Đầu ra nước ngoài sẽ sôi động hơn
Không thỏa mãn với việc được tham gia dự án xây dựng nhà máy điện tại Lào trị giá tới 1,8 tỷ USD hồi cuối năm ngoái, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) còn có tham vọng triển khai hàng loạt các dự án đầu tư khác tại quốc gia láng giềng này trong những năm tới.
Để chuẩn bị cho kế hoạch này, PetroVietnam vừa thành lập văn phòng đại diện tại Lào. Doanh nghiệp đang dẫn đầu về đầu tư ra nước ngoài này cũng dự kiến sẽ tiếp tục triển khai một số dự án thăm dò dầu khí tại khu vực Pắcxế và Viêng Chăn, xây dựng tổng kho xăng dầu và trung chuyển hàng hóa ở Nam Lào và thực hiện một số dự án khai thác mỏ khoáng sản.
Ngoài PetroVietnam, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác như chế biến nông, lâm sản, tin học, viễn thông cũng đang triển khai các dự án đầu tư ở nước ngoài khiến cho hoạt động này ngày càng sôi động hơn.
Hoạt động đầu tư ra nước ngoài, theo các quan chức của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, chưa bao giờ sôi nổi như hiện nay do Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ, mới đây nhất là Nghị định về đầu tư ra nước ngoài, trong đó các thủ tục liên quan đã được đơn giản hóa rất nhiều.
Năm 2007, các doanh nghiệp trong nước đã có 64 dự án đầu tư ở nước ngoài với số vốn gần 400 triệu USD, nâng tổng số dự án đầu tư ở nước ngoài kể từ khi Việt Nam thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài năm 1988 đến nay lên 249 dự án, tổng vốn đăng ký gần 1,4 tỷ USD. Quy mô vốn bình quân của mỗi dự án đạt 6 triệu USD, tăng gần 17% so với năm 2006.
Trong 35 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam, Lào đang dẫn đầu với 86 dự án, vốn đăng ký gần 584 triệu USD, chiếm gần 42% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài. Tiếp đến là Campuchia với 27 dự án, vốn đăng ký 88,4 triệu USD; Liên bang Nga có 12 dự án, vốn đầu tư 48,1 triệu USD.
Một số nước tại khu vực Đông Âu, Bắc Phi, châu Mỹ La tinh, Trung Đông, cũng đang là điểm đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Nếu như trước đây các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đơn thuần kinh doanh thương mại, thì nay đã chuyển sang sản xuất tạo sản phẩm có tính cạnh tranh cao, được thị trường nước sở tại chấp nhận. Thị phần cũng như ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp từng bước được mở rộng. Lĩnh vực nông nghiệp hiện chiếm khoảng 36% số dự án và 40% vốn đầu tư; tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp chiếm 26% số dự án và 37,6% số vốn. Số vốn còn lại được đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ.
Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến trong năm 2008, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đạt 500 triệu USD, tăng 20% so với năm 2007. Các lĩnh vực đầu tư trọng tâm của doanh nghiệp Việt Nam là dầu khí, điện, khai thác khoáng sản, viễn thông, giao thông vận tải, xuất nhập khẩu và kinh doanh bán lẻ.
Cục trưởng Phan Hữu Thắng cho biết các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài bước đầu đã thu được những kết quả khả quan. Một số dự án vừa được mở rộng quy mô đầu tư, có khả năng phát triển tốt như dự án thăm dò, khai thác dầu khí của PetroVietnam tại Angiêri và Malaixia với vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD; dự án trồng cao su tại 4 tỉnh Nam Lào của Tổng Công ty Cao su Việt Nam và Công ty Cao su Đắk Lắk với vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD.
ttxvn
|