Tăng hiệu quả và năng suất lao động
Chống tụt hậu về kinh tế
Mục tiêu đề ra cho năm 2008 rất nặng nề: tăng trưởng kinh tế phải cao hơn, vừa để chống tụt hậu xa hơn, vừa để thực hiện mục tiêu của thập kỷ là ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp.
Chống tụt hậu xa hơn bởi theo tính toán lại và công bố mới đây (17/12/2007) của Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương (PPP) của Việt Nam năm 2005 chỉ còn 2,142 USD đã giảm nhiều so với cách tính cũ là 3,076 USD.
Khoảng cách chênh lệch giữa nhiều nước so với Việt Nam đã hơn trước (chẳng hạn: Singapore là 19,5 lần so với 9,7 lần, Hồng Kông là 16,4 lần so với 9,7 lần, Nhật Bản là 14,1 lần so với 10,2 lần, Hàn Quốc là 9,9 lần so với 7,2 lần, Nga là 5,5 lần so với 2,3 lần, Malaysia là 5,4 so với 3,5 lần, Thái Lan là 3,2 lần so với 2,8 lần, Indonesia là 1,5 lần so với 1,3 lần.
Thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp
Điều đó có nghĩa là dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có cao hơn các nước trên thì chênh lệch tuyệt đối vẫn có thể gia tăng (do giá trị 1% tăng lên của Việt Nam thấp hơn nhiều so với giá trị 1% tăng lên của nước đó); dù tốc độ tăng cao hơn nhưng thời gian để bằng hoặc rút ngắn khoảng cách cũng phải nhiều hơn.
Việc thực hiện sớm mục tiêu này là do mấy năm nay tăng trưởng kinh tế của nước ta cao liên tục (năm 2005 tăng 8,43%, năm 2006 tăng 8,17%, năm 2007 tăng 8,48%). Ngoài ra, còn do yếu tố: - do giá tiêu dùng tăng cao (bình quân năm 2004 tăng 7,8%, năm 2005 tăng 8,3%, năm 2006 tăng 7,5%, năm 2007 tăng 8,3%) nên giá GDP tính theo giá thực tế tăng cao;
Do giá USD đã mấy năm qua bị giảm mạnh so với hầu hết các đồng nội tệ khác, kể cả các đồng tiền mạnh (như Euro, Bảng Anh, Yên Nhật,...) và cả các đồng tiền của nhiều nước trong khu vực (như Yuan cua CHND Trung Hoa, Bath của Thái, Ringgit của Malaysia, Won của Hàn Quốc, HK Dollars của Hồng Kông, Sing Dollars của Singapore...) mà ta có quan hệ thương mại với kim ngạch lớn và ở vị thế nhập siêu.
Tại Việt Nam, tỷ giá VND/USD mấy năm qua tăng thấp, năm nay còn giảm (năm 2004 tăng 0,4%, năm 2005 tăng 0,9%, năm 2006 tăng 1%, năm 2007 giảm 0,03%) và vẫn đang trong xu hướng giảm.
Tỷ giá ổn định là một cố gắng và là kết quả của lượng ngoại tệ vào nước ta tăng mạnh và sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong năm tới - vấn đề là hấp thụ có hiệu quả và khắc phục những mặt trái của nó, nhất là tác động đến lạm phát. Riêng tốc độ tăng giá tiêu dùng cao không phải là yếu tố tích cực. Điều quan trọng nhất vẫn là tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Như vậy, tăng trưởng cao là đòi hỏi bức thiết. Nhưng tăng trưởng cao không phải theo chiều hướng tăng trưởng số lượng, phát triển theo chiều rộng, mà phải tăng trưởng về chất lượng, phát triển theo chiều sâu. Tăng trưởng kinh tế do 3 yếu tố: yếu tố vốn, yếu tố lao động và yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp.
Chênh lệch GDP/người của các nền kinh tế so với Việt Nam
Đặc trưng của tăng trưởng về số lượng, phát triển theo chiều rộng là tăng trưởng dựa vào số lượng vốn, số lượng lao động; còn đặc trưng của tăng trưởng về chất lượng, phát triển theo chiều sâu là dựa vào yếu tố nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp, bao gồm nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động.
