Dòng chảy đầu tư vào dịch vụ du lịch
Trong xu thế vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều, dòng chảy vốn dần dịch chuyển vào lĩnh vực dịch vụ-du lịch đang nổi lên là điểm sáng đáng chú ý của nền kinh tế Việt Nam.
Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, trong năm 2007 đã có 47 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép vào lĩnh vực du lịch với số vốn đăng ký lên đến 1,86 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2006 và bằng số vốn của 7-8 năm trước cộng lại.
Ông Hồ Việt Hà, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính, cho biết cơ cấu đầu tư trong thời gian qua rất khả quan, các nhà đầu tư nước ngoài đang dành sự quan tâm rất lớn cho các dự án xây dựng khu vui chơi, nghỉ dưỡng, khách sạn, sân golf quy mô lớn và chất lượng dịch vụ cao.
Trong số này, đáng chú ý là dự án của Tập đoàn Banyan Tree (Xinhgapo) đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư để xây dựng Khu du lịch sinh thái tại khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), với vốn đầu tư gần 1 tỉ USD. Dự án du lịch sinh thái có vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay tại Thừa Thiên Huế này đã nâng vốn đầu tư lên gấp hơn 3 lần so với biên bản ghi nhớ được ký kết tháng 1/2007, tổng diện tích thực hiện dự án cũng được nâng từ 200 ha lên 300 ha.
Theo kế hoạch, khu du lịch này sẽ khởi công vào tháng 3/2008 và hoàn tất vào đầu năm 2014 với 10 khách sạn gần 3.000 phòng tiêu chuẩn từ 5-6 sao, một sân golf quốc tế, một trung tâm hội nghị quốc tế và 470 căn nhà để bán.
Cũng cần kể đến dự án xây ba khu nghỉ mát mang thương hiệu Ana Mandara tại Nha Trang và Đà Lạt do Tập đoàn Six Senes (Thái Lan) làm chủ đầu tư. Giải thích về quyết định đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam, ông TJ Grundl-Hong-Giám đốc Phát triển dự án của Six Senses cho biết, mặc dù có trên 3.200km bờ biển nhưng điểm phát triển du lịch biển ở Việt Nam chưa nhiều, hiện chỉ mới sử dụng hơn 10% tổng diện tích biển, rất nhiều tỉnh có biển đẹp nhưng chưa được khai thác; do vậy tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng ở vùng biển còn rất lớn. Theo kế hoạch đến năm 2010, Tập đoàn Six Senes sẽ có 6 khu resort tại Việt Nam.
Đặc biệt tại Đà Nẵng, với nhiều lợi thế về kinh tế-xã hội và vị trí địa lý, đã thu hút khá nhiều dự án có tổng vốn đầu tư năm 2007 lên đến hàng trăm triệu USD. Theo ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng, năm 2008 sẽ có bốn dự án đã được cấp phép triển khai với vốn đầu tư rất lớn. Trong số này phải kể đến Dự án khu đô thị Capital Square của Vinacapital Commercial Center Limited với tổng vốn đầu tư lến đến 325 triệu USD nhằm xây dựng một khu khách sạn, căn hộ cho thuê, khu biệt thự cao cấp, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, vận chuyển khách du lịch. Trong quý 1 này, dự án sẽ bắt đầu khởi công tại quận Sơn Trà.
Nhận định về sự tăng tốc của các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực này, ông Hà cho rằng, đây là kết quả của việc mở cửa theo lộ trình Việt Nam gia nhập WTO. Trước đây, nhiều ngành dịch vụ du lịch được coi là “kín cổng, cao tường” thì nay đã có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.
Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn, theo ông Hà, là “sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam với sự ổn định cao về chính trị và những ưu đãi đối với nhà đầu tư”.
Tại một cuộc hội thảo về đầu tư mới đây, ông Vinichai Chaemchaeng, Phó Cục trưởng Cục Đàm phán thương mại Thái Lan nhận xét việc Việt Nam miễn giảm nhiều khoản thuế theo lộ trình hội nhập đã khiến môi trường đầu tư càng trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều và trong tương lai Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển ngành dịch vụ.
ttxvn
|