Thách thức tăng trưởng
Sự tăng trưởng đột phá của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký lên đến hơn 20 tỷ USD trong năm 2007 đang tạo đà rất lớn trong nỗ lực thu hút đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ các nguồn vốn đầu tư còn kém đang là điểm hạn chế lớn cần nhanh chóng được khắc phục…
Bước đột phá
Khi đã cuốn hút được các “đại gia”, những tập đoàn kinh tế lớn của thế giới, thì dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam được khơi thông mạnh mẽ và một làn sóng đầu tư đang trở thành hiện thực như mong đợi.
Đây là một trong những điểm sáng về kinh tế trong năm 2007 và vượt xa cả mục tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà Bộ KH&ĐT đề ra của năm 2008 là 14,5 tỷ USD. Con số 15 tỷ USD vốn FDI là kết quả của tiến trình hội nhập, của nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và những hoạt động xúc tiến đầu tư ngày càng bài bản, thiết thực của các cấp, các ngành và các địa phương của Việt Nam.
Điểm nổi bật trong thu hút đầu tư nước ngoài năm nay là có nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có thương hiệu mạnh trên thế giới đầu tư vào nước ta với số vốn lớn hơn; các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao như: điện tử, luyện kim, các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… Một số tập đoàn đa quốc gia có dự án lớn đã và đang đầu tư tại nước ta như Intel cam kết đầu tư 6 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, Tập đoàn Foxcon của Hồng Kông đầu tư 5 tỷ USD vào 7 tỉnh, thành phố; Nhiều tập đoàn lớn khác như tập đoàn sản xuất thép Tata của Ấn Độ, Posco của Hàn Quốc... cam kết sẽ tăng vốn đầu tư trong thời gian tới. Điều này cho thấy, môi trường đầu tư của nước ta ngày càng được cải thiện và là địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Frederic Sanchez, Chủ tịch liên đoàn các doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam nhận xét: “Việt Nam là thành viên quan trọng của ASEAN, kinh tế tăng trưởng nhanh gần chục năm qua, đứng thứ 2 châu Á; giá lao động rẻ hơn so với Trung Quốc hay Ấn Độ, trong khi các kỹ sư có khả năng làm việc lại tốt, việc tiếp cận đất đai cũng không quá khó khăn, thủ tục hành chính đang tiếp tục được cải thiện. Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế khi mỗi năm đóng góp 40% GDP. Đây là những điểm hấp dẫn và sinh lời cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, trong đó có các nhà đầu tư Pháp. Chúng tôi đang quan tâm đầu tư tới lĩnh vực cơ khí, cơ sở hạ tầng của Việt Nam”.
Đánh giá về sự tăng trưởng cao của vốn đầu tư nước ngoài trong năm nay, các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, tình hình chính trị - xã hội nước ta ổn định, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh (8,5%); việc hoàn thiện các nghị định hướng dẫn thi hành các luật mới, trong đó có luật doanh nghiệp và luật đầu tư đã giúp thủ tục đầu tư đơn giản hơn, thời gian cấp phép và xét duyệt dự án đầu tư rút ngắn hơn, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và minh bạch cho các nhà đầu tư. Một nhân tố quan trọng khác tác động đến sự thành công của thu hút đầu tư nước ngoài năm nay là sự kiện nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, đánh dấu sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới.
Dự báo trong năm 2008 và những năm tiếp theo, dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào nước ta. Điều này thể hiện rõ qua những cam kết, các chuyến thăm và làm việc liên tiếp của nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn trên thế giới tại nước ta trong năm 2007.
Và nhiều thách thức
Với tổng vốn 20,3 tỷ USD, mức thu hút vốn đầu tư trong năm 2007 không chỉ tăng gần gấp đôi so với năm trước mà còn chiếm hơn 1/4 tổng số vốn nước ngoài mà Việt Nam đã thu hút được sau hơn 20 năm mở cửa và thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên trong khi việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt bước tiến nhảy vọt như vậy thì việc giải ngân vốn này trong năm nay lại chưa có những bước tiến đáng kể.
Khả năng hấp thụ các nguồn vốn đầu tư còn kém là điểm hạn chế lớn của nền kinh tế nước ta trong những năm vừa qua. Trong gần 20 năm qua, chúng ta thu hút trên gần 80 tỷ USD, nhưng vốn thực hiện mới chỉ đạt gần một nửa số vốn đăng ký; và trong năm nay, tỷ lệ vốn thực hiện so với vốn đăng ký cũng tương tự như vậy; tiến độ thực hiện nhiều dự án cũng rất chậm. Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Cao Sỹ Kiêm, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, cho rằng: “Về luật pháp chúng ta khá đầy đủ, tuy nhiên công tác triển khai, thực hiện thì vẫn còn chậm, đặc biệt là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án chậm vài tháng đến vài năm vì mặt bằng là chuyện bình thường. Đây là vướng mắc cần được khắc phục để hấp thụ vốn đầu tư tốt lên”.
Chất lượng nguồn nhân lực cũng là điểm mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan ngại và lo lắng khi đầu tư vào nước ta hiện nay. Mặc dù nước ta có nguồn lao động trẻ, dồi dào và rẻ, song, lực lượng lao động có trình độ, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư thì lại rất ít. Theo kết quả điều tra của tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản JETTRO, trên 50% các công ty Nhật khó tìm được kỹ sư có trình độ và cán bộ quản lý cấp trung gian ở Việt Nam - mức thấp nhất so với các nước trong khu vực. Hãng Intel đầu tư và cần 1.000 kỹ sư nhưng không có. Hãng Foxcon cũng cần 300.000 người được đào tạo và cần ngay lập tức 5.000 kỹ sư. Để có đủ lực lượng lao động có tay nghề, cần xã hội hoá công tác đào tạo, trong đó khuyến khích các mô hình liên kết đào tạo giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, huy động mọi thành phần kinh tế tham gia vào công tác đào tạo, gắn lý thuyết với thực hành để học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể bắt tay ngay vào công việc.
Về cơ sở hạ tầng, thiếu hụt nguồn năng lượng, đặc biệt là về điện, hệ thống cảng biển, hạ tầng đô thị, giao thông còn yếu kém cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho việc thu hút đầu tư nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.
Có một thực tế mà như ông Đinh Viết Khanh, giám đốc Sở Du lịch thành phố Cần Thơ nói: “Từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới đến nay lượng vốn đầu tư đổ vào nước ta rất lớn, nhưng đầu tư về đồng bằng bằng sông Cửu Long lại rất ít”. Đây là điều rất đáng buồn của lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên họ cũng đều thừa nhận nguyên nhân chính là do cơ sở hạ tầng thấp kém, đường xá chật hẹp không đáp ứng được yêu cầu khi mà lưu lượng xe rất lớn, cầu Cần Thơ chưa hoàn thành mà phà cũng chưa có, đường giao thông nội thành, nội thị thì nhiều bất cập, rồi cơ chế chính sách còn mặt này mặt khác vướng víu do cơ chế chung.
Tình trạng tắc nghẽn hàng hoá container tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam trong các mùa cao điểm về vận tải đường biển diễn ra phổ biến, hàng hoá đều phải qua chuyển tải ở Singapore hoặc Hồng Kông khiến chi phí tăng cao. Mới đây hãng Nike dự kiến tăng nhập khẩu giày dép của nước ta, thế nhưng sau khi khảo sát hệ thống cảng biển không đủ lớn để đưa tàu container trọng tải lớn vào nên đã quyết định ngừng mở rộng nhập khẩu.
Trong thời gian tới, chúng ta sẽ có nhiều dự án lớn với các mục tiêu như: hoàn thiện hệ thống đường bộ trục Bắc Nam, nâng câp xây mới đường sắt nội đô ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống cảng biển, phát triển hệ thống internet.v.v.
Một vấn đề nữa đặt ra là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước còn yếu như ngành công nghiệp phụ trợ để đáp ứng nhu cầu phát triển của nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay hầu hết các nguyên, nhiên vật liệu chúng ta vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, (ngành dệt may nhập khẩu tới trên 70% nguyên phụ liệu phục vụ nhu cầu sản xuất, xăng dầu nhập khẩu 100%...), rồi cho đến các linh kiện, phụ tùng… Điều này khiến chi phí tăng cao và bị động theo thị trường thế giới, gây cản trở cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói riêng và doanh nghiệp cả nước nói chung.
Đó là những hạn chế không chỉ khiến khả năng hấp thụ các nguồn vốn đầu tư kém mà còn làm các nhà đầu tư lo ngại mà trong tương lai nếu không cải thiện được sẽ khiến họ bỏ đi. Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Xúc tiến Đầu tư nước ngoài cho rằng: “Sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế đã kéo theo sự quá tải về giao thông, cải cách hành chính hạn chế, chất lượng nhân lực hạn chế. Nếu không cải thiện nhanh thì thời cơ sẽ bị bỏ lỡ. Đây là điểm cần đặc biệt lưu ý. Chính phủ đã có quyết tâm, song chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn”.
VOV
|