Những năm qua yếu tố vốn đã đóng góp 57,5%, yếu tố lao động đóng góp 20% và yếu tố năng suất lao động cùng các nhân tố tổng hợp chỉ đóng góp 22,5% vào tốc độ tăng trưởng, vừa thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Hướng vào tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu
Hiệu quả đầu tư biểu hiện chủ yếu ở hai chỉ số tổng hợp quan trọng đó là: một đồng vốn đầu tư phải tạo ra nhiều đồng GDP hơn, và để tăng một đồng GDP phải tốn ít vốn đầu tư hơn.
Năm 2007, một đồng vốn đầu tư đã tạo ra được 2,48 đồng GDP, cao hơn các số liệu tương ứng trong ba năm trước (năm 2004 là 2,46 đồng, năm 2005 là 2,45 đồng, đến năm 2006 là 2,44 đồng), nhưng lại thấp hơn của các năm từ 2003 trở về trước (năm 2003 là 2,56 đồng, năm 2002 là 2,68 đồng, năm 2001 là 2,82 đồng, năm 1999 là 3,05 đồng, năm 1998 là 3,08 đồng, năm 1995 là 3,16 đồng...).
Nếu năm 1998, một đồng vốn đầu tư tạo ra được 2,50, cao hơn năm 2007, thì với mức vốn đầu tư dự kiến đưa vào thực hiện 541 nghìn tỷ đồng thì sẽ tạo ra được 1,352 nghìn tỷ đồng GDP.
Nếu tỷ giá khoảng 16.100 VND/USD, thì GDP tính bằng USD theo tỷ giá hối đoán sẽ đạt 83,9 tỷ USD; nếu dân số tăng trên 1,2% thì dân số năm 2008 sẽ là 86,3 triệu người thì GDP bình quân đầu người sẽ đạt khoảng 972 USD, vượt qua ranh giới nước có thu nhập thấp (950 USD/người).
Nhưng nếu hiệu quả đầu tư như năm trước, tức là 1 đồng vốn đầu tư tạo ra 2,48 đồng GDP thì khi đó GDP bình quân đầu người đạt chưa được 964 USD.
Năm 2007, để tăng 1 đồng GDP phải tốn 2,72 đồng vốn đầu tư, thấp hơn 8 năm trước đó, nhưng lại cao hơn các năm từ 1998 trở về trước. Nếu năm 2008 cũng vậy, để tăng 208 nghìn tỷ đồng GDP theo dự kiến thì phải đầu tư tới 566 nghìn tỷ đồng, tăng tới 22,5% so với năm trước.
Vì vậy, cần phải tăng hiệu quả đầu tư lên, chẳng hạn để tăng 1 đồng GDP chỉ cần đầu tư 2,60 đồng vốn, thì lượng vốn đầu tư cần có khoảng 541 nghìn tỷ đồng, tốn ít hơn nhiều so với mức 566 nghìn tỷ đồng ở trên.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư cần phải làm tốt nhiều công việc. Về quy hoạch cần bảo đảm tính thống nhất trong cả nước, có tầm nhìn xa trông rộng. Về dự án, kể cả các dự án đầu tư nước ngoài, cần có sự chọn lọc cả về kỹ thuật - công nghệ, cả về môi trường.
Cần lựa chọn ngành, vùng miền đầu tư để chuyển dịch cơ cấu, khắc phục các "nút cổ chai" trên con đường phát triển. Đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt chú ý đến công tác giải phóng mặt bằng đổi mới cơ chế quản lý; chống lãng phí, thất thoát.
Về năng suất lao động chung toàn bộ nền kinh tế năm qua đã đạt chưa được 26,4 triệu đồng/người, tương đương với khoảng 1.650 USD/người/năm. Đó là mức thấp, giá trị thặng dư ít, khả năng tích lũy thấp.
Nguyên nhân chính là do tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp; tỷ trọng lao động làm việc trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản vẫn còn rất cao (54,6%), trong khi năng suất lao động của nhóm ngành này chỉ đạt 9,6 triệu, tỷ trọng lao động làm việc trong nhóm ngành dịch vụ đã đạt 25,9%, nhưng do còn kiêm nhiệm nhiều, tính chuyên nghiệp ít, nên năng suất lao động còn thấp hơn nhiều so với nhóm ngành công nghiệp - xây dựng (39,5 triệu so với 58 triệu).
Để nâng cao năng suất lao động, ngoài vấn đề đổi mới kỹ thuật - công nghệ, điều quan trọng là tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, đồng thời cơ cấu lại lao động giữa các ngành, các khu vực.
TBKTVN
|