Thứ Sáu, 08/02/2008 20:33

Vào WTO, mất ít, được nhiều?

“Đặt lên bàn cân những cái “được” và “mất” sau một năm Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) không chỉ là chuyện “mổ xẻ” yếu tố nào nhiều- ít. Quan trọng hơn là Tổ Quốc muốn độc giả cùng thấy được Việt Nam sẽ phải làm gì trong những năm tiếp theo.

Đầu Xuân Mậu Tý, mời độc giả cùng trò chuyện với “ông đại sứ WTO” Ngô Quang Xuân- một trong những người đã “đem” WTO về cho đất nước và hiện vẫn là Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế tại Giơnevơ.

+ Đã có rất nhiều lời ca ngợi cả “ngoại” lẫn “nội” về những thành tựu của Việt Nam sau một năm gia nhập WTO. Cá nhân ông đánh giá điều này như thế nào?

- Ông Ngô Quang Xuân: Những cái chúng ta đạt được là rất lớn, và đều đã được khẳng định qua những đánh giá tích cực của thế giới, trong những hội thảo gần đây như Việt Nam- ngôi sao đang lên ở châu Á, rồi Tác động của một năm WTO tới đầu tư và thương mại. Năm 2007, năm đầu với tư cách là thành viên WTO, lượng vốn đầu tư đổ vào Việt Nam đã đạt kỷ lục với 20,3 tỷ FDI, kim ngạch xuất khẩu thì đạt gần 50 tỷ USD. Tất nhiên, không phải tất cả đều tích cực, vì bên cạnh kim ngạch xuất khẩu cao, nhập siêu cũng lên tới trên 12 tỷ USD.

+ Ông từng nhận xét: “đứng vững sau một năm WTO là điều đáng mừng, nhưng vẫn còn rất nhiều lo ngại”. Cụ thể những lo ngại ấy là gì, thưa ông?

Ông Ngô Quang Xuân: Chúng ta mất tới 11 năm để đàm phán thành công vào WTO. Nhưng hiểu thấu đáo được việc thực thi những cam kết hay những thuận lợi WTO mang lại cho kinh tế thì dường như chỉ có các nhà đàm phán và một số quan chức Bộ, ngành, doanh nghiệp nhất định. Trong khi đó, bộ phận quan trọng trực tiếp thực hiện lời cam kết, đội ngũ doanh nghiệp (chưa nói tới địa phương) lại đa phần không hiểu rõ, hiểu sâu, nên việc thực hiện cam kết gặp rất nhiều khó khăn.

Thuế của chúng ta đang ở mức độ khác so với cam kết WTO và khác so với những nước thành viên khác. Hệ thống pháp luật tuy đã được “cải tiến” rất nhiều, nhưng dù muốn hay không vẫn còn độ vênh với luật lệ của WTO, tất nhiên sẽ gặp khó khăn. Theo cam kết khi mở cửa, chúng ta phải đối xử bình đẳng với các đối tác nước ngoài (cả thể nhân và hàng hoá). Chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh, trong khi đó năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, cụ thể của thương mại, của doanh nghiệp (DN) và hàng hoá vẫn chưa đáng kể.

Bài học từ các nước đi trước cho thấy, nhiều nước khác như Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong năm đầu thực hiện WTO, thậm chí hàng loạt DN vừa và nhỏ của nước này đã sụp đổ ngay khi cạnh tranh trên sân nhà, chưa nói gì vươn ra ngoài thế giới. Nỗi lo ấy là có cơ sở với Việt Nam vào thời điểm này, nó đã và đang xảy ra. Tuy nhiên, việc chúng ta đứng vững được sau một năm cũng đã là một thành tựu.

Nhận thức chưa rõ nên chưa thấy sức ép?

+ Bản thân ông cũng từng nhận xét về “tinh thần rệu rã  của đoàn quân” sau khi có được những thành công nhất định. Phải chăng đây là mấu chốt khiến nền kinh tế vẫn chưa có được những cú hích lớn hơn nữa nhờ WTO?

Ông Ngô Quang Xuân: Theo tôi điều này có nguồn gốc của nó. Người Việt mình có lối tư duy sớm bằng lòng khi có những thành tựu nhất định. Tôi chưa nói tới sự thoả mãn, nhưng đã có tâm trạng xả hơi bởi cảm tưởng đã làm “xong” một việc.Thực sự có rất nhiều việc phải làm gấp, nhưng bởi chúng ta nhận thức không rõ ràng nên không thấy sức ép gì ghê gớm. Chỉ mới những ngành hàng, DN nào cảm thấy bị cạnh tranh quyết liệt (ví dụ như lĩnh vực phân phối bán lẻ), phải tìm cách tồn tại sau hội nhập mới thấy sức ép mạnh hơn.

Tham gia WTO không chỉ đơn thuần thực hiện cam kết, mà phải tham gia vòng đàm phán đa biên với tất cả nhóm lợi ích trong WTO để bảo vệ và hưởng lợi ích chung. Thực tế cho thấy, không một nước đang phát triển nào, kể cả nước lớn có thể đứng một mình đàm phán, mà phải tập trung thành những nhóm lợi ích. Việt Nam có thể gia nhập vào Nhóm các nước xuất khẩu nông sản, hoặc nhóm các nước đang phát triển tương đồng về lợi ích như nhóm G20.

