Khi Ngân hàng Nhà nước vào cuộc chống lạm phát
Lạm phát đã ở mức báo động nhiều năm qua. Chỉ số CPI đã liên tục tăng trong 3 năm: 8,4% năm 2005, 6,6% năm 2006 và 12,63% năm 2007.
Từ giữa năm ngoái các chuyên gia đã cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ lạm phát, về những hậu quả khôn lường mà lạm phát có thể gây ra cho tất cả mọi người dân, nhất là những người nghèo, phải chịu; về mối hiểm nguy, về những nguyên nhân chính của lạm phát, về những cách hành xử không phù hợp của chính quyền v.v. Những cảnh báo đôi khi rất khó nghe, tuy nghiêm túc đó, đã làm cho không ít người bực mình.
May thay Nhà nước đã có những thay đổi theo đúng hướng, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc với một loạt biện pháp cứng rắn: nâng dự trữ bắt buộc, thắt chặt cho vay chứng khoán, cảnh báo về cho vay bất động sản, tăng lãi suất tái cấp vốn, tăng lãi suất cơ bản, đến buộc các ngân hàng thương mại mua tín phiếu do Ngân hàng Nhà nước phát hành.
Chúng ta không bàn liều lượng của các biện pháp này, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Bản thân việc can thiệp quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước là việc làm cần thiết, chứng tỏ Nhà nước đã thay đổi nhận thức của mình và là hành động đúng hướng: Giảm tổng lượng cung tiền.
Trước đây người ta luôn đổ cho các nguyên nhân khách quan: Giá dầu và giá nguyên liệu thế giới tăng nhanh, thiên tai... Các biện pháp đưa ra mang tính hành chính như hô hào, kiểm soát việc niêm yết giá. Vài biện pháp đúng hướng nhằm tăng cung như giảm thuế nhập khẩu vẫn chưa bắt trúng căn bệnh.
Nguyên nhân chính của lạm phát luôn gắn với tổng lượng cung tiền. Việc yêu cầu Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ để tham gia hút bớt tiền về cho thấy sự hiểu biết non nớt, vì nó không làm giảm cung tiền.
Không phải là Bộ Tài chính, vậy ai kiểm soát và quyết định tổng lượng cung tiền? Ngân hàng Nhà nước.
Theo tôi biết, đáng tiếc Ngân hàng Nhà nước đã chẳng có chân trong tổ điều hành giá cả của chính phủ, cho nên không lạ rằng đã không có các biện pháp chống lạm phát bài bản mà chỉ có các biện pháp nửa vời. Nay Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc, hy vọng việc chống lạm phát có tiến triển tốt hơn.
Tăng trưởng tín dụng quá nhanh làm tăng đáng kể lượng cung tiền. Tăng lãi suất, tăng dự trữ bắt buộc, bắt buộc mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (chứ không phải trái phiếu của Bộ Tài chính) là các công cụ chính sách tiền tệ hữu hiệu để giảm lượng cung tiền.
Cần phải ủng hộ những chính sách đúng hướng như vậy. Các biện pháp này đụng chạm đến quyền lợi của nhiều nhóm lợi ích và không lạ khi họ kêu ca.
Nhưng lạm phát là tai họa giáng xuống tất cả mọi người, kể cả các nhóm lợi ích đó về dài hạn. Chống lạm phát là một trong không nhiều việc mà Nhà nước nên làm và có thể làm. Tất nhiên việc tiếp cận đến vốn sẽ khó khăn hơn, đắt đỏ hơn và các doanh nghiệp phải chú ý hơn đến hiệu quả của việc sử dụng vốn.
Hệ số ICOR (mức gia tăng vốn đầu tư để đạt một đơn vị gia tăng tăng trưởng) đo năng suất của đồng vốn. ICOR càng cao hiệu suất sử dụng vốn càng thấp. Hiện tại hệ số ICOR của Việt Nam ta rất cao và ngày càng tăng chứng tỏ vốn đầu tư chưa được sử dụng tốt.
Chúng ta quá chú trọng tăng trưởng về lượng mà không để ý đúng mức đến hiệu quả và chất lượng. Việc cấp vốn dễ dãi để các tập đoàn kinh tế nhà nước bành trướng, không những làm cho hiệu quả sử dụng vốn kém mà cũng là một nguyên ngân quan trọng của lạm phát.
Giám sát chặt chẽ cơn khát đầu tư của các tập đoàn kinh tế nhà nước, không để cho các tập đoàn này liên kết với nhau tham gia quá mức vào các lĩnh vực tài chính ngân hàng, vào kinh doanh bất động sản, những lĩnh vực có vẻ dễ ăn [xổi] nhưng đầy rủi ro, thắt chặt chi tiêu ngân sách, tăng cường hiệu quả đầu tư là cách làm khôn ngoan để chống lạm phát mà vẫn có thể có tăng trưởng bền vững.
Như thế các biện pháp của ngân hàng nhà nước là đúng hướng, là đáng hoan nghênh, nhưng còn nhiều việc nữa, nhất là bớt chi tiêu ngân sách, chi tiêu và đầu tư một cách có hiệu quả mà nhà nước phải làm và có thể làm để chống lạm phát và để có tăng trưởng bền vững.
GS.TSKH Nguyễn Quang A
TP
|