Doanh nghiệp cẩn trọng với “rào cản xanh”
Thảm hoạ môi trường đang từng ngày, từng giờ đe doạ đời sống con người, tác động lên hoạt động của các doanh nghiệp (DN) - đối tượng thu lợi từ môi trường và xã hội.
Tuy nhiên, theo một báo cáo tại Diễn đàn Thương mại và Đầu tư VN (tháng 1/2008) của DN hoạt động trong lĩnh vực môi trường Tân Đức Thảo, chỉ có khoảng 10% cơ sở công nghiệp trong nước có công nghệ sản xuất hiện đại, số còn lại mới đạt mức trung bình khá; 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ 1960-1970; 75% thiết bị đã hết khấu hao…
Những con số “biết nói” trên đã cho thấy đa phần các DN VN, đặc biệt ở khu vực DN vừa và nhỏ (chiếm tới 96% tổng DN toàn quốc) vẫn còn khá chậm trễ trong đổi mới công nghệ, khi công nghệ lạc hậu đồng nghĩa với việc tiêu hao năng lượng và gia tăng ô nhiễm môi trường. Ngay như tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, hai thành phố được đánh giá là có nền công nghiệp phát triển đứng đầu cả nước thì trình độ công nghệ sản xuất cũng chỉ ở mức trung bình. Hầu hết các DN vẫn còn khá “dè xẻn” khi chi cho đầu tư công nghệ mới mà không tính đến hậu quả khi sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường sẽ khiến DN vướng vào “rào cản xanh” trên thị trường nhập khẩu của các nước khác. “Rào cản xanh” là một hệ thống quy định những tiêu chuẩn về môi trường, trình độ công nghệ sản xuất, xử lý chất thải, giải pháp tận thu, sử dụng, tái chế chất thải, giảm thiểu phát thải… Nhiều nước còn áp dụng rào cản này như một công cụ để đánh thuế lên sản phẩm.
Theo nhiều chuyên gia, rào cản này về lâu dài sẽ được áp dụng triệt để và rộng khắp trên thế giới, cộng với nhận thức của người tiêu dùng ngày càng được nâng cao theo hướng quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, thì những DN nào không đáp ứng được yêu cầu “xanh” chắc chắn sẽ bị loại khỏi thương trường. Bộ Công Thương khuyến cáo các sản phẩm như: thiết bị điện, gỗ, sản phẩm cao su, phân bón, thực phẩm, dệt may, thép, hoá chất, thuỷ sản… sẽ chịu nhiều tác động nhất từ rào cản trên. Do đó, việc chủ động cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất bảo vệ môi trường là bước đệm tốt nhất cho các DN để xoá bỏ “rào cản xanh”. Một DN có nhiều mối quan hệ tốt với xã hội và môi trường sẽ tạo được thế mạnh trong cạnh tranh, được đối tác tin tưởng trong các mối quan hệ thương mại.
Nhưng để tiến tới việc sản xuất nhưng vẫn bảo vệ tốt môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, DN không thể không cần đến các nhà chuyên môn, các dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp để đạt được hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Thời gian gần đây, nhiều đơn vị, DN chuyên hoạt động trong lĩnh vực môi trường đã ra đời đáp ứng nhu cầu này. Trong số ấy phải kể đến Cty TNHH Tân Đức Thảo - một trong những DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tái chế sơn và dung môi xử lý chất thải, tư vấn và cung cấp dịch vụ môi trường với trọng tâm là quản lý nước thải. Giám đốc Cty Trần Văn Đức khẳng định: “Mọi hoạt động của Tân Đức Thảo đều gắn liền với công cuộc bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm, góp phần tạo ra một môi trường trong lành, xanh - sạch - đẹp cho DN và cộng đồng”. Từ khi thành lập cho đến nay (từ năm 2001), Tân Đức Thảo đã tư vấn, xử lý môi trường cho hàng trăm DN, có nhiều DN tên tuổi như: Cty WMEP (Đồng Nai), Cty Dutch Lady (Bình Dương)… Được biết năm 2008, Cty đã tiến hành triển khai thêm 2 dự án lớn mấy chục tỷ đồng trong lĩnh vực môi trường tại khu công nghiệp phía Nam.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của một vài DN như Tân Đức Thảo sẽ chỉ như “hạt muối bỏ bể” nếu như bản thân các DN sản xuất khác chưa thực sự nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Theo ông Soren Petersen - Đại diện Văn phòng Liên Hiệp quốc tại VN, hiện nhiều tập đoàn, DN lớn trên thế giới đều lên kế hoạch phát triển dựa trên nền tảng phát triển thiên niên kỷ của quốc gia hoặc của cộng đồng thế giới, trong đó có sự lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Đây chắc chắn là xu hướng phát triển bền vững chung của thế giới mà DN VN không thể tách rời.
Hanoinet
|