Không nên chỉ xem các vòng đàm phán đa biên như chuyện thiên hạ. Thực tế việc thực hiện cam kết của chúng ta vẫn còn rất thụ động do thiếu một chiến lược hiệu quả. Trước mắt, nếu chúng ta không tham gia được quá trình đàm phán của vòng Doha thì sẽ phải bắt đầu vòng khác khó khăn hơn, nên phải bám nó và bám với tâm thế quyết liệt nhất.

Nhân lực… đuối

+ Sự thụ động này có phải do mù mờ thông tin về WTO ngay chính các Bộ, ngành, chưa nói gì tới doanh nghiệp?

Ông Ngô Quang Xuân: Đúng là có nhiều vấn đề về thông tin. Bởi khi đàm phán, các nước khác đều có những đoàn riêng của từng Bộ, từng ngành. Song chúng ta không làm được chuyện này vì thiếu chuyên gia trong các lĩnh vực, dẫn đến khi thực thi cam kết WTO không có đủ người am hiểu đầy đủ và có chuyên môn. 

Nhân lực ở nước ta rất đuối. Trong tổng kết, ai cũng báo cáo có vấn đề đào tạo bảo vệ nguồn nhân lực, nhưng có vẻ như mới chỉ là khẩu hiệu, thực chất vẫn còn xa so với yêu cầu cụ thể của việc tham gia WTO. Muốn có được những lợi ích thiết thân từ việc gia nhập WTO, phải lăn lộn, phải bám nó. Một khi yếu tố con người còn đuối, phải tham gia nhiều diễn đàn, cử người đi đào tạo để có được những người có chuyên môn sâu.

Với các DN, họ càng buộc phải nắm rõ cam kết để có chiến lược, hiểu được thị trường bên ngoài để xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Theo tôi thấy, cũng đã có một số ngành hàng có chiến lược trung hạn như café, cacao (café đã có chương trình của chính phủ), tức là đã có chuẩn bị nhất định để giữ được mức độ phát triển của mặt hàng, giữ được thị trường.

+ Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ khó vượt ngưỡng tăng trưởng từ nước thu nhập trung bình lên nước công nghiệp. Theo ông, WTO có phải cơ hội tốt để vượt “vũ môn”?

Ông Ngô Quang Xuân: Trở thành thành viên WTO có những tác động và cơ hội tốt hơn để phấn đấu, đạt tốc độ phát triển nhanh và vượt ngưỡng nhanh hơn. Bởi khi chúng ta tham gia thị trường quốc tế một cách quyết liệt nhất, cả nền kinh tế sẽ phải đụng chạm cọ xát rất nhiều. Lo ngại này không xa vời mà rất thực tế, bởi thế cần vào cuộc thực sự.

Tôi vẫn nói nếu mình vào cuộc tốt hơn, tận dụng tốt hơn, có nhiều nguồn lực tốt hơn, những cái đạt được đáng ra phải tốt hơn hiện tại rất nhiều.

“Chơi” luật chơi thực sự của thế giới

+ Kinh nghiệm sau một năm hội nhập chúng ta cũng đã rút ra, vậy trong những năm thứ hai, thứ ba thời hậu WTO, theo ông Việt Nam cần  phải làm gì?

Ông Ngô Quang Xuân: Quan trọng nhất là nhận thức đúng tầm quan trọng và hiểu rõ các cam kết cũng như vòng đàm phán đa biên để có chương trình, kế hoạch hành động rõ ràng hơn. Chúng ta phải giải quyết được những đòi hỏi cụ thể, đặc biệt là nguồn lực và nếu cần, phải đưa người đi thực tập để đào tạo cho được những chuyên gia đáp ứng được yêu cầu.

Vào WTO rồi, không thể chỉ loanh quanh thị trường trong nước, phải vươn ra thị trường thế giới, tận dụng tối huệ quốc của 152 thành viên WTO khác. Không còn cách nào khác phải tiến lên, không được để mình bị đuối và chơi với luật chơi thực sự của thế giới, .

+ Xin cảm ơn ông!

Toquoc

Các tin tức khác

>   Chống tụt hậu về kinh tế (08/02/2008)

>   Thách thức tăng trưởng (08/02/2008)

>   Tết 'cháy' xe taxi (08/02/2008)

>   Bất động sản 2008 - Hiểm hoạ lớn với nền kinh tế? (08/02/2008)

>   Năm qua ngành thép "trúng mánh lớn"! (07/02/2008)

>   ‘Gặt hái’ sau những cú vấp (07/02/2008)

>   Xuất khẩu lao động: Mở "đường bay thẳng" đến Ba Lan (08/02/2008)

>   2008: Mục tiêu cao hơn vẫy gọi! (06/02/2008)

>   Thị trường TP.HCM trước giờ G: Hàng còn nhiều, giá giảm! (06/02/2008)

>   Hội thảo giới thiệu về kinh tế và môi trường đầu tư Việt Nam tại Nhật Bản (14/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật