Đà Nẵng-Thành phố năng động miền Trung
Trên đường từ sân bay quốc tế Đà Nẵng vào trung tâm thành phố, nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên và thú vị khi đi qua đường Nguyễn Văn Linh- nơi được ví như “phố Wall” của thành phố năng động nhất miền Trung này bởi đó thực sự là một phần bức tranh phản ánh sự sầm uất của thành phố này.
Trên con đường khoảng hơn 1km có tới 10 trụ sở ngân hàng và công ty tài chính, chưa kể sự góp mặt của các tập đoàn bảo hiểm. Tuy vậy, số này mới chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng số hàng trăm điểm giao dịch của trên 40 ngân hàng thương mại nhà nước, thương mại cổ phần, liên doanh và công ty tài chính có mặt tại Đà Nẵng.
"Con số này đang có xu hướng tăng nhanh trong nay mai”, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Văn Minh nhận định và cho rằng sự gia tăng đáng kể các ngân hàng và tổ chức tài chính trên địa bàn cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh ở Đà Nẵng đang ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đà Nẵng đã ba năm liền khẳng định vị thế trong top dẫn đầu những địa phương có môi trường đầu tư thuận tiện. Trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh vừa được công bố cuối năm 2007, Đà Nẵng chỉ xếp thứ hai, sau Bình Dương.
Đặc biệt, Đà Nẵng được xem như một điển hình của sự năng động trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư. Trong 10 năm qua, kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Đà Nẵng đã có một hạ tầng “đáng nể” với nhiều công trình lớn được đầu tư nâng cấp và đưa vào sử dụng. Trong đó, cảng Đà Nẵng – một trong ba cảng thương mại lớn ở Việt Nam vừa được nâng cấp bằng nguồn vốn của Chính phủ Nhật Bản, có thể tiếp nhận tàu trọng tải 45.000 DWT. Sân bay quốc tế Đà Nẵng cũng đang được mở rộng và nâng cấp để có thể tiếp nhận 4 triệu lượt khách/năm.
Thành phố cũng đã đầu tư xây dựng 5 khu công nghiệp, tổng diện tích hơn 1.400 ha với cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư. Cùng với hệ thống đường giao thông thuận tiện, hàng loạt công trình thương mại dịch vụ cao tầng đã tạo dựng cho Đà Nẵng dáng vẻ của một thành phố hiện đại và năng động.
Hiện nay, có tới hơn 6.600 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động tại Đà Nẵng. Trong 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của thành phố không ngừng gia tăng với mức bình quân trên 15%/năm, GDP tăng trưởng 13%/năm.
Đã có trên 1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thành phố này tại hơn 100 dự án của 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, sự vào cuộc của các tập đoàn đầu tư quốc tế với việc xúc tiến triển khai nhiều dự án quy mô lớn đang khiến môi trường đầu tư kinh doanh ở Đà Nẵng càng sôi động hơn. Có thể kể đến Vina Capital với dự án 200 triệu USD xây dựng khu phức hợp thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp, trường học quốc tế; dự án 150 triệu USD xây dựng khu du lịch biển và sân golf hay Indochina Land Holding với dự án 60 triệu USD xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp.
Tiếp xúc với báo giới gần đây, Chủ tịch Trần Văn Minh cho biết, Thành phố đang khuyến khích đầu tư vào các dự án xây dựng khu dịch vụ hậu cần biển, khu phức hợp thể thao, khu chăm sóc sức khoẻ cho người có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, thành phố cũng ấp ủ dự định phát triển ngành công nghệ thông tin thành một trong những mũi nhọn chủ lực có hiệu quả kinh tế cao và tăng cường khai thác thế mạnh kinh tế biển, đặc biệt về du lịch.
Nằm ở vị trí trung độ của đất nước, ngoài vai trò là điểm giữa của hai đầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng còn là điểm cực Đông của Hành lang kinh tế Đông – Tây. Từ đây sẽ lan tỏa qua nhiều vùng miền của Việt Nam, Lào, Thái Lan và Mianma. Đà Nẵng cũng là điểm nằm trong chương trình du lịch “Con đường di sản thể giới”.
Tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ của thành phố này là rất lớn. Cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng sau năm 2010 sẽ được chuyển dịch theo hướng ưu tiên hàng đầu cho phát triển các ngành dịch vụ để phát huy thế mạnh, kế đến là công nghiệp và nông nghiệp.
ttxvn
|