Những dự báo đáng lo ngại về giá
Tháng 12/ 2007, chỉ số giá tiêu dùng đạt 2,91%, vượt xa các dự báo của các nhà chuyên môn và cao nhất so với các tháng 12 của nhiều năm gần đây, như một lời cảnh báo về sự trượt giá dài của năm 2008.
Tháng 1/ 2008, chỉ số giá tiêu dùng được cơ quan hữu trách đưa ra là 2,38%, tăng hơn mức tăng giá cao ngất ngưởng của tháng cuối năm trước tới mức ấy đã là dấu hiệu đáng lo ngại. Hơn thế, cũng là năm tăng cao nhất trong tháng 1 tính từ 1996 tới nay, nhưng điều quan ngại hơn là trên thực tế giá tất cả các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng cao, nhiều mặt hàng tăng tới 30%. Những ngày đầu tháng 2 (giáp Tết) và cả trung tuần tháng 2, nhiều mặt hàng càng tăng giá.
Thực ra, những dự báo từ cuối năm trước đã cảnh báo năm 2008 giá cả nhiều mặt hàng sẽ tăng cao, không chỉ trong mùa kinh doanh tết (tháng 12 năm trước và tháng 1, 2 năm sau) và không chỉ ở VN. Các chuyên gia kinh tế thế giới đã nhận định, năm 2008 sẽ chứng kiến sự tăng giá của hàng loạt mặt hàng trên bình diện toàn cầu, ở nhiều mặt hàng thiết yếu.
Trước hết về gạo, do tình trạng mất mùa lúa này, nhiều nơi phải dùng gạo nên giá gạo ngay từ cuối năm trước đã tăng cao. Nhiều năm trước, giá gạo 25% tấm của ta bán được 160- 170 USD/ tấn đã là mừng; nay có thể bán tới 300 USD/ tấn. Đợt rét lạnh và bão tuyết hoành hành ở nhiều nơi, nhất là ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng gạo. Ngay ở Việt Nam, rét hại kéo dài nhiều ngày qua đã ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp vụ xuân hè. Và chỉ riêng 2 nước có gạo xuất khẩu này bị ảnh hưởng thì cung cầu gạo thế giới sẽ bị tác động. Có thể khẳng định, lúa gạo thế giới năm 2008 sẽ tăng. Điều này có nghĩa, việc xuất khẩu gạo của các DN cần được tính toán để lúc giá cao nhất hãy bán, chứ đừng ồ ạt bán ngay từ đầu năm, giá chưa cao nhất. Trong nước, đương nhiên giá gạo sẽ nhích lên.
Về dầu thực vật: Giá dầu thực vật năm 2008 được các chuyên gia dự báo là sẽ tăng do nhu cầu nhiên liệu sinh học tăng cao và đất trồng bị cạnh tranh bởi các cây công nghiệp khác. Giá dầu cọ Malayxia sẽ tăng đến 3.000 ringit/tấn, dầu đậu tăng đến 1.000USD/tấn vào quý 2/2008. Các loại dầu hạt cải, dầu hướng dương đều tăng cao. Ở thị trường VN, giá dầu ăn đã tăng tới 170.000đ/can 5 lít vào trước tết, một mức tăng làm chóng mặt người nội trợ. Sự tăng cao giá dầu trên toàn cầu sẽ làm giá dầu nội địa tăng cao.
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cũng vừa đưa ra dự báo tăng giá một loạt nông sản khác như cà phê, hạt tiêu, cao su, bông… Trong đó, cà phê do nguồn cung ở Brazin giảm, Indonexia phải nhập 60.000 tấn cà phê trong quý 1/2008, dự trữ cà phê thế giới giới giảm xuống mức thấp nhất nên giá cà phê sẽ tăng ít nhất là hết quý I/ 2008. Hạt tiêu thế giới sẽ khan hiếm nguồn cung năm nay do sản lượng niên vụ 2007/ 2008 giảm 15-20%, nhu cầu tăng 3- 4%, khả năng thiếu hụt nguồn cung 47.500 tấn nên giá hạt tiêu còn tăng. Giá cao su thiên nhiên năm 2008 được dự báo sẽ là 3 USD/kg so với 2,5 USD/kg so với 2,5USSD/kg cuối năm trước. Cao su thiên nhiên thậm chí sẽ còn thiếu hụt cho tới năm 2012.
Mặt hàng được cả thế giới theo dõi từng giờ là dầu thô, xem ra dầu chịu tác động của rất nhiều yếu tố từ thời tiết đến chính trị. Đầu năm 2008, cả thể giới đã một phen hoảng loạn bởi một nhà đầu tư chơi ngông mua 1.000 USD/ thùng với số lượng chỉ 1.000 thùng. Nhưng đợt giá lạnh đã tràn đến dài ngày vừa qua và sắp tới ở Mỹ và Trung Quốc cũng là một dấu hiệu đáng lo ngại. Một tác động đang được thế giới theo dõi là quan hệ Venezuela với Mỹ cũng khiến thị trường dầu dễ bị tác động. Nhìn chung, các nhà dự báo đều thống nhất, nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới sẽ tăng trung bình 2,2 triệu thùng/ngày năm 2008 so với 1,5 triệu thùng/ngày của 2007 và giá dầu phụ thuốc rất nhiều vào nguồn cung từ OPEC. Nhiều người vẫn cho rằng, giá dầu sẽ vượt mức 1.00 USD/ thùng vào năm nay. Trong nước, Nhà nước nếu không quản lý sát sao tình hình thị trường và can thiệp kịp thời bằng thuế, phụ thu thì biến động giá xăng dầu là khó tránh.
Năm 2007, người tiêu dùng đã chứng kiến sự tăng vọt của giá thép khi giá bán có lúc tới 14- 15 triệu đồng/ tấn. Năm nay, hãng đánh giá tín dụng thế giới Fitel dự kiến giá thép tăng trên hầu hết thị trường và mức tăng trung bình 30- 50 USD/ tấn do chi phí tăng và nhu cầu tăng mạnh từ Trung Quốc. Trong nước, nhu cầu phát triển hạ tầng đang tăng cao cũng sẽ khiến giá thép chịu sức ép mạnh, trong lúc đó khả năng sản xuất thép trong nước hạn chế sẽ là một vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý khi muốn kéo giá xuống.
Những diễn biến vừa qua và dự báo từ trên thế giới khiến nhiều người nhận định: nếu Nhà nước không có các biện pháp mạnh mẽ kiểm soát thị trường thì năm nay chỉ số lạm phát ở VN sẽ khó dưới 2 con số.
Hanoinet
|