Thứ Năm, 14/02/2008 23:13

Đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2007

I. NHỮNG THÀNH TỰU CHÍNH

Thành công của các hoạt động kinh tế đối ngoại Việt Nam cuối năm 2006 như tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC hay việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam 2007 nhiều cơ hội để phát triển. Quan hệ hợp tác song phương và đa phương mở rộng, thương mại quốc tế phát triển, đầu tư nước ngoài gia tăng. Việt Nam hiện được xem như là một trong những địa điểm đầu tư sản xuất, kinh doanh hấp dẫn trong khu vực cũng như trên thế giới. Việc đại diện cho châu Á trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam trên chính trường quốc tế. Đó là những nhân tố rất thuận lợi tác động đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay cũng như trong những năm tới .

Bên cạnh nhưng yếu tố thuận lợi, kinh tế Việt Nam 2007 cũng gặp nhiều khó khăn. Trong nước thiên tai, dịch bệnh, lũ lụt và hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất. Tăng trưởng thế giới chậm lại do khủng hoảng tài chính ở Mỹ. Giá dầu, giá vàng và nhiều loại nguyên vật liệu biến động mạnh theo xu hướng tăng, tác động bất lợi đến giá cả trong nước.

Mặc dù vậy, nền kinh tế nước ta năm 2007 vẫn phát triển với tốc độ cao và đạt nhiều thành tựu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao được duy trì. Phần lớn các chỉ tiêu kinh tế cơ bản đều hoàn thành hoặc vượt mức kế hoạch đề ra (xem Bảng I.1).

Bảng I.1. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu năm 2007 

STT

Tên chỉ tiêu

Đơn vị

Kế hoạch 2007

Ước thực hiện 2007

1

Tốc độ tăng trưởng GDP

%

8,2-8,5

8,5

2

Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp

%

3,5-3,8

3,5

3

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp và xây dựng

%

10,5-10,7

10,6

4

Giá trị tăng thêm của ngành dịch vụ

%

8 - 8,5

8,7

5

Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu

%

17,4

20,5

6

Tốc độ tăng tổng kim ngạch nhập khẩu

%

15,5

27,0

7

Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP

%

40

40,6

8

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước

Nghìn tỷ VNĐ

281,9

287,9

9

Tổng chi ngân sách nhà nước

Nghìn tỷ VNĐ

357,4

368,3

10

Bội chi ngân sách nhà nước

% so với GDP

5

4,95

11

Tốc độ tăng giá tiêu dùng

%

< % tăng GDP

< % tăng GDP

12

Tạo việc làm

Triệu LĐ

1,6

1,68

 

Trong đó: Xuất khẩu lao động

Nghìn LĐ

80

82

    Nguồn: Báo cáo Chính phủ tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XII

Dưới đây là phân tích cụ thể các thành tựu chính của năm 2007.

1. Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao

Năm 2007, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng 8,5%, cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Ba nhóm ngành chính (nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp-xây dựng và dịch vụ) có tốc độ tăng trưởng khá (tương ứng là 3,5%, 10,6% và 8,7%), đều đạt hoặc vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (chỉ tiêu kế hoạch tương ứng là 3,5-3,8%; 10,5-10,7% và 8-8,5%). Cơ cấu giữa các nhóm ngành tiếp tục có chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng của khu vực nông nghiệp trong GDP giảm từ 20,4% xuống còn 20%; của công nghiệp và xây dựng tăng từ 41,5% lên 41,8%. Đây cũng là lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ (8,7%) cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế 2007 được đánh giá là toàn diện do tăng trưởng đồng đều ở cả ba khâu cơ bản: đầu vào, sản xuất và đầu ra.

Phía đầu vào, bên cạnh lợi thế sẵn có về số lượng lao động dồi dào và nhân công giá rẻ, nguồn vốn huy động năm 2007 đạt khá. Lượng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách thực hiện tuy thấp hơn so với dự toán (trong 3 quý đầu năm 2007 ước đạt 64,9 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 65,3% kế hoạch năm và thấp hơn cùng kỳ năm 2006). Giải ngân vốn tín dụng và thực hiện vốn trái phiếu chính phủ 9 tháng đầu năm 2007 cũng mới đạt tương ứng là 52,4% và 20,6% kế hoạch năm. Song bù lại, nguồn vốn ngoài nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài tăng cao và chiếm tỷ trọng lớn hơn (55% so với 50% cùng kỳ năm 2006) trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.

Kênh sản xuất, nhóm ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ và vượt tốc độ tăng trưởng chung (xem Bảng 1). Trong đó, đóng góp lớn nhất thuộc về nhóm ngành công nghiệp-xây dựng với kỷ lục duy trì liên tục tăng trưởng hai chữ số, là động lực vững chắc cho tăng trưởng cả nền kinh tế.

Phía đầu ra, tăng trưởng cao đạt được trên cả hai kênh: kênh tiêu thụ trong nước và kênh xuất khẩu. Tiêu thụ trong nước tăng 14,1% (đã loại trừ yếu tố tăng giá), cao trên 1,7 lần tốc độ tăng GDP. Tổng mức bán lẻ hàng hóa doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên cả hai yếu tố mức tiêu dùng và tỷ lệ tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường, tỷ lệ tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường ngày một cao (đạt trên 82%). Xuất khẩu cũng đạt tốc độ tăng trưởng khá cao (20,5%), gấp gần 2,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Theo đánh giá của ADB, tuy không có mức tăng trưởng đột biến, nhưng trong năm 2007, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong phát triển và cải cách kinh tế. Cùng với việc tăng lượng vốn đầu tư xã hội, kim ngạch xuất khẩu và cam kết đầu tư, tỷ lệ tăng trưởng cao trong năm đầu tiên gia nhập WTO phản ánh nỗ lực của Chính phủ cùng toàn dân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều đó cũng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài và đây là cơ hội lớn để nền kinh tế nước ta vươn mình đuổi kịp sự phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới.

