Sẽ có nhiều con chip "made in VN"
Đã có người xây nhà máy, người thiết kế chương trình dạy trong trường đại học và cũng đã có chip "made in VN" đưa đi dùng thử. Một ngành công nghiệp mới - ngành công nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn - đang manh nha hình thành.
Theo ông Võ Hữu Hải - tổng giám đốc Công ty TNHH Bán dẫn VN (VSMC), nếu làm tập trung, sau 5-7 năm VN có thể xây dựng được ngành công nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn.
Chip "made in VN"
Công ty Arrivetechnologies do anh Trịnh Xuân Lạc, Việt kiều Mỹ, cùng hai người Mỹ sáng lập đã góp mặt trong "làng" thiết kế và sản xuất chip thế giới từ năm 2001 tại California, Mỹ. Một năm sau anh về VN mở chi nhánh tại TP.HCM và xây dựng đội ngũ thiết kế, đến năm 2006 đã tung ra thị trường "con" AT4848 multiservice ADM system-on-a-chip, sau đó là "con" Europa dùng trong lĩnh vực truyền tải cáp quang. Theo anh Lạc, cả hai "con" chip này đều giúp truyền tải dữ liệu nhanh hơn, tiết kiệm hơn.
Ngày cuối cùng của năm Đinh Hợi, một lãnh đạo của VSMC hồ hởi thông báo "con" chip của công ty đã hoàn tất công đoạn gia công tại Đài Loan và đang tiếp thị ở Mỹ và châu Âu.
Ông Hải cho biết: "Đã đưa chip đến các hãng điện thoại di động như Nokia và Siemens dùng thử. Trên thế giới chỉ có hai công ty làm chip này là VSMC và Công ty Fyrestorm ở Mỹ. Nhưng chip "made in VN" giúp các thiết bị di động tiết kiệm được đến 40% năng lượng. Tôi tin là trong 2-3 năm tới, trên một số thiết bị di động cầm tay sẽ có chip do VN sản xuất".
Năm 2000, ông Võ Hữu Hải từ Mỹ về nước theo lời kêu gọi giúp phát triển công nghệ cao cho nước nhà. Năm 2006 VSMC được thành lập qua sự bắt tay giữa công ty của ông Hải ở Mỹ và Công ty Chíp Sáng do ông Phạm Chánh Trực - nguyên trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM - sáng lập. "Mọi người cứ nghĩ làm chip là cái gì đó cao siêu. Chỉ cần vài ba kỹ sư chính - những người này sẽ thu hút anh em Việt kiều về rồi huấn luyện thêm cho các sinh viên vừa ra trường thuộc ngành điện, điện tử hay viễn thông là có thể làm chip" - ông Hải nói.
VSMC hiện chỉ có 27 kỹ sư cùng làm việc với ba kỹ sư thiết kế vi mạch là Việt kiều từ Mỹ về. Chỉ căn phòng thiết kế toàn là máy tính, ông Hải giải thích: "Đây là mô hình công ty "không nhà máy" vốn khá phổ biến ở Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... nhưng sản xuất hàng có giá trị gia tăng cao".
Cửa nào cho chip VN?
"Tổng số thiết bị cầm tay được sản xuất trên toàn thế giới năm 2007 khoảng 2 tỉ cái. Chúng ta chỉ cần chiếm 5% là đã "ngon ăn" rồi!" - ông Hải nói. Theo ông Hải, Nhật Bản cũng chỉ mới bắt đầu nhảy vào lĩnh vực này 20 năm mà bây giờ đã là nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Hàn Quốc cũng bắt đầu chưa lâu nhưng bây giờ đã kiếm mỗi năm hàng tỉ USD! Ông Hải tự tin: "Chúng ta đi sau nhưng vẫn còn chỗ, miễn đừng đối đầu trực diện với những "ông lớn". Thị trường còn bao la lắm".
Tiến sĩ Phạm Năng Tùng, chuyên gia thiết kế vi mạch Công ty Qualcomm (Mỹ), cho rằng hiện nay chip hiện diện khắp nơi từ những thiết bị gia dụng đến đồ chơi trẻ em và sản phẩm chuyên dụng, nên VN cần nhanh chóng phát triển ngành công nghiệp giàu tiềm năng này. "VN hiện thiếu chuyên môn trong thiết kế vi mạch và khó xây dựng trong 1-2 năm. Nhưng may mắn là đội ngũ Việt kiều có đủ khả năng lấp vào lỗ hổng này. Nếu VN không tận dụng được nguồn nhân lực này là lãng phí rất lớn".
Làm như thế nào?
Theo tiến sĩ Tùng, Chính phủ nên cho vay vốn hoặc cùng đầu tư vào những công ty này bởi chúng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho xã hội. Ông Hải cho rằng VN nên học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc và Malaysia trong việc đầu tư cho ngành công nghiệp này. "Tôi nhớ không lầm là ở Malaysia, cứ một công ty thiết kế vi mạch bán dẫn được thành lập thì chính phủ góp vào 1 triệu USD" - ông Hải nói.
Tiến sĩ Đặng Lương Mô, cố vấn giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, khẳng định: "Sự nghiệp công nghiệp hóa sẽ khó hoàn thành nếu bỏ qua vi mạch". Cho rằng chọn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là đúng hướng, nhưng ông Hải cho rằng trước mắt phải tập trung vào năng lượng chứ không nên dàn trải. Bởi, theo ông Hải, năng lượng đang là vấn đề nóng bỏng và có nhu cầu rất lớn. "Nghiên cứu thiết kế chip về quản lý năng lượng, pin năng lượng mặt trời, pin dùng cho xe điện... chắc chắn sẽ gặp ngay nhu cầu của thị trường" - ông Hải nhận định.
Mở rộng cửa cho nhà đầu tư
Ông Nguyễn Đình Mai - trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM - cho biết hiện ở đây có những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư ngành vi mạch bán dẫn như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp bốn năm đầu, giảm tiếp 50% cho chín năm sau và nếu doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) thì thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10% cho suốt đời dự án. Theo ông Mai, về giá thuê đất tùy dự án sẽ có những ưu đãi riêng do UBND TP.HCM quyết định.
Chip đầu tiên
Chip SigmaK3 do Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), Đại học Quốc gia TP.HCM, thiết kế đã "trình làng" hôm 16-1. SigmaK3 được ứng dụng để điều khiển quang báo và robot tự hành. Theo các chuyên gia, sự xuất hiện của chip vi xử lý SigmaK3 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, tuy nó chỉ mới dừng ở mức độ nghiên cứu chứ chưa được thương mại hóa.
tt
|