Thành phố Hồ Chí Minh: Phát triển ngành hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao
Để đạt hiệu quả cao hơn trong hoạt động xuất khẩu (XK), UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa giao cho Sở Thương mại phối hợp với Viện Kinh tế, Sở Công nghiệp, Nông nghiệp, Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp XK... xây dựng chương trình XK trên địa bàn giai đoạn 2007- 2010 với tầm nhìn 2020. Trong đó, thành phố khuyến khích các doanh nghiệp (DN) hoạt động XK tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng, dịch vụ XK chủ lực, có lợi thế cạnh tranh; phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao.
Đối với những mặt hàng dệt may, giày dép, thành phố vẫn xem là mặt hàng XK chủ lực đến năm 2010, nhưng sau đó giảm dần tỷ trọng XK do đây là ngành sản xuất gia công, thâm dụng lao động, sẽ không còn lợi thế cạnh tranh trong những năm tiếp theo. Để tạo ra giá trị gia tăng cao, ngành dệt may, da giày đặc biệt chú trọng đến khâu thiết kế kiểu dáng, tạo mẫu sản phẩm, sản xuất sản phẩm thời trang để có thể tăng tỷ lệ xuất khẩu từ 20% hiện nay lên 35% đến 40% vào năm 2010.
Các sản phẩm chế biến từ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ của Thành phố đang có thế mạnh về lao động và tay nghề cao. Đây là ngành hàng có tiềm năng phát triển mạnh, có thể mở rộng thị trường XK trong những năm sắp tới. Dự kiến, năm 2010 kim ngạch XK ngành hàng này đạt 795 triệu USD (năm 2007 đạt 328,27 triệu USD), chiếm 4,5% tổng kim ngạch XK của Thành phố.
Các mặt hàng nông - lâm - thủy sản được xem là trọng tâm XK như: thủy hải sản, cà phê, gạo, rau quả, cao su, tiêu, chè, hạt điều, thực phẩm chế biến..., XK đang có xu hướng giảm dần do hạn chế về nguồn nguyên liệu, nên cần gia tăng hàm lượng chế biến để nâng cao giá trị XK. Riêng mặt hàng chế biến thủy hải sản XK, do không còn lợi thế về nguồn cung cấp nguyên liệu và khó khăn trong vấn đề xử lý môi trường, thành phố khuyến khích DN đầu tư phát triển theo chiều sâu bằng thiết bị và công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chú trọng sản xuất những sản phẩm tinh chế có giá trị gia tăng cao. Đến năm 2010, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Phi, Trung Quốc và Nam Mỹ vẫn là những thị trường nhập khẩu chính mặt hàng này. Dự kiến đến năm 2010, kim ngạch XK mặt hàng này đạt 759 triệu USD (năm 2007 đạt 576,37 triệu USD).
Những mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao là nhóm sản phẩm tiềm năng, tăng trưởng mạnh và sẽ là ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong giai đoạn mới. Dự kiến đến năm 2010, kim ngạch XK nhóm sản phẩm này đạt khoảng 2,5 tỷ USD và đạt 6,8 tỷ USD vào năm 2015, chiếm tỷ trọng 13,8% tổng kim ngạch XK; trong đó sản phẩm vi mạch điện tử, bán dẫn, cơ khí chính xác, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, vật liệu mới, công nghệ nano và công nghệ tạo năng lượng mới sẽ đạt mức tăng trưởng và kim ngạch XK cao nhất. Sản phẩm dịch vụ và phần mềm của thành phố đang tăng trưởng nhanh, dự kiến đến năm 2010 sẽ chiếm 40% đến 50% tỷ trọng XK của cả nước. XK sản phẩm công nghệ cao sẽ được hướng tới các thị trường: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Đông và châu Phi. Đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp phần mềm sẽ trở thành sản phẩm XK chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố khuyến khích các DN sản xuất XK áp dụng các mô hình quản lý tiên tiến để nâng cao hiệu quả kinh doanh, Đối với các mặt hàng dệt may- da giày, thành phố khuyến khích phát triển ngành thiết kế, chế tạo mẫu, thời trang, giảm tỷ lệ gia công và tăng tỷ lệ hàng XK; xây dựng các trung tâm, chợ đầu mối nhập khẩu nguyên phụ liệu cho DN. Thành phố có kế hoạch cụ thể chuyển dần các DN sản xuất không yêu cầu cao về kỹ thuật, mẫu mã đơn giản, về các địa phương nhằm giảm áp lực về nguồn lao động cho thành phố.
Thành phố khuyến khích và tạo điều kiện cho DN đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cấp cao, tiếp cận thị trường quốc tế, khai thác các thị trường lớn, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU…và mở rộng thị trường XK mới đến Nam Phi, Ai Cập, Châu Đại Dương…, nhằm đảm bảo cơ cấu thị trường và giảm tỷ trọng qua trung gian. Thành phố cũng sẽ có chính sách tích cực thu hút, hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực mạnh đầu tư vào sản xuất các mặt hàng tiềm năng; khuyến khích các DN lập văn phòng đại diện hoặc đại diện thương mại ở nước ngoài và hình thành các đại lý bán hàng tại những thị trường trọng điểm. Đồng thời, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo sự đồng bộ trong hệ thống quy chế quản lý, đơn giản hóa các thủ tục, giảm tối đa phiền hà cho DN; nâng cao vai trò và đổi mới phương thức hoạt động của các hiệp hội, ngành hàng để trở thành những tổ chức nghề nghiệp có tính chuyên sâu, hỗ trợ hiệu quả cho DN trong hoạt động XK .
ttxvn
|