2. Các cân đối vĩ mô lớn tương đối ổn định

Các cân đối vĩ mô cơ bản của nền kinh tế Việt Nam 2007 được bảo đảm. Tổng thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch (xem Bảng I.1), bội chi được khống chế dưới mức 5%. Mức thặng dư trong cán cân thanh toán quốc tế tạo cơ cở ổn định giá cả và giá trị đồng Việt Nam so với ngoại tệ. Dự trữ ngoại tệ tăng, đáp ứng được nhu cầu phát triển và bình ổn thị trường ngoại hối. Tỷ trọng nợ nước ngoài trên GDP của Việt Nam hiện nay là khoảng 30% (so với giới hạn cho phép là 50%) và có xu hướng giảm trong các năm tới. Tính theo tỷ trọng của giá trị xuất khẩu, mức nợ của ta là khoảng 78%. Đây là mức khá thấp so với mức trung bình của nhóm các nước có thu nhập thấp (con số tương ứng vào khoảng 46% và 100%) và là mức nằm trong giải an toàn theo tiêu chuẩn của WB.

Mặt khác, cũng giống xu thế chung, tỷ trọng nợ ngắn hạn trong tổng nợ nước ngoài của Việt Nam đang có xu hướng giảm đi, ở mức 8% trong năm 2004, so với mức trung bình của các nước đang phát triển trên thế giới là 16,4%.

3. Xuất khẩu tăng

Tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam năm 2007 ước đạt 48 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ 2006, vượt kế hoạch đề ra (17,4%). Đóng góp của xuất khẩu vào GDP đạt 67%, cao nhất từ trước đến nay (xếp thứ 8 trên thế giới, thứ 6 ở châu Á), vượt xa so với tỷ lệ trung bình của thế giới là 22%. Kim ngạch xuất khẩu bình quân một tháng ước đạt 4 tỷ USD. Đây là mức trung bình rất cao, hơn cả mức xuất khẩu cả năm từ 2004 trở về trước. Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người năm 2007 cũng tăng cao, ước đạt trên 550 USD/người.

Trong các mặt hàng xuất khẩu, hàng phi dầu thô chiếm khoảng 84% tổng số kim ngạch xuất khẩu, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2006. Tỷ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến 56,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (tính cả dầu thô), tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2006 (tăng 32% nếu không tính dầu thô). Tỷ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 15,4 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2006.

Tính đến hết tháng 10/2007, đã có 9 mặt hàng xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD. Đó là dầu thô (6,5 tỷ USD), dệt may (6,41 tỷ USD), giày dép (3,19 tỷ USD), thủy sản (trên 3 tỷ USD), đồ gỗ (1,9 tỷ USD), linh kiện máy tính và điện tử (1,73 tỷ USD), cà phê (1,55 tỷ USD), gạo (1,36 tỷ USD) và cao su (1,088 tỷ USD). Dự báo đến hết năm 2007, ngành dây điện cáp điện cũng sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Thành tích xuất khẩu năm 2007 của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu về lượng mà kèm theo đó là những chuyển dịch tích cực về cơ cấu khác.

Thứ nhất, tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam đồng đều cả khu vực trong nước và đầu tư nước ngoài. Sự nỗ lực đã giúp khu vực kinh tế trong nước đạt tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay (24,9%). Sự tăng trưởng của khu vực vốn nước ngoài cộng thêm hỗ trợ của việc cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan do Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO từ cuối năm 2006 đã thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu ở cả hai khu vực đạt được kết quả đáng ghi nhận trong năm 2007.

Thứ hai, nhiều mặt hàng có mức xuất khẩu tăng. Có 21/25 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng so với cùng kỳ, trong đó có nhiều mặt hàng tăng khá và đóng góp lớn vào mức tăng tổng kim ngạch xuất khẩu. Đó là dệt may, cà phê, giày dép, sản phẩm gỗ, thủy sản, điện tử máy tính, dây điện và cáp điện, sản phẩm nhựa, than đá. Bên cạnh những mặt hàng xuất khẩu truyền thống, hàng xuất khẩu Việt Nam ngày càng được mở rộng và đa dạng hóa. Đây là điều quan trọng trong việc vừa khai thác, tận dụng được hết các tiềm năng xuất khẩu, vừa có thể bù đắp bổ sung giữa các loại hàng xuất khẩu khi có các rủi ro trên thị trường.

Thứ ba, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn của Việt Nam (như Mỹ; EU; Nhật Bản; Trung Quốc) đều tăng so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 9/2007, mức tăng tương ứng của các thị trường này là 19,5%; 29%; 3,7%; 3,3%. Nhiều mặt hàng đã tận dụng được việc các nước cắt giảm thuế để gia tăng xuất khẩu.

4. Vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh

Năm 2007, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt cao trên cả ba kênh FDI, ODA và FPI.

Kênh đầu tư trực tiếp (FDI) đạt được thành tựu ấn tượng, với mức thu hút vốn liên tục tăng cao sau các tháng. Dự kiến vốn FDI thu hút năm 2007 sẽ vượt kế hoạch (12 tỷ USD) đạt khoảng 16 tỷ USD.

Bảng I.2. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài Việt Nam những năm gần đây

 

Năm

FDI đăng ký

(tỷ USD)

Tốc độ tăng

so với năm trước (%)

2003

2.9

+ 6.4

2004

4.2

+ 44.8

2005

6.8

+ 61.9

2006

10.2

+ 50.0

2007 (Dự kiến)

16

+ 56.8

Nguồn: Tổng hợp của nhóm nghiên cứu

Tính đến hết tháng 11/2007, vốn FDI thu hút đạt 15 tỷ USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra (13 tỷ USD) và lượng vốn FDI thu hút của cả năm 2006 (10,2 tỷ USD). Trong số này có 1.283 dự án cấp mới với 13,4 tỷ USD (tăng 35,2% về số dự án và 67,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước) và 314 dự án xin tăng vốn, đạt 1,67 tỷ USD. Công nghiệp vẫn là nhóm ngành dẫn đầu về nguồn vốn đầu tư nước ngoài với trên 7,55 tỷ USD (chiếm 56,4 % tổng vốn FDI), tiếp sau là dịch vụ với 5,65 tỷ USD (42,2 % tổng vốn đầu tư đăng ký).

