2008: Mục tiêu cao hơn vẫy gọi!
Năm 2008 là năm bản lề của thời kỳ 2006-2010. Được gọi là năm bản lề, bởi nó có tính chất xoay chuyển: Chuyển nước ta từ một nước kém phát triển có thu nhập thấp, vượt qua ranh giới để thành nước có thu nhập trung bình - vượt sớm 2 năm so với mục tiêu đề ra trong chiến lược của thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Theo đó, GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái phải vượt qua mức 960USD, tức là phải tăng 125USD so với mức đã đạt được trong năm 2007. Để đạt được mục tiêu này, nhiều vấn đề đặt ra là cần có biện pháp quyết liệt giải quyết.
Trước hết, tăng trưởng kinh tế phải đạt tốc độ cao hơn năm trước (9% so với 8,48%). Đối với nước ta, tăng trưởng kinh tế có vị trí số một. Do điểm xuất phát còn thấp: Quy mô GDP của Việt Nam mới bằng trên một phần ba của Thái Lan, do vậy, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam dù có cao gấp đôi Thái Lan thì chênh lệch tuyệt đối về GDP giữa Thái Lan so với Việt Nam vẫn lớn hơn những năm trước - có nghĩa là vẫn còn tụt hậu xa hơn về kinh tế.
Muốn tăng trưởng cao về số lượng, ở đầu vào cần phải thu hút mạnh hơn nữa (gồm cả số vốn đầu tư phát triển, cả số lượng lao động còn đang thất nghiệp và thiếu việc làm quan trọng), nhưng quan trọng hơn là nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động. Năm vừa qua, để tăng 8,48% GDP đã phải đầu tư một lượng vốn chiếm 40,4% GDP, tức là 1 đồng GDP đã phải đầu tư tới gần 4,8 đồng vốn. Năm nay, chỉ cần nâng hiệu quả đầu tư lên cao hơn, thì cùng với một tỷ lệ vốn so với GDP như năm trước, nhưng đã có thể tăng trưởng GDP với tốc độ cao hơn. Vốn đầu tư trong nước cũng như nước ngoài không thiếu, vì ở trong nước hiện có hàng trăm nghìn tỷ đồng đang được cất giữ dưới dạng vàng, đang chôn vào thị trường bất động sản...
Vốn đầu tư nước ngoài đang đổ vào Việt Nam từ tất cả các nguồn, đã gây ra hiện tượng hết tạo sức ép lạm phát cao, lại "thừa USD, thiếu tiền đồng", do việc hấp thụ vốn còn kém.
Năng suất lao động bình quân cần tăng mạnh hơn.
Quan trọng hơn là cùng một lúc với giá đất tăng, giá xây dựng (nhất là giá vật liệu xây dựng) tăng, càng làm cho chi phí giải phóng mặt bằng cao, tiến độ thi công chậm; đó là chưa nói quy hoạch thiếu tầm xa trông rộng, đầu tư phân tán dàn trải, lãng phí, thất thoát lớn, nhất là nguồn vốn Nhà nước (để tăng được 1% GDP phải đầu tư tới gần 7 tỷ đồng, trong khi của khu vực tư nhân chỉ cần 3,5 tỷ đồng). Năng suất lao động bình quân cần được tăng mạnh hơn (hiện mới đạt khoảng 25,8 triệu đồng/năm, riêng nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ đạt 9,6 triệu đồng, trong khi tỷ trọng lao động của nhóm ngành này chiếm tới 54,6% cả nước).
Ở đầu ra, xuất khẩu phải tăng cao hơn về tốc độ, giảm tỷ trọng sản phẩm khai thác, tăng sản phẩm chế biến, giảm tính gia công, tăng thực thu ngoại tệ, đồng thời giảm nhập khẩu những mặt hàng trong nước đã sản xuất được để giảm mạnh nhập siêu, trên cơ sở nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Đồng thời với việc tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hơn là giảm mạnh hơn nữa tỷ lệ sinh dân số. Quy mô dân số đã đông (đứng thứ 13 trên thế giới), mật độ dân số đã cao, hàng năm vẫn còn tăng thêm trên 1 triệu người, nên nếu không giảm mạnh hơn tỷ lệ sinh, thì GDP bình quân trên đầu người vẫn không tăng cao được.
Nông thôn ngày nay
|