“Nếu không lãng mạn, sẽ khó thành công”
Làm việc và hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước mua bán nợ nước ngoài, tham gia xây dựng Ban phát triển thị trường vốn tiền thân của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… và hiện giữ cương vị cố vấn cho Ngân hàng Đầu tư CLSA trong hệ thống Credit Argicole (Pháp), Lê Trọng Nhi được nhiều người biết đến với tư cách là một chuyên viên có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng.
Ấn tượng đầu tiên về người đàn ông sinh năm 1954 này là vẻ ngoài trẻ trung đến… giật mình. Ấn tượng thứ hai: tuy về làm việc tại Việt Nam từ năm 1990 nhưng khả năng diễn đạt bằng tiếng Việt của ông phần nào vẫn còn hạn chế. Cuộc trò chuyện bắt đầu bằng dự án khu vườn "Tình yêu và hòa bình", rộng 25 ha tại thành phố Đà Lạt được khởi công vào trung tuần tháng 12 vừa qua. Ông nói:
- Năm 1994, trên đường về Việt Nam, tôi có ghé thăm một khu vườn rất đẹp ở thành phố du lịch vùng Tây Bắc của Canada. Khi bế đứa con đầu lòng đi trong khu vườn đó, tự nhiên tôi thấy bình an và hạnh phúc. Tôi thấy tình yêu hiện hữu quanh mình. Tôi cảm nhận rất rõ sự thiêng liêng của tình yêu mà mình dành cho con.
Rồi ký ức về lần đầu tiên tôi đến Đà Lạt năm 1968 quay lại với tôi như một cuộn phim quay chậm. Năm đó tôi 15 tuổi, chưa yêu nhưng đã có những rung động đầu đời. Ý niệm về một khu vườn bắt đầu phôi thai, theo chân tôi về Việt Nam và thành hình vào tháng 7/1994.
Từ lúc thành hình đến khi chính thức khởi công khu vườn vào trung tuần tháng 12, tính ra cũng đã 13 năm một quãng thời gian khá dài. Dường như ông là người khá thận trọng?
Tôi làm khu vườn này trước hết là để thỏa mãn nhu cầu (hoài vọng) cá nhân. Khi hoàn tất, khu vườn sẽ là nơi giúp tôi tìm lại sự cân bằng và sạc pin để tiếp tục cho những công việc mới. Tôi nghĩ rằng bây giờ là thời điểm chín muồi để thực hiện dự án này. Ngoài những vấn đề về tài chính, con người… tôi còn phải nghĩ đến nhu cầu của xã hội yếu tố đôi khi chỉ phát sinh khi xã hội phát triển đến một mức độ nhất định.
Có thể hình dung như thế nào về khu vườn "Tình yêu và hòa bình"?
Khu vườn sẽ được chia thành nhiều mảng nhỏ, thiết kế và bài trí theo chủ đề bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Chẳng hạn, những lối và nẻo đi sẽ mang tên những bài hát, bài thơ, cuốn sách. Tôi hy vọng khu vườn này sẽ trở thành một nơi để người ta bày tỏ và nuôi dưỡng tình yêu. Người ta có thể làm lễ thành hôn, hưởng tuần trăng mật, tổ chức tiệc kỷ niệm ngày cưới… hoặc đơn giản là có thêm một nơi chốn để hẹn hò và gìn giữ kỷ niệm.
Ngoài ra còn có những sinh hoạt văn hóa được tổ chức thường xuyên như chương trình hòa nhạc, cuộc triển lãm tranh, buổi nói chuyện về văn học, thi ca… Tình yêu và hòa bình là hai đề tài thể hiện khát vọng muôn thuở của loài người.
Lúc tôi còn trẻ, đất nước ta có nhiều bất ổn. Đặt tên cho khu vườn là "Tình yêu và hòa bình" cũng là một cách tôi gửi gắm mơ ước thời trai trẻ. Sau 14 tháng nữa, công trình này sẽ khánh thành giai đoạn 1 và hoàn tất trong khoảng thời gian bốn năm.
Lúc đó nghỉ hưu là vừa?
Tôi không thích khái niệm về hưu. Cứ túc tắc, không làm việc này thì tôi làm việc khác, chứ không ở yên.
Có vẻ như ông dành khá nhiều tâm huyết cho dự án đầu tiên của riêng mình. Liệu sự khởi đầu của ông có thể được xem như là dự án cuối cùng?
Khu vườn là điểm bắt đầu mới nhưng chắc chắn nó không phải là dự án cuối cùng. Thương trường biến đổi không ngừng, mỗi ngày chúng ta lại tiếp cận thêm những thông tin mới và trong đó có cả những cơ hội.
Tôi đang lên kế hoạch kêu gọi thêm bạn bè thành lập một quỹ đầu tư phát triển du lịch và khu vườn này chính là một tiền đề. Chúng ta đã có những quỹ đầu tư về bất động sản, tài chính, công nghệ thông tin… nhưng mảng du lịch hiện vẫn còn bỏ trống.
Cảm giác từ làm thuê sang làm chủ như thế nào, thưa ông?
Tôi thấy không có gì khác biệt đáng kể. Ngay cả khi đi làm thuê thì cũng vẫn phải làm chủ bản thân, suy nghĩ và tự chịu trách nhiệm về những công việc mà mình được giao.
Làm việc trong môi trường ngân hàng và tài chính mang lại cho tôi cơ hội tiếp xúc với nhiều loại người trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bởi ngành nghề nào cũng ít nhiều dính líu đến tài chính và ngân hàng. Vì vậy, trong một chừng mực nhất định, tầm nhìn của mình bao quát hơn và sâu hơn. Tôi thiết nghĩ vậy.
Người ta nói những người làm việc với những con số thường khô khan nhưng xem ra, ông là người rất lãng mạn?
Tôi không nghĩ những người làm ngân hàng lại kém lãng mạn. Một người thầy của tôi có nói rằng lãng mạn và ít thực dụng là hai phẩm chất mà những người làm ngân hàng nhất thiết phải liên tục trau dồi.
Tại sao?
Thực ra khi mới nghe ông ấy nói, tôi cũng chưa hiểu hết. Trong quá trình làm nghề, tiếp xúc va chạm nhiều, tôi mới tin. Ví dụ, khi khách hàng đến ngân hàng vay tiền, quan hệ giữa người đi vay và người cho vay chỉ thể hiện trên hợp đồng. Sau khi ký tên, chủ ngân hàng giao tiền với niềm tin rằng khách hàng sẽ trả lại cho mình vào một thời điểm được ấn định trong tương lai.
Giả sử đến hạn, khách hàng không có khả năng thanh toán, ngân hàng buộc phải phát mãi tài sản (nếu là vay thế chấp). Nghĩa là để thu hồi lại khoản đã cho vay, ngân hàng ít nhiều cũng phải tiêu tốn thời gian và chi phí. Nếu không lãng mạn và ít thực dụng, người làm ngân hàng sẽ không hoặc khó thành công để thực hiện giao dịch qua tờ giấy hợp đồng.
Đã khi nào sự lãng mạn khiến ông mất tiền?
Có chứ, mới đây thôi. Mỗi lần như vậy lại giúp mình cẩn thận hơn.
Và cũng bớt lãng mạn hơn?
Không. Vật chất mất đi còn có thể làm lại được nhưng lãng mạn là một phần của đời sống tâm hồn, không có khả năng tái tạo. Tôi không nghĩ rằng đánh đổi sự lãng mạn là xứng đáng.
Còn yếu tố thứ hai. Điều gì sẽ xảy ra nếu người ta “nhiều” thực dụng?
Ngân hàng nói riêng và lĩnh vực tài chính nói chung là môi trường đầy cám dỗ. Tiếp xúc với đồng tiền hàng ngày, con người ta rất dễ sa ngã. Thời gian vừa qua có một số công ty chứng khoán bị phạt. Tuy nhiên, với cách xử phạt như hiện nay thì sẽ còn nhiều nhà đầu tư tiếp tục bị móc túi. Ở nước ngoài, những công ty kinh doanh chứng khoán bất minh như vậy chắc chắn sẽ bị rút giấy phép hành nghề.
Ông đánh giá thế nào về thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay?
Thị trường chứng khoán của chúng ta còn có nhiều khập khễnh. Sự phối hợp giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính, Sở Giao dịch Chứng khoán và Ngân hàng Nhà nước bốn đơn vị chi phối trực tiếp hoạt động của thị trường chứng khoán vẫn chưa đồng bộ. Tuy nhiên, tôi tin rằng trong trung hạn, thị trường chứng khoán của chúng ta vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Thời gian gần đây khá nhiều các ngân hàng ngoài quốc doanh xuất hiện. Là một người nhiều năm hoạt động trong hệ thống ngân hàng, ông nghĩ sao?
Nhìn vào hoạt động của hệ thống ngân hàng, người ta có thể dự đoán được sức khỏe nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng không hoàn toàn đồng nghĩa với việc nền kinh tế khỏe mạnh, điều quan trọng là cấu trúc của nền kinh tế có tốt hay không? Tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc rất đáng nể, hiện họ có khoảng trên dưới 100 ngân hàng. Mỹ có trên 3.000 ngân hàng còn Thái Lan có mười mấy ngân hàng.
Theo tôi, hệ thống ngân hàng của chúng ta chưa mang nhiều tính đại chúng. Nhiều người vẫn xem ngân hàng như một cái gì đó rất ghê gớm. Khi nền kinh tế tự do hóa, người dân phải xem việc đi vô ngân hàng như vô tiệm phở. Về bản chất, ngân hàng cũng chỉ là một địa chỉ cung cấp dịch vụ.
Vậy còn sự minh bạch thì sao, thưa ông?
Ngân hàng là một định chế, khác với công ty. Vì vậy, hệ thống ngân hàng càng minh bạch chừng nào càng tốt chừng đó bởi yếu tố này giúp sự vận hành của ngân hàng không bị gián đoạn khi gặp phải những xáo trộn. Những công việc đã được định chế hóa thì cứ tự động chạy, cho dù người lãnh đạo là ai.
Thực tế là các giao dịch ngân hàng của chúng ta hiện nay vẫn sử dụng con dấu trong khi ở các nước phát triển người ta đã bỏ từ lâu. Thêm nữa, con dấu giống như chữ ký thứ hai của người lãnh đạo, quyết định giao dịch có hiệu lực. Vậy nên, nếu lãnh đạo vắng mặt hoặc tệ hơn là không may làm mất con dấu thì toàn bộ hệ thống ngừng hoạt động.
Ngoài sự mở rộng của mạng lưới ngân hàng, những năm gần đây đã xuất hiện một làn sóng các quỹ đầu tư ồ ạt đổ vào Việt Nam. Ông nhận định thế nào về vai trò của các quỹ này đối với nền kinh tế?
Tôi cho rằng cần một cái nhìn tỉnh táo về vai trò của các quỹ đầu tư. Thực tế là nhiều người nhìn đồng vốn đầu tư vẫn còn khá khắt khe. Đồng vốn là công cụ, người ta sử dụng vào mục đích tốt thì nó tốt và ngược lại.
Cũng giống như súng đạn, người xấu có thể sử dụng vào mục đích tiêu cực là gieo rắc chiến tranh, người tốt lại sử dụng nó như một phương tiện để duy trì sự công bằng, bảo vệ cái thiện…
Nghĩa là có cả những quỹ đầu tư tích cực và không tích cực?
Trong ngành tài chính ngân hàng, luôn tồn tại những điểm đen. Những người làm việc trong ngành này có điều kiện tiếp xúc với đồng tiền thường xuyên, nếu không có bản lĩnh sẽ rất dễ sa ngã, nhất là trong bối cảnh hệ thống luật của chúng ta chưa hoàn thiện. Vì vậy, đạo đức của người lãnh đạo quỹ là rất quan trọng.
Năm 36 tuổi giai đoạn được xem là chín của sự nghiệp ông quyết định về nước. Có khi nào ông cảm thấy hối tiếc bởi nếu ở lại Mỹ, cơ hội phát triển nghề nghiệp của mình sẽ nhiều hơn?
Người phương Tây có một câu nói đùa giỡn như vầy: “Đừng tin những người đã quá ba mươi tuổi”, hàm ý rằng những người đã ngoài ba mươi tuổi mà chưa làm được gì thì kể như không còn triển vọng nữa. Tôi thích ngành kinh tế phát triển.