Dẫn đầu 50 quốc gia đầu tư vào Việt Nam là Hàn Quốc (3,68 tỷ USD, chiếm 28% tổng số vốn đăng ký), tiếp theo British Virgin Islands và Xingapo (tương ứng 3,5 tỷ USD và 1,55 tỷ USD chiếm 17,8% và 13,3%). Trong 50 địa phương thu hút được dự án FDI, dẫn đầu là Bà Rịa – Vũng Tàu (1,06 tỷ USD, chiếm 10,9% tổng vốn đăng ký), tiếp theo là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội (tương ứng là 1 tỷ USD và 0,9 tỷ USD chiếm 10% và 9,1%).

Năm 2007, FDI thu hút vào Việt Nam không những chỉ gia tăng về số lượng mà còn có những chuyển dịch tích cực về cơ cấu, đó là:

Thứ nhất, số lượng dự án có quy mô lớn tăng. Trong tổng số dự án FDI tính đến tháng 10/2007, số dự án có quy mô lớn chiếm 55% (tăng 50% so với cùng kỳ). Quy mô trung bình của một dự án đạt 8,5 triệu USD/dự án (so với 6,7 triệu USD/dự án năm 2006).

Thứ hai, có sự chuyển dịch bước đầu địa bàn đầu tư. Trong danh sách các địa phương có dự án đầu tư lớn, đã xuất hiện thêm nhiều địa phương mới như Hà Nam, Hà Giang, Cao Bằng. Nhiều địa phương có sự bứt phá vươn lên những vị trí hàng đầu trong danh sách trong địa bàn có số vốn đầu tư lớn như Thừa Thiên Huế, Hậu Giang, Ninh Thuận. Trong danh sách các nhà đầu tư lớn, những cái tên quen thuộc vẫn liên tục xuất hiện chứng tỏ sức hút mạnh mẽ của thị trường Việt Nam.

Cơ cấu địa bàn đầu tư thay đổi hứa hẹn những chuyển dịch cơ cấu thành thị - nông thôn theo hướng tích cực. Các khu công nghiệp chuyển về khu vực ngoại thành, ngoại thị tận dụng ngay nguồn lao động phổ thông dồi dào tại địa phương, nhà xưởng, đất đai rộng, chi phí xử lý môi trường ít tốn kém để tập trung phát triển công nghiệp kỹ thuật cao ở khu vực thành thị. Sự phát triển các khu công nghiệp ở ngoại thành sẽ đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, giảm bớt sức ép di cư lao động nông thôn về thành thị vốn là một vấn đề vẫn hết sức nan giải hiện nay.

Kênh hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) có mức cam kết đạt kỷ lục mới (trên 4,45 tỷ USD), tăng 18,7 % so với năm 2006. Tình hình giải ngân nguồn vốn ODA năm 2007 có nhiều tiến bộ. Thời gian tới, khi kế hoạch phân cấp phân quyền phê duyệt ODA được triển khai sẽ tạo động lực đẩy mạnh thu hút và giải ngân ODA ở các địa phương. Dự kiến năm 2007, mức giải ngân ODA sẽ đạt trên 2 tỷ USD.

Kênh đầu tư gián tiếp (FPI) tăng trưởng mạnh, đến nay ước tính đạt khoảng 5,2 tỷ USD đầu tư vào thị trường chứng khoán và khoảng 1,3 tỷ USD đầu tư vào thị trường bất động sản.

Với thành tích khả quan trên mọi lĩnh vực thu hút vốn, lượng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2007 ước đạt rất cao, chiếm khoảng 41% GDP, mức cao nhất từ trước đến nay. Thành tích cao về thu hút vốn 2007 là do các nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, nỗ lực của Việt Nam trong việc sửa đổi bổ sung luật lệ, cơ chế phối hợp, đẩy mạnh quá trình cải cách hành chính, … đã tạo ra những điều kiện thuận lợi khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài.

Làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam từ các tập đoàn lớn đã tăng mạnh do các rào cản trước đây với các dự án đầu tư nước ngoài (như tỷ lệ nội địa hoá, tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm) đã được dỡ bỏ. Việc áp dụng thống nhất Luật Đầu tư cho cả đầu tư trong nước và ngoài nước tạo sự bình bằng cho doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp được mở rộng, đa dạng, dễ dàng cho nhà đầu tư lựa chọn phù hợp với ý định kinh doanh của mình.

Việc tăng cường phân cấp đã giúp các địa phương chủ động trong vận động, quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài. Thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư được rút ngắn; quy trình, thủ tục cũng như quản lý doanh nghiệp đơn giản, dễ dàng hơn so với trước đây, phát huy được tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.

Các nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đã tạo dựng được lòng tin tưởng của các nhà đầu tư làm tăng lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2007. Những phản hồi tích cực đã được ghi nhận qua các báo cáo điều tra đánh giá của giới đầu tư quốc. Báo cáo thường niên “Môi trường kinh doanh 2008” của WB đã tăng 13 hạng cho môi trường kinh doanh của Việt Nam (thứ hạng 91/178 quốc gia so với thứ hạng 104/175 trong báo cáo năm 2007). Điều tra thường niên của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) đã xếp Việt Nam là điểm hấp dẫn đầu tư nhất khu vực Châu Á. Điều tra về 20 thị trường mới nổi (EM20) của Tập đoàn tư vấn Pricewaterhouse Cooper (PwC), xếp Việt Nam là điểm đầu tư sản xuất hấp dẫn nhất thế giới trong lĩnh vực sản xuất. Báo cáo “Đầu tư thế giới (WIR) 2007” của UNCTAD xếp Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về triển vọng thu hút đầu tư, đặc biệt là trên những lĩnh vực dịch vụ, tài chính. Theo khảo sát của Hội đồng Kinh doanh châu Á, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về hấp dẫn đầu tư đối với các tập đoàn châu Á trong giai đoạn 2007 – 2009.

Trong tình trạng nguồn FDI trên thế giới đang “đói” thị trường, những nỗ lực cải thiện kịp thời về môi trường đầu tư sẽ giúp Việt Nam thu hút được thêm vốn đầu tư trong giai đoạn tới.

Thứ hai, thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới đã củng cố thêm niềm tin các nhà đầu tư nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm trở thành một trong những động lực chính hấp dẫn các nhà đầu tư thế giới.

Kinh tế Việt Nam hiện được đánh giá là có nhiều lợi thế kinh doanh như giá nhân công rẻ, chí phí vận chuyển hàng hóa tới thị trường xuất khẩu thấp, quy mô thị trường tương đối lớn. Bên cạnh những lợi thế truyền thống đó, nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy ở Việt Nam những lợi thế mới như hệ thống thuế linh hoạt, các chính sách ưu tiên, cũng như việc có thể kết nối dễ dàng với các đối tác kinh doanh lớn, ví dụ như Hoa Kỳ.

Thứ ba, việc Việt Nam gia nhập WTO, tuy mới trong thời gian ngắn, đã có tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế trong đó có đầu tư. Tác động của việc gia nhập WTO không những làm tăng nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam, mà còn tạo ra những chuyển dịch tích cực về cơ cấu vốn (tăng tỷ trọng đầu tư vào nhóm ngành dịch vụ và các tỷnh ngoài khu đô thị…). Thị trường nội địa đang được hưởng lợi từ các chương trình cải cách tự do hoá theo cam kết với WTO. Sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế trong cả lĩnh vực sản xuất lẫn dịch vụ sẽ còn tiếp tục làm gia tăng lượng vốn đầu tư trong thời gian tới.

Bên cạnh việc chính thức trở thành thành viên của WTO, thành công của các hoạt động kinh tế đối ngoại khác (tổ chức thành công Hội nghị APEC, Hoa Kỳ trao PNTR cho Việt Nam) và việc mở rộng quan hệ hợp tác làm ăn với thế giới đã tạo ra nhiều hơn các cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

II. NHỮNG VẤN ĐỀ TỒN TẠI LỚN TRONG NĂM 2007

Bên cạnh những thành tựu đạt được, nền kinh tế Việt Nam 2007 vẫn còn đan xen nhiều mảng tối. Tăng trưởng tuy đạt mức cao nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao. Lạm phát gia tăng làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Xuất nhập khẩu tuy tăng mạnh nhưng cơ cấu chưa hợp lý. Nhập siêu tăng cao làm giảm hiệu quả xuất khẩu. Hội nhập mang đến nhiều cơ hội nhưng mức độ tiếp nhận vốn của nền kinh tế còn chưa cao, nguồn nhân lực chưa đạt chất lượng, môi trường thể chế còn yếu kém.

Những hạn chế này sẽ được làm rõ hơn trong phân tích dưới đây.

1. Tăng trưởng đạt mức cao nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao

Cân nhắc giữa tăng trưởng số lượng và tăng trưởng chất lượng không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Mọi quốc gia đều mong muốn có mức tăng trưởng cao về số lượng, duy trì liên tục, kèm theo những yếu tố đảm bảo chất lượng tăng trưởng như phát triển xã hội, môi trường, pháp luật, thể chế để đảm bảo được phát triển bền vững của quốc gia.

Thành tích về tăng trưởng số lượng của Việt Nam thời gian gần đây là rất khả quan, đặc biệt năm 2007 (8,5%). Tuy nhiên với mức thu hút vốn chiếm 41% GDP, hệ số sử dụng vốn (ICOR) của Việt Nam sẽ là khoảng gần 5. Hệ số này cao hơn rất nhiều so với của Trung Quốc cách đây 10 năm (ICOR Trung Quốc giai đoạn 1991-1993 là 4,1). Với cùng với tỷ lệ đầu tư so với GDP tương đương với Việt Nam, Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng 9-10%, trong khi Việt Nam chỉ có thể duy trì ở mức khoảng 8%. Điều này có nghĩa là với quy mô nền kinh tế hiện tại, hàng năm Việt Nam mất đi khoảng 1 tỷ đô-la. Nếu so sánh với các nước Đông Bắc Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan thì hệ số ICOR của Việt Nam còn cao hơn rất nhiều (xem Bảng I.3).

Bảng I.3. Đầu tư, tăng trưởng và hệ số ICOR của một số nước Châu Á

 

Nước

và vùng lãnh thổ

Đầu tư

(%GDP)

Tăng trưởng GDP

(%)

ICOR

Việt Nam ('00-'07)

38,0

7,6

5,0

Trung Quốc ('91-'03)

39,1

9,5

4,1

Đài Loan ('81-90)

21,9

8,0

2,7

Hàn Quốc ('81-90)

29,6

9,2

3,2

Nhật Bản ('61-'70)

32,6

10,2

3,2

Nguồn:            Thống kê của các nước và tính toán của Nhóm nghiên cứu

Nhìn vào đóng góp của các nhân tố vào tăng trưởng, có thể thấy tăng trưởng Việt Nam thời gian qua phụ thuộc chủ yếu vào tiêu dùng và đầu tư. Xu thế này dự báo sẽ còn duy trì do nguồn vốn nước ngoài tiếp tục được đầu tư và nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước gia tăng mạnh.

Đầu tư của Việt Nam trong thời gian qua tuy đạt được nhiều thành tích nhưng cũng còn tồn tại nhiều vấn đề như tình trạng quy hoạch treo, tốc độ giải ngân nguồn vốn còn thấp, nhiều công trình xây dựng dở dang kéo dài, … làm giảm chất lượng và hiệu quả đầu tư. Tăng trưởng Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư. Hiệu quả đầu tư thấp sẽ làm giảm chất lượng tăng trưởng.

Một yếu tố đánh giá chất lượng tăng trưởng khác là khả năng cạnh tranh của một quốc gia. Trong Báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2007-2008 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), vị trí Việt Nam tiếp tục tụt hạng, đứng thứ 68/131 quốc gia về năng lực cạnh tranh toàn cầu (so với 77/125 quốc gia trong báo cáo cùng kỳ 2006-2007). Trong nền kinh tế thế giới mở cửa, cạnh tranh và hội nhập ngày sâu rộng, khả năng cạnh tranh và vị thế trong hệ thống cạnh tranh có một ý nghĩa sống còn. Không đạt được mục tiêu này nền kinh tế không thể có cơ may phát triển, thoát khỏi tình trạng tụt hậu.

Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của WEF được xác định bởi 12 yếu tố. Đó là thể chế, chính sách, các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động, cơ sở hạ tầng, chính sách kinh tế vĩ mô, y tế và giáo dục ban đầu, giáo dục và đào tạo, hiệu quả của thị trường hàng hóa, hiệu quả của thị trường lao động, trình độ tinh xảo của thị trường tài chính, khả năng sẵn sàng về công nghệ, quy mô thị trường, trình độ tinh xảo của kinh doanh và khả năng sáng chế. Tuy chưa phải là quy chuẩn để xác định chất lượng tăng trưởng của một quốc gia, chỉ số này cũng cho ta đánh giá sơ bộ nhất về chất lượng tăng trưởng của quốc gia. Việc liên tục tụt hạng trong bảng xếp hạng của WEF, trong lúc tốc độ tăng trưởng và khối lượng đầu tư tăng là một cảnh báo về chất lượng tăng trưởng chưa cao của nền kinh tế Việt Nam.

2. Lạm phát tăng cao

Mười một tháng đầu năm 2007, chỉ số giá tiêu dùng đã bị đẩy lên mức rất cao, 9,45%. Tính chung 11 tháng năm nay, giá tiêu dùng đã tăng cao gấp trên 1,5 lần tốc độ tăng giá 6% của cùng kỳ năm trước và cao nhất so với tốc độ tăng của cùng kỳ trong 11 năm trước đó (tính từ năm 1996). Với mức tăng này, chắc chắn CPI năm 2007 sẽ cao hơn mức tăng trường kinh tế, không hoàn thành được mục tiêu khống chế lạm phát dưới mức tăng trưởng kinh tế như Quốc hội đề ra.

Điều đáng lưu ý là mức lạm phát năm 2007 của Việt Nam lại tăng cao sau khi đã được khống chế thành công năm 2006, và mức lạm phát trung bình của Việt Nam (5 năm gần đây là khoảng 7%) cao hơn mức lạm phát trung bình của các nước đang phát triển (3,4% năm 2005 và 3,3% năm 2006, theo ADB).

Mức lạm phát cao làm ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích tăng trưởng và những thành tựu về xoá đói giảm nghèo của Việt Nam. Nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao trong năm 2007 là:

Thứ nhất, tình trạng thiên tai liên tiếp, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp và liên tục tái phát khiến lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân bị hạn chế, đẩy giá tăng cao.

Thứ hai, giá cả cả hàng hóa đầu vào thế giới tăng mạnh, đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, phôi thép, than đá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao làm tăng khối lượng nhập khẩu các loại đầu vào cơ bản. Việc tăng mạnh xuất khẩu than và cà phê khi giá hai mặt hàng xuất khẩu này tăng cao cũng gây hiệu ứng tăng giá trong nước.

Trong thời gian qua, giá nguyên liệu thế giới luôn ở trong thời kỳ sốt nóng. Chỉ số giá nguyên liệu thế giới tăng liên tục. Năm 2003 là 119.7 điểm (năm 1995=100), năm 2004 là 151,5 điểm (tăng 26,57%); năm 2005 là 195,7 điểm (tăng 29,17%), năm 2006 là 255,9 điểm. Khi giá nguyên liệu thế giới trong thời kỳ bình ổn (2001-2003),, hệ số giữa lạm phát và tăng trưởng nước ta chỉ khoảng 0,37 lần. Nhưng trong 3 năm nguyên liệu thế giới bất ổn (2004-2006) chỉ số tương ứng của Việt Nam đã tăng vọt lên mức 1,0. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn (tỷ trọng xuất khẩu trên GDP là khoảng 67%), nên càng chịu nhiều hơn ảnh hưởng của biến động giá thế giới. Trong tổng số tăng 27,39% kim ngạch nhập khẩu 13 loại nguyên vật liệu chủ yếu 10 tháng đầu năm 2007, tăng về giá chiếm 15,16%. Như vậy, việc tăng giá nguyên vật liệu thế giới làm khuyếch đại tới 61,22% trong tổng mức tăng bùng nổ nhập khẩu của Việt Nam. Nên việc giá tiêu dùng của nước ta tăng vọt là điều dễ hiểu.

Thứ ba, việc Ngân hàng Nhà nước mua trên 12 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại tệ trong năm 2007 (9 tỷ trong 6 tháng đầu năm và khoảng 3-4 tỷ trong 6 tháng cuối năm) đồng nghĩa với việc “bơm” vào thị trường khoảng hơn 200.000 tỷ đồng Việt Nam (16% GDP). Điều này tạo ra sức “cầu kéo” rất mạnh đối với giá cả.

Trong những tháng cuối năm, để khống chế lạm phát giữ được mức thấp hơn so với tăng trưởng, chính phủ đã đề ra hàng loạt biện pháp nhằm kiềm chế sự leo thang của giá cả nhưng hầu như chưa đạt được kết qủa như mong đợi. Từ thực tế này có thể rút ra một số nhận định với nền kinh tế Việt Nam.

Thứ nhất, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn quá yếu. Bằng chứng, cùng chịu chung áp lực biến động giá trên thị trường thế giới, tương ứng với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng 6,19% ở Việt Nam, nhưng chỉ số giá tiêu dùng các nước trong khu vực tăng không đáng kể: Thái Lan 1,7%, Malayxia 2,2%, Indonexia 1,8%, Trung Quốc 2,9%. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng cạnh tranh của ta kém xa các nước láng giềng.

Thứ hai, tính năng động của nền kinh tế Việt Nam chưa cao. Điều này biểu hiện ở phản ứng thiếu nhạy bén và kém hiệu quả của các chủ thể kinh tế cơ bản. Ngân hàng Nhà nước, cơ quan có vai trò chính trong việc kiểm soát lạm phát, khi có mức ngoại tệ gia tăng đột biến do lượng đầu tư nước ngoài lại chỉ biết gia tăng mức mua ngoại tệ để dự trữ. Hay phản ứng của các doanh nghiệp trước áp lực lạm phát, chỉ là tăng giá bán, hay thực hiện tiết kiệm mà ít doanh nghiệp phản ứng với lạm phát thông qua việc nâng cao hiệu quả sản xuất bằng cách tái cấu trúc tổ chức, đầu tư đổi mới công nghệ hoặc cải tổ qui trình quản lý.

