Chưa ra đời cũng được đăng ký thuê bao trả trước
"Không có tuổi", "đã mất họ", "vừa mới sinh"... những thông tin cá nhân này đều được chấp nhận khi gửi đến số 1414. Sau gần 2 tháng "trói" thuê bao trả trước, có khoảng 5 triệu khách hàng đăng ký, song không nhà khai thác nào dám chắc đó là thông tin chuẩn.
Chiều qua, trong lúc rỗi rãi, chị Huyền, chủ nhân số thuê bao 098 liền thực hiện nghĩa vụ khai báo thông tin cá nhân cho dịch vụ di động trả trước mà chị đang sử dụng. Trong phút sơ ý, chị bấm nhầm năm sinh. Thay vì ngày 14/03/1982 thì chị lại biến thành 2008, tức là 1 tháng nữa, chị mới "ra đời". Thế mà khi gửi đến số 1414, tổng đài vẫn chấp nhận với nội dung tin nhắn trả lời: "Chúc mừng quý khách đã thay đổi thông tin thành công. Trân trọng cảm ơn quý khách đã lựa chọn, sử dụng dịch vụ di động trả trước của Viettel Telecom".
Chị đăng ký luôn số máy của ông xã với nội dung "Khong co tuoi. 14032008.1234567892", tổng đài vẫn chấp nhận. "Tôi ủng hộ cách thức quản lý thuê bao trả trước nhằm ngăn chặn nạn quấy rối qua điện thoại di động. Tuy nhiên, cách quản lý kiểu cho có như thế này thì không thể chấp nhận", chị Huyền nói.
Do việc đăng ký thông tin chiếu lệ, nên không chỉ các thuê bao đang hoạt động mà ngay cả khách hàng mới cũng được chủ đại lý đứng tên hộ, hoặc không cần xuất trình chứng minh thư vẫn được đăng ký sử dụng dịch vụ. Chị Mai chủ nhân số thuê bao 094 kể hôm 26 Tết, chị mua một số điện thoại mới theo hình thức khuyến mãi của VinaPhone để về quê dùng tạm. Người bán hàng cũng hỏi họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư... Do quá vội và cũng không nhớ số chứng minh thư nên chị khai đại một dãy số. Nhân viên cửa hàng sau thao tác nhỏ vẫn chấp nhận và mở dịch vụ cho chị.
Chị Mai cho hay một vài người bạn của chị còn khai họ tên của mình là "Tôi không biết" hay "Đã sinh đâu"... đều được tổng đài 1414 chấp nhận.
Trao đổi với VnExpress, một quan chức của VinaPhone thừa nhận: "Đây là kẽ hở mà quy định về đăng ký thuê bao trả trước đã không lường tới". Ông cho hay quy chế quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra không có hướng dẫn về cách thức nhận biết mã số hộ chiếu hay chứng minh thư nhân dân, nên nhà khai thác dịch vụ thực hiện theo cách thức sai đâu thì sửa đấy.
Vị quan chức này cho hay khách hàng đã từng phản ánh về chuyện khai báo 300 tuổi, hoặc chưa đến nửa tuổi. Tuy nhiên, VinaPhone đã ra giới hạn về độ tuổi, trong đó trẻ nhất là 14 tuổi và già nhất là 108 tuổi. Theo đó, với những người dưới 14 tuổi sẽ phải có người lớn đứng ra bảo đảm việc khai báo thông tin, còn nếu vượt quá 108 tuổi (tức sinh năm 1900) sẽ bị hệ thống gạt ra và yêu cầu khai báo lại.
Sau gần 2 tháng thực hiện việc quản lý thuê bao trả trước, mạng này có gần 1 triệu khách hàng đăng ký, trong đó, hơn một nửa là khai báo qua hệ số 1414. Tuy nhiên, VinaPhone cũng không dám chắc thông tin khách hàng khai báo là "chuẩn".
Một quan chức của Viettel Telecom tiết lộ, hệ thống chỉ có thể lọc được giới hạn về độ tuổi, còn với các tin nhắn có nội dung kiểu "Tôi không biết", "Không có tuổi" hay "Đã sinh đâu"... thì không thể kiểm soát được.
Theo ông, đây là giai đoạn tập dượt, do vậy hầu hết các nhà khai thác đều xác định làm theo hình thức "hậu kiểm". Khách hàng cứ khai báo thông tin cá nhân, sau này khi kho dữ liệu do phía cơ quan công an cung cấp liên quan đến số hộ chiếu, chứng minh nhân dân... những thuê bao đăng ký sai sẽ bị yêu cầu khai báo lại. "Trong lúc chưa xây dựng được kho dữ liệu để đối chứng, việc quản lý dựa trên cơ sở chủ thuê bao tự khai báo và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin mà mình đưa ra", vị quan chức này nói.
Giám đốc Công ty Thông tin di động VMS - MobiFone - Lê Ngọc Minh cho hay công ty sẽ có biện pháp kỹ thuật để các thông tin khách hàng được đảm bảo đúng định dạng, chứ không để xảy ra tình trạng khai báo thế nào cũng được. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, việc kết nối cơ sở dữ liệu chứng minh thư, số hộ chiếu với Bộ Công an chưa được thực hiện nên trước mắt vẫn bắt buộc phải dựa vào sự tự giác của khách hàng.
vne
|