Những nền kinh tế có xuất phát điểm thấp khi tăng trưởng thì có nhiều khả năng tạo ra những biên độ dao động lớn. Mọi người sẽ có nhiều cơ hội hơn để khẳng định mình. Còn với những nền kinh tế đã phát triển như Mỹ, cơ hội được chứng kiến những cú bứt phá là rất hiếm hoi.
Ông có hài lòng về tốc độ tăng trưởng của nước ta trong những năm gần đây?
Tốc độ tăng trưởng của chúng ta đạt được có phần đóng góp đáng kể từ những đồng vốn rót từ nước ngoài vào. Thực lòng, tôi cảm ơn những đồng vốn. Tôi nghĩ việc sử dụng đồng vốn của chúng ta có hiệu quả đấy chứ, nếu không thì nước ta cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh bi đát như một số nước nghèo ở châu Phi. Tuy nhiên, thành thực mà nói thì hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng của nhiều người.
Ông nghĩ sao khi một người bạn thân của ông nhận định rằng ông chưa thành công kể từ khi về Việt Nam làm việc?
Nhận xét đó vừa đúng và vừa chưa đúng. Tôi về làm việc tại Việt Nam cũng đã 18 năm nhưng khu vườn ở Đà Lạt là dự án chính thức đầu tiên rất riêng của tôi. Trước đây năm năm tôi vẫn chỉ là một chuyên viên và chuyên gia trong ngành tài chính ngân hàng. Tôi nghĩ khởi nghiệp khi tuổi đã ngoài ngũ thập là hơi muộn màng nhưng tôi tin vào sự lựa chọn của mình.
Ông đã từng viết hai bài đăng báo để bàn có một chuyện “thừa USD”. Vậy theo ông, đâu là hướng giải quyết cho vấn đề này?
Tôi không muốn nhắc lại chi tiết những gì mình đã viết. Chữ “thừa”, theo cách hiểu của tôi, là dư. Một đất nước đang khát vốn như chúng ta thì không thể có chuyện thừa tiền. Cốt lõi của vấn đề, theo tôi, là sự mất cân bằng của hệ thống tiền tệ. Thủ tướng cũng đã chỉ ra nguyên nhân là chúng ta thiếu quản lý, thiếu tầm nhìn…
Để giải quyết vấn đề, trước hết chúng ta cần phải can đảm nhìn đúng bức tranh thực để gọi đúng bản chất sự việc. Màu đỏ phải kêu là màu đỏ, màu xanh kêu là màu xanh, không lập lờ, né tránh. Có nhìn đúng mới biết chúng ta có gì, cần gì và phải làm những gì.
Ông là người nóng tính?
Có những lúc nóng tính và cũng có những lúc cần phải nóng tính. Không, phải gọi là sự giận dữ mới chính xác.
Liệu điều đó có ảnh hưởng đến công việc?
Tôi nghĩ là có nhưng sự giận dữ của tôi không xuất phát từ những xung đột cá nhân, mà là từ sự việc. Nhưng giận xong rồi thôi. Trong Kinh Thánh có một câu rất hay: “Đừng giận ai sau khi mặt trời lặn”. Trong nhiều trường hợp, giận dữ là cần thiết. Nếu không có sự giận dữ, làm sao đất nước chúng ta có thể đứng lên như ngày hôm nay. Tôi gọi đó là sự giận dữ tích cực.
Trong phần đầu của câu chuyện, ông có nói đến những lối đi trong khu vườn Tình yêu và Hòa bình sẽ mang tên những sáng tác của một số nhạc sĩ mà ông yêu thích. Phải chăng trong số này có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà có lần ông nói rằng thế hệ ông thích ca từ của người nhạc sĩ này?
Thế hệ thanh niên chúng tôi những năm 1970 chịu ảnh hưởng khá nhiều từ những ca khúc và ý niệm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chúng tôi tìm được sự đồng cảm trong âm nhạc của anh.
Ca từ mượt mà, buồn thương nhưng không bi lụy, âm nhạc Trịnh Công Sơn lan tỏa và lắng đọng trong lòng những thanh niên miền Nam khá sâu đậm, ít nhiều tác động tích cực đến thái độ sống của riêng tôi. Khá nhiều lời ca, câu hát đi vào đối thoại của chúng tôi một cách tự nhiên.
Doanh nhân Sài Gòn
|