Thứ ba, đây cũng là một lời nhắc nhở nữa về việc xem xét lại mô hình tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu đóng vai trò quan trọng tăng trưởng (kim ngạch xuất khẩu chiếm đến trên 67% GDP). Tất cả ưu tiên cho xuất khẩu từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến chính sách tỷ giá. Hiện tại đồng Việt Nam đang mất giá so với đồng đôla Mỹ. Trên thế giới, đồng đôla Mỹ lại đang mất giá so với những đồng ngoại tệ mạnh khác. Giữ được tỷ giá đồng Việt Nam thấp, xuất khẩu sẽ có lợi, nhưng như vậy sẽ gây áp lực nặng nề lên khu vực nhập khẩu. Trong khi đó, chúng ta đang nhập siêu, chủ yếu là nguyên nhiên liệu để phục vụ sản xuất. Vì thế, giá cả tăng là điều tất nhiên và gánh nặng tăng giá sẽ đổ cả lên người tiêu dùng. Nếu tình trạng này kéo dài, đời sống người dân, đặc biệt là người nghèo và thu nhập thấp, sẽ khó khăn hơn.

3. Nhập siêu tăng mạnh

Mười tháng đầu năm 2007, giá trị nhập siêu của Việt Nam là 8,6 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ 2006, gần bằng con số dự kiến cho cả năm 2007 (9 tỷ USD). Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu vẫn là các sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng, nguyên, nhiên liệu phục vụ cho sản xuất. Dẫn đầu về tăng tốc nhập khẩu là ôtô nguyên chiếc và linh kiện ôtô (mức tăng tương ứng là 116% và 73%). Tiếp theo là thép thành phẩm (tăng 63%) và máy móc, thiết bị phụ tùng (tăng 57%).

Xem xét số liệu thống kê xuất nhập khẩu, có thể thấy tình trạng gia tăng nhập siêu của Việt Nam năm 2007 bắt nguồn từ những nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, các điều kiện thương mại trở nên thuận lợi. Việc giảm thuế quan theo cam kết với WTO, cùng với việc thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư trong nước đã tạo cho xuất nhập khẩu những điều kiện tốt để tăng trưởng. Những tháng đầu năm 2007, nhiều mặt hàng chủ lực xuất khẩu Việt Nam như dầu thô, gạo... sụt giảm khiến cán cân xuất nhập khẩu mất cân đối. Yếu tố này đã được cải thiện trong những tháng cuối năm, nhưng nhập khẩu trong ngắn hạn vẫn tiếp tục tăng do việc hạ giá một số hàng theo chủ trương chống tăng giá. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm hơn so với mong đợi cùng với tốc độ nhập khẩu tăng cao (23,3% so với 30,3%, tính đến hết tháng 9/2007) là nguyên nhân tình trạng nhập siêu 2007 trở nên tăng đột biến.

Thứ hai, do nhu cầu trong nước về hàng hoá nhập khẩu tăng cao nhằm phục vụ đáp ứng yêu cầu tăng năng lực sản xuất, tăng cường và nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Nhiều dự án công nghiệp lớn đã được triển khai trong những tháng đầu năm như dự án công nghiệp tổ hợp quặng sắt, quặng boxít, dự án lọc dầu Dung Quất, tổ hợp khí điện đạm Cà Mau… nên nhu cầu nhập máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất rất lớn. Ngoài ra, do các nhóm hàng nhập khẩu chủ lực của Việt nam lại phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu nên để tăng được kim ngạch nhập khẩu, mức nhập siêu tăng.

Tuy nhiên, từ thực tế này cũng cần thấy rằng: (i) Sức cạnh tranh của các mặt hàng nội địa còn kém. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng trong nước đã sản xuất được nhưng vẫn có tốc độ tăng lớn (linh kiện và phụ tùng xe gắn máy, thép thành phẩm, thức ăn gia súc và nguyên liệu, ..); (ii) Cơ cấu công nghiệp Việt Nam còn nặng về gia công (70% hàng nhập là nguyên liệu tái xuất khẩu và phục vụ sản xuất trong nước); (iii) Các ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ xuất khẩu hầu như chưa phát triển làm hiệu quả xuất khẩu giảm sút phải phụ thuộc vào các trung gian xuất khẩu.

Thứ ba, giá cả hàng hóa thế giới tăng (chiếm 20% lượng tăng nhập khẩu). Con số tăng kim ngạch nhập khẩu do giá tăng có thể nhận thấy rõ trong một số nhóm hàng như phôi thép tăng 26,7%, sữa tăng 20,6%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 57,5%. Giá thế giới chưa có dấu hiệu dừng lại, do đó có thể sẽ tiếp tục tác động xấu đến kim ngạch nhập khẩu, trong khi nhu cầu nhập khẩu cuối năm tiếp tục tăng.

Với những phân tích này, có thể thấy mức nhập siêu năm 2007 sẽ cao và tình trạng này cũng sẽ kéo dài thêm một vài năm nữa. Trong các nguyên nhân dẫn đến tăng bùng nổ nhập khẩu và nhập siêu cũng có những tác nhân tích cực nhưng bên cạnh đó việc tìm kiếm các giải pháp tăng cường xuất khẩu nhằm kiếm soát và kiềm chế nhập siêu sẽ trở thành một vấn đề trọng tâm trong vài năm tới.

4. Chậm chạp trong giải ngân và thực hiện các nguồn vốn đầu tư

Trong 10 tháng đầu năm 2007, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư diễn ra khá chậm ở hầu hết các Bộ, ngành, địa phương. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước 10 tháng đạt 76,9 nghìn tỷ đồng, bằng 80,3% kế hoạch năm, trong đó Trung ương quản lý 27,42 nghìn tỷ đồng; địa phương quản lý 49,48 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 77,5% và 82,4% kế hoạch năm, thấp hơn tiến độ thực hiện giải ngân vốn ngân sách so với cùng kỳ năm ngoái (con số tương ứng của năm 2006 là 89,6%, 88,5% và 90,1%).

Việc thực hiện vốn tín dụng đầu tư và vốn trái phiếu chính phủ cũng đạt thấp. Trong 9 tháng đầu năm, việc giải ngân vốn tín dụng mới đạt 52,4% kế hoạch năm. Trong 8 tháng đầu năm, việc thực hiện vốn trái phiếu chỉnh phủ cũng mới chỉ đạt 20,6% kế hoạch năm. Việc giải ngân trong xây dựng cơ bản (XDCB) chậm, nhất là vốn trái phiếu chính phủ, vừa gây lãng phí về vốn, về thời gian, về cơ hội đầu tư, vừa làm tăng số chi chuyển nguồn sang năm sau, trong khi ngân sách Nhà nước phải trả lãi cho các khoản đi vay và số lãi ngày một gia tăng.

Những nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn ngân sách Nhà nước là còn có sự chồng chéo, không thống nhất, chưa kịp thời; chỉ đạo điều hành của một số Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thiếu quyết liệt. Công tác quản lý, thực hiện dự án còn nhiều hạn chế, nhất là năng lực tư vấn, lập dự án tư vấn thiết kế còn yếu; công tác giải phóng mặt bằng chậm. Các nguyên nhân khách quan dẫn đến việc chậm chễ trong thực hiện nhiều dự án đầu tư xây dựng là giá cả nguyên vật liệu tăng mạnh thời gian qua trong lúc các cơ quan chức năng lại chưa đưa ra được phương án giải quyết thống nhất, khiến nhiều nhà thầu không muốn tiếp tục dự án ngay để tránh thua lỗ.

Vốn nước ngoài huy động đạt cao nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và cơ hội hiện có. Tăng trưởng FDI trung bình của Việt Nam trong 5 năm gần đây tăng tương đối đều và đạt cao, nhưng tốc độ tăng trung bình chỉ khoảng 40% (so với mức 60% của Trung Quốc). Theo Báo cáo của UNCTAD tại APEC CEO Summit 2006, trong 18% lượng FDI của thế giới đầu tư vào Đông Bắc Á và Đông Nam Á, lượng FDI vào Việt Nam còn rất khiêm tốn (khoảng 2 tỷ USD vốn thực hiện) so với các nước trong khu vực. Con số tương ứng của Trung Quốc là 72 tỷ USD, Hồng Kông 36 tỷ USD, Xingapo 20 tỷ USD, Indonexia 5 tỷ USD, Thái Lan và Malayxia cùng đạt 4 tỷ USD. Trong 81 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, chỉ có 10 quốc gia có số vốn thực hiện trên 1 tỷ USD. Tuy toàn bộ các địa phương đều đã thu hút được FDI, nhưng chỉ có 6 trong số đó đạt được số vốn thực hiện trên 1 tỷ USD.

5. Vấn đề tồn tại sau một năm gia nhập WTO

Năm 2007 là năm đầu tiên Việt Nam là thành viên chính thức của WTO. Nền kinh tế Việt Nam hội nhập một bước sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Mức độ toàn cầu hóa của nước ta được đánh giá bằng việc lần đầu tiên Việt Nam được xếp hạng trong Bảng xếp hạng chỉ số toàn cầu hoá 2007 do Tập đoàn Tư vấn AT Kearney và Tạp chí Chính sách Đối ngoại tiến hành hàng năm. Mức độ toàn cầu hóa của quốc gia được đánh giá dựa trên 4 nhóm tiêu chí: kinh tế, nhân lực, công nghệ và chính trị.

Tuy Việt Nam mới được xếp hạng thấp 48/72 quốc gia và vùng lãnh thổ so với thứ hạng tương ứng của các nước láng giềng (Xingapo xếp thứ 1, Hồng Kông xếp thứ 2, Malayxia và Philippin tương ứng hạng 23 và 28), nhưng việc có mặt trong bảng xếp hạng tổng hợp và uy tín nhất về mức độ toàn cầu hóa cho thấy bước tiến trong vị thế toàn cầu của Việt Nam. Tuy vậy, cũng còn nhiều vấn đề nảy sinh sau một năm Việt Nam gia nhập WTO như nêu dưới đây.

(i) Xuất khẩu tăng song chưa được cao như mong đợi

Gia nhập WTO, đồng nghĩa với việc bãi bỏ các hàng rào thuế quan, thương mại quốc tế được hy vọng sẽ phát triển vượt bậc. Tuy vậy, trong khi tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tăng vọt, thì mức tăng xuất khẩu lại không được như mong đợi. Tuy mức tăng xuất khẩu tuyệt đối của năm 2007 đạt tương đối cao (gần 9 tỷ USD), cao nhất từ năm 2000 đến nay, nhưng tốc độ tăng tương đối so với cùng kỳ năm trước chỉ đạt 20,5%, không bằng tốc độ tăng xuất khẩu tương ứng năm 2006 và kém xa tốc độ tăng tương đối của năm cao nhất giai đoạn 2000-2007 là năm 2004 với 31,4% .

Sau hàng loạt thành công về kinh tế đối ngoại năm 2006, đặc biệt là việc chính thức trở thành thành viên của WTO, mức tăng xuất khẩu chưa thực sự nổi bật làm tăng nhập siêu, giảm hiệu quả xuất khẩu và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung.

(ii) Môi trường kinh doanh được cải thiện nhưng cũng còn nhiều tồn tại

Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư thể hiện bằng việc ban hành những luật mới minh bạch hoá môi trường đầu tư, kinh doanh (Luật doanh nghiệp mới, Luật Chứng khoán …), tạo điều kiện mở rộng kinh doanh (Bộ Luật Dân sự 2005 và Nghị định 163/2006 về việc mở rộng phạm vi tài sản có sử dụng để thế chấp …), tạo ra những cơ chế phân cấp rõ ràng, đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính… Những nỗ lực này đã cải thiện được môi trường đầu tư, lượng vốn đầu tư nước ngoài gia tăng kể cả trên lĩnh vực giải ngân và thu hút vốn. Việt Nam đã trở thành một trong những điểm thu hút vốn hấp dẫn nhất trong khu vực và trên thế giới. Mức độ thân thiện của nền kinh tế Việt Nam đã được cải thiện trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài (xếp hạng 104/175 quốc gia, theo Báo cáo “Môi trường kinh doanh 2008” do WB và IFC). Tuy vậy, khoảng cách về môi trường kinh doanh Việt Nam so với các nước trong khu vực còn khá lớn (vị trí tương ứng của các nước cùng khu vực tương ứng trong bảng xếp hạng của Báo cáo của WB và IFC là Xingapo là thứ nhất, Thái Lan 15, Malayxia 24).

Bên cạnh các lĩnh vực được cải thiện, nhiều lĩnh vực trong Báo cáo của WB và IFC về môi trường kinh doanh của Việt Nam bị đánh tụt hạng. Đó là lĩnh vực bảo vệ nhà đầu tư, giải thể doanh nghiệp và đóng thuế. Trong đánh giá “Cảm nhận tham nhũng” năm 2007 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố, tuy điểm giữ nguyên ở mức 2,6 /10 điểm tối đa, nhưng vị trí của Việt Nam đã tụt từ hạng 111 vào năm 2006 xuống hạng 123 trong năm nay (xem Đồ thị I.5).

Kết quả trên cho thấy Việt Nam còn kém thành công so với các nước khác để “nâng điểm” trong mắt của cộng đồng quốc tế bất chấp những nỗ lực chống tham nhũng và lãng phí được phát động mạnh mẽ trong vài năm qua.

(iii) Cơ sở hạ tầng kém, chất lượng nguồn nhân lực chưa bảo đảm

Để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, việc đảm bảo năng lượng và hệ thống hạ tầng đồng bộ là một trong những điều kiện quan trọng và cấp thiết. Theo ước tính của ADB, để đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010, sản lượng điện Việt Nam sẽ phải tăng gấp đôi công suất hiện tại (đạt 26.000 MW). Tuy nhiên, trong tình trạng hạn hán ngày càng gay gắt, ngành năng lượng còn thiếu cạnh tranh thì việc đầu tư tăng sản lượng điện của Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Các hạ tầng khác của Việt Nam cũng thiếu đồng bộ. Hệ thống cảng biển Việt Nam chỉ đủ sức tiếp nhận những tầu có trọng tải thấp. Ngành vận tải biển của Việt Nam kém phát triển mặc dù có điều kiện địa lý thuận lợi. Việt Nam chỉ là trạm trung chuyển hàng hóa sang Xingapo hoặc Hồng Kông. Điều này làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển.

Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam không được đánh giá cao ngay cả trong phạm vi các nước cùng khu vực. Tỷ lệ lao động được đào tạo của Việt Nam tuy vẫn tăng đều qua các năm qua nhưng đến nay vẫn chỉ đạt dưới 30% (so với tỷ lệ tương ứng trung bình của các nước trong khu vực là 50%). Tỷ lệ tăng đào tạo lao động có bằng cấp (khoảng 7,3%/năm) còn thấp và chưa tương ứng với nhu cầu lao động có đào tạo cho phát triển kinh tế (Theo M. Harbison, trong một chu kỳ dài, tỷ lệ tăng đào tạo lao động gấp 2 đến 3 lần tốc độ tăng của GDP). Năng suất lao động Việt Nam thấp, đóng góp của yếu tố này vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế, khoảng 20% (ước tính của nhóm nghiên cứu) vào tăng trưởng GDP (so với con số tương ứng của Thái Lan là 35%, Philipin 41%, Indonexia 43% …).

Trở thành thành viên WTO đồng nghĩa với việc quốc tế hoá các loại thị trường, trong đó có thị trường lao động. Nếu không được cải thiện, chất lượng nguồn nhân lực thấp sẽ làm lao động Việt Nam mất thế cạnh tranh, chịu lép vế và phải nhường lại các vị trí có thu nhập cao cho người nước ngoài. Ví dụ, tại Nhà máy Xi măng Nghi Sơn (Thanh Hoá), những vị trí chủ chốt đều do người Nhật nắm giữ vì họ không thể tìm được người bản xứ có khả năng đáp ứng các yêu cầu đưa ra. Quỹ lương của 20 người Nhật làm việc ở đây bằng tổng quỹ lương của gần 2.000 người Việt cùng làm

Chất lượng lao động không đảm bảo làm cho lao động Việt Nam mất đi những cơ hội việc làm tốt, đặt gánh nặng giải quyết việc làm lên các cơ quan chức năng, buộc người lao động phải chấp nhận mức tiền công thấp và nhường lợi thế cho chủ sử dụng lao động. Khi thị trường lao động Việt Nam hội nhập vào thị trường lao động quốc tế, chất lượng nguồn nhân lực thấp làm sẽ làm lao động Việt Nam mất đi thế cạnh tranh. Điều này không những làm lao động Việt Nam mất thị trường xuất khẩu lao động mà còn sẽ buộc phải chấp nhận nhập khẩu lao động quốc tế do lao động trong nước không đáp ứng được nhu cầu.

Áp lực hội nhập lớn nhưng cơ hội mang lại cho Việt Nam cũng không nhỏ. Nhưng nếu chúng ta không tự đổi mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, duy trì được các cam kết với các nhà đầu tư đẩy mạnh việc cải cách hành chính, đầu tư đồng bộ cho cơ sở hạ tầng, đồng thời thực hiện đúng các cam kết từ WTO cũng như các hiệp định song phương và đa phương trong hội nhập thì sẽ khó có thể níu chân các nhà đầu tư. Đây là thách thức lớn đang đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn hậu WTO.

Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp Đức cần tận dụng cơ hội đầu tư vào VN (14/02/2008)

>   Xuất khẩu lao động “xông đất” thị trường Đông Âu (14/02/2008)

>   Chưa ra đời cũng được đăng ký thuê bao trả trước (14/02/2008)

>   Dự án đầu tiên được cấp phép vào Thủ Thiêm (14/02/2008)

>   Giá muối tăng 10 lần (14/02/2008)

>   Hàng không giá rẻ Philippin bay đến VN (14/02/2008)

>   Hồng Công cam kết đẩy hợp tác kinh tế-giáo dục với VN (14/02/2008)

>   Doanh nghiệp cẩn trọng với “rào cản xanh” (14/02/2008)

>   Những dự báo đáng lo ngại về giá (14/02/2008)

>   Sẽ có nhiều con chip "made in VN" (14/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật