!
Thứ Sáu, 17/08/2007 06:31

Nhà đầu tư đang thiếu tư vấn!

Tôi có nên mua vào cổ phiếu F. ở thời điểm hiện nay? Cổ phiếu S. tôi đang nắm giữ đã giảm hơn 20% rồi, có nên cắt lỗ hay không?... Những câu hỏi này luôn được các nhà đầu tư (NĐT) đưa ra với nhân viên môi giới tại các công ty chứng khoán (CTCK). Nhưng không phải lúc nào NĐT cũng nhận được câu trả lời như mong muốn.

Chỉ cung cấp thông tin

Trong vai một NĐT mới, đi tìm hiểu để tham gia thị trường, chúng tôi được nhân viên môi giới CTCK V. tại TP.HCM tư vấn khá nhiệt tình. Nhân viên này cho rằng, tham gia vào thị trường chứng khoán lúc này là "chị đã lời hơn người khác từ 10-15% rồi vì giá đã giảm so với mức cao ngất ngưỡng lúc đầu năm"... Khi được hỏi có nên mua cổ phiếu (CP) F. trong thời điểm hiện nay (giữa tháng 8.2007)? Nhân viên này dẫn lại thông tin từ báo cáo của VinaCapital và cho biết có thể mua với giá từ 240.000 đồng/CP trở xuống. Tại một CTCK khác, khi chúng tôi hỏi có những CP nào giá dưới 100.000 đồng/CP đáng xem xét để đầu tư? Chúng tôi cũng được nhân viên môi giới đưa ra vài loại như H., P.,... Nhưng với câu hỏi có nên bán cắt lỗ hay không thì chúng tôi không nhận được câu trả lời.

Nhu cầu được tư vấn của NĐT cá nhân rất cao. Nhất là thời điểm hiện nay, khi thị trường không còn cảnh mua đâu, thắng đó nên NĐT rất cần có nhiều thông tin, có người trao đổi trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Theo ông Trương Duy Khiêm - Trưởng phòng môi giới CTCK ACBS, nhân viên môi giới chỉ có thể cung cấp thông tin xoay quanh một loại CP nào đó mà NĐT đang quan tâm, như: diễn biến giá; ai đang mua/bán loại CP này; chỉ số tài chính; mức giá hiện tại hợp lý chưa?...

Nếu để đưa ra được những lời khuyên cụ thể hơn thì NĐT cũng phải trả lời một số câu hỏi từ người tư vấn, như: Số vốn đó là vốn vay hay tiền nhàn rỗi, chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng tài sản của NĐT, muốn nắm giữ CP dài hạn hay ngắn hạn, kỳ vọng lợi nhuận là bao nhiêu phần trăm?... "Chúng tôi phải biết được những thông tin từ phía NĐT mới có thể đưa ra những tư vấn cụ thể. Điều đó liên quan đến mức độ chịu đựng rủi ro của NĐT như thế nào. Tuy nhiên, nhiều NĐT lại không muốn nói cho người khác biết tình hình tài chính của mình. Niềm tin lẫn nhau của cả hai bên không nhiều thì cũng chỉ có những thông tin mang tính hỗ trợ" - ông Trương Duy Khiêm nói. Giám đốc một CTCK khác cũng cho rằng không nên tư vấn mua hay bán cái gì cụ thể mà chỉ đưa ra tất cả những thông tin có liên quan đến CP mà NĐT quan tâm.

Chưa chuyên nghiệp

Nhiều NĐT cho biết nhân viên môi giới ở các CTCK không chuyên sâu về phân tích nhưng lại nắm bắt thông tin nhanh nhạy hơn nên thông tin mang tính thời sự nhất. Một NĐT tên Bảo tại CTCK SSI (TP.HCM) cho biết anh không có nhiều thời gian để xem diễn biến các CP hằng ngày. Vì vậy, trước khi muốn mua bán CP nào, anh đều hỏi thêm thông tin ở nhân viên môi giới. "Tôi nghĩ rằng các NĐT sẵn sàng trả tiền để mua các thông tin tư vấn có giá trị vì nó sẽ mang lại lợi nhuận cho mình" - anh Bảo nói. Trong khi đó, dịch vụ tư vấn cho NĐT ở hầu hết CTCK hiện nay đều mang tính hỗ trợ nên hoàn toàn miễn phí.

Một số CTCK như Rồng Việt, SSI, BVSC, ACBS, CBV... hằng tuần hoặc hằng tháng đều có đưa ra những bảng phân tích thị trường và phát hành rộng rãi. Những thông tin này được phân tích sâu hơn nhưng lại không mang tính thời sự. Giám đốc một CTCK tại TP.HCM thừa nhận các nhân viên môi giới chưa trở thành một tư vấn chuyên nghiệp như ở các nước là điều bình thường. "Nếu trở thành nhà tư vấn chuyên nghiệp, khi đó NĐT phải trả tiền và tính theo giờ tư vấn chẳng hạn. Nhưng ở Việt Nam thì điều này chưa có vì đây là một lĩnh vực còn mới, tìm người có kinh nghiệm rất khó" - vị giám đốc này nói. Ông Bùi Văn Tuynh, Tổng giám đốc CTCK Đại Việt nhận xét lĩnh vực tư vấn cho NĐT chứng khoán tại Việt Nam vẫn còn yếu và thiếu. "Bản thân Công ty Đại Việt cũng có tư vấn cho NĐT trong những ngày giao dịch. Tuy nhiên vì không đủ người nên cũng không áp dụng rộng rãi cho tất cả khách hàng" - ông Tuynh nói.

Nhìn chung, những lời tư vấn của các nhân viên môi giới còn nặng về cảm tính. Hơn nữa, các quy định ràng buộc về trách nhiệm của người tư vấn hầu như không có nên NĐT phải biết sàng lọc và xem đó như một nguồn thông tin tham khảo. Hiện nay, nhiều CTCK đang đẩy mạnh mảng dịch vụ, trong đó có tư vấn cho NĐT để nâng cao uy tín và thương hiệu của mình. Theo ông Bùi Văn Tuynh, trong thời điểm thị trường biến động mạnh như hiện nay, NĐT cũng phải tìm hiểu thông tin liên tục liên quan đến ngành, công ty mà mình đang hoặc sẽ đầu tư vào. Khi đó, tự bản thân NĐT sẽ có được những quyết định phù hợp mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào lời tư vấn từ bên ngoài

Thanh nien

Các tin tức khác

>   HBC: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn (16/08/2007)

>   SSI thông báo tăng vốn điều lệ (16/08/2007)

>   TNC: Bản cáo bạch niêm yết lần đầu (16/08/2007)

>   PJT: Báo cáo tài chính QII/2007 (16/08/2007)

>   TNC niêm yết và ngày giao dịch đầu tiên (16/08/2007)

>   BHS và FE sẽ xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol sinh học tại Tây Ninh (16/08/2007)

>   Kinh Đô góp vốn vào SSC (16/08/2007)

>   BHS: Phân xưởng đường hoạt động trở lại (16/08/2007)

>   PPC: Kết quả giao dịch cổ phiếu của người có liên quan (16/08/2007)

>   Nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký niêm yết của Xi măng Hà Tiên I (16/08/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật