Thứ Ba, 18/12/2007 11:40

Khai thác thị trường kiều hối: Chưa tương xứng tiềm năng

Trong khuôn khổ chương trình Eden Summit 2007 từ ngày 14 đến 16-12-2007 do Trung tâm Dịch vụ tài chính Eden thuộc Eden Group tổ chức, đã diễn ra cuộc hội thảo “Thị trường kiều hối Việt Nam - Chiến lược thu hút ngoại tệ qua các kênh chính thức”. Hội thảo nhằm tìm kiếm những giải pháp hiệu quả hơn nữa để thu hút dòng kiều hối chảy về nước ta.

Tăng trưởng ngoạn mục

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, lượng kiều hối chuyển về nước ta theo kênh chính thức mỗi năm mỗi tăng. Năm 1991 chỉ 35 triệu USD nhưng đến năm 2000 đạt gần 1,8 tỷ USD, năm 2005 lên hơn 4,4 tỷ USD, năm 2006 là gần 5 tỷ USD, năm nay dự kiến có thể lên tới 5,5 tỷ USD.

Trong giai đoạn 1991-2006, lượng kiều hối về nước ta khoảng 29,4 tỷ USD, bằng 70% vốn FDI của thời kỳ 1988-2006. Theo bà Nguyễn Thị Như Lý, Giám đốc điều hành khu vực Đông Dương của Western Union, cho biết trong năm 2006 con số kiều hối thực của ta xấp xỉ 5 tỷ USD. Nhưng theo tổ chức APAC thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thì con số thực phải lên tới 6,8 tỷ USD, xếp thứ 3 ở châu Á sau Trung Quốc và Philippines. Số kiều hối này chiếm tới 11,2% GDP, bằng 67% vốn FDI vào nước ta trong năm 2006.

Năm nay, tình hình thu hút kiều hối cũng rất khả quan. Tác nhân chính là nhờ sự tiến triển của TTCK, địa ốc… Những thị trường truyền thống về kiều hối nước ta vẫn là Hoa Kỳ, Australia, châu Âu… Các thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Trung Đông, Đài Loan đang tăng khá mạnh, chủ yếu là nhờ lượng lao động cũng như cô dâu người Việt ở các khu vực này ngày càng tăng đáng kể.

11 tháng năm nay, Eximbank thu hút được 320 triệu USD, dự kiến cả năm sẽ đạt 400 triệu USD. Cùng thời gian, Công ty kiều hối Sacomrex thuộc Sacombank đạt 840 triệu USD, dự kiến năm nay sẽ tăng trưởng 40%. Ngân hàng Đông Á, Á Châu thu hút kiều hối mạnh, có thể đạt mức tăng 40% so với năm trước. Incombank dự báo sẽ tăng khoảng 50% so với năm 2006…

Dự báo lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2007 sẽ đạt 5,5 tỷ USD, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng con số thực có thể lên đến 10 tỷ USD.

Tăng cường tiếp thị, nâng cao chất lượng

Theo bà Nguyễn Thị Như Lý, Giám đốc điều hành khu vực Đông Dương của Western Union, kiều hối góp phần giúp Việt Nam tăng lượng dự trữ ngoại tệ, giảm thiểu chi phí vay vốn, là công cụ giảm nghèo hiệu quả trong hoàn cảnh nước ta hiện nay.

Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu người sống ở nước ngoài, thị trường xuất khẩu lao động ngày càng tăng trưởng, xu hướng toàn cầu hóa thị trường lao động và nhóm DN vừa và nhỏ ngày càng lớn mạnh, số người sử dụng điện thoại di dộng và Internet ngày càng tăng nhanh… Đây là những tiền đề rất thuận lợi để thị trường kiều hối và dịch vụ chuyển tiền phát triển tốt hơn nữa.

Trong tương lai gần, kiều hối sẽ tăng mạnh khi quy chế về việc đi lại, lưu trú và sở hữu nhà đất dành cho người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng thông thoáng hơn. Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư vào nước ta ngày càng bùng nổ sẽ là cú hích lớn khơi mạnh hơn nữa dòng kiều hối.

Tuy tiềm năng rất to lớn nhưng dịch vụ kiều hối còn gặp khá nhiều trở ngại để hiện thực hóa nguồn lực này. Theo ông Nguyễn Tuyên, Phó Tổng giám đốc Eden Group, các ngân hàng chưa chịu khó tìm hiểu hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể của khách hàng nên nhiều dịch vụ còn xa lạ với người dân.

Chẳng hạn với thị trường Đài Loan, đối tượng chủ yếu là các cô dâu, đa số có học vấn thấp, lại bất đồng ngôn ngữ nên hầu như không biết gì về dịch vụ chuyển tiền, hoặc chẳng biết cách nào gửi tiền nhanh về quê giúp người thân. Ông Tuyên cũng thừa nhận là cung cách phục vụ của các nhà dịch vụ chưa tốt.

Nhân viên giao dịch chưa thật sự xem trọng khách hàng, vẫn còn lối suy nghĩ là khách hàng cần mình. Trong khi đó, khách hàng đa số là người lao động có học vấn thấp hoặc ở nông thôn, thường e ngại khi đến những điểm giao dịch hiện đại để giao dịch. Bà Lý nhận định chất lượng dịch vụ quyết định đến 60-70% khả năng lôi cuốn khách hàng.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng công tác tiếp thị  của ta còn chưa được quan tâm đúng mức, người dân cũng khó có điều kiện tiếp cận các thông tin này. Ông Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Công ty kiều hối Sacomrex, cho rằng cần phải hiểu được văn hóa của người Việt sống ở nước ngoài mới thuyết phục được họ sử dụng dịch vụ chuyển tiền; phải đa dạng hơn nữa dịch vụ, đầu tư công nghệ để rút ngắn thời gian giao dịch, đơn giản hóa thủ tục…

SGGP

Các tin tức khác

>   Gửi tiền tiết kiệm thời… mất giá (18/12/2007)

>   HSBC hỗ trợ giao thương VN - Đài Loan (18/12/2007)

>   EXIMBANK tăng vốn điều lệ (18/12/2007)

>   Giá vàng giảm liên tục - Các công ty đua nhau nhập khẩu vàng (18/12/2007)

>   AFD tài trợ phát triển nông thôn miền Trung (18/12/2007)

>   Temenos, IBM giúp SCB hiện đại hóa công nghệ ngân hàng (18/12/2007)

>   Đấu thầu 1000 tỷ đồng TPCP do Kho bạc phát hành (17/12/2007)

>   ABBANK cho vay 90% tổng nhu cầu vốn để mua căn hộ của Phú Long (17/12/2007)

>   Bị 'xin đểu' khi rút tiền từ ATM (17/12/2007)

>   EVN và ABBANK cung cấp các giải pháp về vốn cho các nhà thầu đảm bảo thi công các dự án điện (17/12/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật