Bắc Ninh tạo bước đột phá về thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Bắc Ninh hiện là một trong 15 tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Năm 2007, tỉnh Bắc Ninh thu hút được 41 dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 475,33 triệu USD. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh có 110 dự án và văn phòng đại diện có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 1,041 tỷ USD.
Năm qua, hoạt động thu hút đầu tư tại Bắc Ninh diễn ra khá sôi động, thu hút được những nhà đầu tư có tiềm năng từ nước ngoài như: Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP Bắc Ninh), Tập đoàn tài chính ORIX Nhật Bản, Tập đoàn Hon Hai Foxconn Group Ðài Loan... Ðặc biệt, Tập đoàn tài chính Hàn Quốc IGS đầu tư hạ tầng khu công nghiệp - đô thị Nam Sơn - Hạp Lĩnh với số vốn khoảng 1,5 tỷ USD, có khả năng thu hút khoảng 400 nhà đầu tư thứ cấp từ Mỹ, Hàn Quốc, giải quyết việc làm cho khoảng 150 nghìn - 200 nghìn lao động. Công ty Funing precision (Tập đoàn Foxcom - Hồng Hải) có tổng số vốn 80 triệu USD, Tập đoàn Tenma (Nhật Bản với số vốn 30 triệu USD, Công ty Fujikin Việt Nam với tổng số vốn 50 triệu USD... Quy mô vốn đầu tư bình quân đạt 12,6 triệu USD. Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về đầu tư vào Bắc Ninh với tám dự án, tổng vốn đăng ký dự án 83 triệu USD.
Từ sau khi Tập đoàn Canon đầu tư vào khu công nghiệp Quế Võ và khu công nghiệp Tiên Sơn, với số vốn đăng ký 130 triệu USD, đã thu hút thêm nhiều công ty vệ tinh từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc, Ðài Loan... xây dựng nhà máy cung cấp linh kiện cho Canon, với số vốn đăng ký hơn 100 triệu USD, trong đó có những nhà đầu tư lớn như Mitac, vốn đầu tư 33 triệu USD; Toyo Ink Compounds 17 triệu USD. Ðáng chú ý, nhiều dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ điện tử, viễn thông với tổng số vốn hàng tỷ USD.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp của các dự án FDI liên tục tăng với tốc độ từ 30%/năm trở lên: Năm 2006 đạt 2.242,8 tỷ đồng, tăng 48,6% so với năm 2005 và chiếm 26,3% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Thu nộp ngân sách của khu vực này cũng tăng cao, giai đoạn 2001 - 2005 đạt 240,5 tỷ đồng; năm 2006 đạt 135,2 tỷ đồng, tăng 93,1% so với kế hoạch, chiếm 13,1% tổng số thu ngân sách của cả tỉnh. Nhiều doanh nghiệp có giá trị sản lượng công nghiệp và số thu nộp ngân sách liên tục tăng cao như Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi và nông nghiệp EH, Công ty TNHH hương gia vị Sơn Hà, Công ty liên doanh Shining...
Một trong những nguyên nhân tạo nên bước "đột phá" về thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài là tỉnh đã triển khai đồng bộ "cơ chế một cửa". Các cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh quản lý các dự án FDI như Ban quản lý các khu công nghiệp, Sở Kế hoạch và Ðầu tư đã bố trí cán bộ chuyên trách có năng lực, có kinh nghiệm cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư, hướng dẫn lập hồ sơ, giải quyết các thủ tục nhanh gọn. Ban quản lý các khu công nghiệp thực hiện cơ chế "một cửa, tại chỗ", giảm thời gian thẩm định, cấp giấy phép đầu tư xuống còn 3 - 7 ngày. Khi có dự án đầu tư, Ban tiếp nhận hồ sơ rồi gửi đến các cơ quan chức năng xem xét hẹn ngày để nhà đầu tư tiếp xúc trực tiếp thảo luận, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế, rồi cấp giấy phép trong ngày. Sở Kế hoạch và Ðầu tư thực hiện "một cửa" trong việc cấp giấy phép đầu tư, giải quyết các thủ tục hành chính sau khi cấp giấy phép, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án, sớm đi vào sản xuất, kinh doanh như chuẩn bị mặt bằng, tạo hạ tầng cơ sở hiện đại... Với cách làm này đã giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong việc thẩm định dự án, được các nhà đầu tư đồng tình.
ND
|