trung nghiên cứu những sản phẩm mới chất lượng cao, giá thành hạ dành cho khách hàng vùng sâu vùng xa; nghiên cứu chế biến phụ phẩm của heo như tim, gan... thành thực phẩm công nghiệp, xây dựng dây chuyền sản xuất bột nêm nguyên chất từ xương heo... Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Vissan sẽ tham gia lĩnh vực bất động sản và nghiên cứu đầu tư góp vốn ra nước ngoài.
ÔNG NGUYỄN NGỌC HÒA, TỔNG GIÁM ĐỐC LIÊN HIỆP HTX THƯƠNG MẠI TPHCM (SAIGON CO.OP):
Mở rộng quy mô, loại hình kinh doanh
Năm qua, nhờ tái cấu trúc toàn bộ máy và thành lập các công ty chuyên môn hóa chức năng hoạt động, Saigon Co.op đã tăng tốc và đạt mức tăng trưởng 45%, khai trương thêm 9 siêu thị. Đây là kết quả tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Năm nay, Saigon Co.op tiếp tục thực hiện các mục tiêu: chuyên nghiệp, năng động tạo đột phá; đoàn kết hợp tác tạo thành công. Từ nay đến cuối năm, Saigon Co.op sẽ mở cửa hoạt động thêm 12 siêu thị Co.opMart, khởi công xây dựng 1 siêu thị mới và đầu tư, đổi mới trang thiết bị, sửa chữa lại những siêu thị cũ, xây dựng tổng kho phân phối thực phẩm tươi sống và chế biến; thực hiện các dự án trọng điểm như dự án Tân Phong, An Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu... chuẩn bị đến năm 2010 đưa vào hoạt động thêm 25 dự án trung tâm thương mại và siêu thị Co.opMart trên cả nước. Đơn vị cũng tăng cường liên kết với các đối tác để nâng cấp, đa dạng hóa quy mô, phạm vi, loại hình hoạt động như mô hình khu phức hợp siêu thị - trung tâm thương mại, siêu thị trong chung cư, liên kết với các nhà cung cấp, đối tác chiến lược thực hiện các chương trình khảo sát khách hàng... Cạnh tranh thời hiện đại không chỉ là phát triển mạng lưới phân phối, quy mô kinh doanh mà còn ở nguồn nhân lực trình độ cao. Saigon Co.op đang điều chỉnh các chính sách về lương và đãi ngộ để giữ chân nhân viên và thu hút thêm nhân lực có trình độ cao.
nlđ
|