Thứ Sáu, 13/07/2007 10:52

Xúc tiến thương mại: 4 bất cập lớn

Chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống xúc tiến thương mại còn nhiều bất cập, theo điều tra các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương do Cục Xúc tiến thương mại vừa tiến hành.

Đến nay, 64 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã có bộ phận chuyên trách về xúc tiến thương mại, trong đó có 50 địa phương đã thành lập trung tâm xúc tiến thương mại. Còn lại 14 địa phương chưa thành lập trung tâm xúc tiến thương mại nhưng tại các sở thương mại hoặc sở thương mại du lịch đều đã có bộ phận chuyên trách cấp phòng đảm nhiệm.

Bên cạnh đó là 67 hiệp hội ngành hàng, các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan thương vụ và các trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại nước ngoài nắm giữ vai trò hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin, tư vấn kinh doanh, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại.

“Chắc chắn nhu cầu dịch vụ xúc tiến thương mại và yêu cầu về chất lượng dịch vụ xúc tiến thương mại sẽ ngày càng cao khi kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới, khi các yếu tố của kinh tế thị trường phát triển cao hơn, tính thị trường rõ nét hơn”, ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhận định.

Theo các chuyên gia của Cục, có 4 bất cập lớn mà hệ thống xúc tiến thương mại hiện nay cần khắc phục.

Thứ nhất là nguồn nhân lực. Nếu tính cả số lượng cán bộ hiện tại và nguồn bổ sung từ các đơn vị thì vẫn bị thiếu. Số liệu điều tra chỉ rõ, chỉ có 31,7% các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương có trên 10 cán bộ trực tiếp làm công tác xúc tiến thương mại.

Thế nhưng đội ngũ này đang “vấp” phải 2 hạn chế căn bản là nghiệp vụ và ngoại ngữ. Trong khi công việc này đòi hỏi phải giao tiếp thường xuyên với các đối tác nước ngoài để trao đổi thông tin, đàm phán, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đồng thời, kết quả điều tra cũng cho thấy 56% các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương vẫn chưa có chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng xúc tiến thương mại cho cán bộ.

Thứ hai là nguồn ngân sách hoạt động. Theo thống kê có 37,5% các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương có ngân sách hoạt động dưới 500 triệu đồng; 31,4% các đơn vị có ngân sách từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Chỉ có 31,1% các đơn vị có ngân sách từ 2 tỷ đồng trở lên. Do được tổ chức dưới hình thức đơn vị sự nghiệp có thu, nguồn kinh phí do Nhà nước hỗ trợ chủ yếu mới chỉ đủ để duy trì bộ máy hành chính.

Thứ ba là cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xúc tiến thương mại. Ông Đỗ Thắng Hải nhận định, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xúc tiến thương mại của Việt Nam còn đang trong tình trạng thiếu thốn và sơ sài.

Ông Hải giải thích rằng nguyên nhân chính dẫn tới quy mô của các hội chợ triển lãm được tổ chức tại các địa phương còn nhỏ là do địa điểm tổ chức có diện tích hạn chế (như nhà văn hoá thiếu nhi, công viên, sân vận động...), chưa có địa điểm chuyên dụng cho các hội chợ triển lãm quy mô lớn, mang tầm quốc tế.

Thứ tư là khả năng cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại. Tại các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương, việc xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại hàng năm đã có xu hướng dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, chiếm 51,2%.

Theo điều tra, các doanh nghiệp đã từng sử dụng dịch vụ xúc tiến thương mại đều cho rằng chất lượng dịch vụ còn ở mức trung bình và tính chuyên nghiệp chưa cao. Điểm đáng chú ý là mặc dù có sự tăng trưởng về số lượng các cơ quan xúc tiến thương mại nhưng do nguồn lực và năng lực hạn chế nên việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đối với các dịch vụ xúc tiến thương mại chưa cao.

So sánh các dịch vụ được cung ứng năm 2006 với năm 2004 và 2005 thì hầu hết chất lượng cung ứng dịch vụ đều tăng không đáng kể.

Kết quả điều tra chỉ rõ nhu cầu về thông tin thương mại của các doanh nghiệp tại địa phương luôn ở mức cao, trong khi khả năng đáp ứng của các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương chỉ ở mức trung bình. Chỉ có 17,07% số lượng các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương có khả năng đáp ứng nhu cầu này ở mức khá và 7,3% ở mức tốt.

Nếu phân chia nhỏ hơn, một dẫn chứng cụ thể là trong khi nhu cầu của doanh nghiệp về thông tin cơ hội kinh doanh là cao, thì khả năng đáp ứng nhu cầu này của các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương vẫn chỉ ở mức khá hoặc trung bình, chỉ có 7% các đơn vị có khả năng đáp ứng ở mức tốt.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận cả phía doanh nghiệp - đối tượng sử dụng thông tin. Bởi năng lực thu thập, xử lý thông tin của nhiều doanh nghiệp còn chưa cao, thậm chí nhiều trường hợp còn chưa xác định rõ doanh nghiệp mình cần thông tin gì.

Về dịch vụ tổ chức hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, khảo sát thị trường nước ngoài cũng khả quan hơn với 39% các đơn vị có thể tổ chức hoạt động này từ mức khá trở lên. Bên cạnh đó, đào tạo phát triển nguồn nhân lực cũng là một dịch vụ cơ bản của các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương.

Tuy nhiên, chỉ có 29% đơn vị thực hiện tốt, phần lớn đang ở mức khá hoặc trung bình. Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ của cơ quan xúc tiến thương mại là hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu.

Nhưng kết quả điều tra cho thấy phần lớn các đơn vị chưa có kế hoạch và hành động cụ thể. Hiện mới dừng lại ở mức một số đơn vị bước đầu hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương...

Nếu như việc ứng dụng thương mại điện tử trong nhiều lĩnh vực đang rất sôi động thì trong công tác xúc tiến thương mại vẫn chủ yếu ở mức trung bình hoặc kém. Chỉ có 12% số cơ quan xúc tiến thương mại địa phương ứng dụng thương mại điện tử mức khá trở lên, 58% không cung cấp thông tin về hoạt động ứng dụng thương mại điện tử.

VnEconomy

Các tin tức khác

>   “Hàng trăm nhà đầu tư muốn vào Nghi Sơn" (13/07/2007)

>   Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Cần Giờ: Tập trung đầu tư nuôi trồng thủy sản và nghề muối (13/07/2007)

>   Từ một quyết đáp “ngược” (13/07/2007)

>   Hàng VN xuất khẩu sang EU: cần tăng cường tính cạnh tranh (13/07/2007)

>   Sabeco: 690 tỷ đồng xây dựng NM sản xuất bao bì (13/07/2007)

>   Thêm một DN đầu tư vào KCN Đồ Sơn (13/07/2007)

>   Nhà máy thép SMC Phú Mỹ chuyển mô hình hoạt động (13/07/2007)

>   Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN 2007: Khẳng định vị thế doanh nghiệp Việt Nam (13/07/2007)

>   Lưới điện quốc gia được bù khoảng 800 MW  (13/07/2007)

>   Quảng cáo qua mạng phát triển nhanh (13/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật