Từ một quyết đáp “ngược”
Cùng trong ngày 11-7, tại Hà Nội, cùng một vấn đề, nhưng có hai quyết đáp tưởng chừng khá “ngược” nhau. Đó là chuyện về chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ở tầm vĩ mô, tại hội nghị quán triệt Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết 16/2007/NQ-CP nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chỉ đạo: Không một đơn vị nào được đứng ngoài cuộc chương trình hành động quan trọng này. Để tránh xây dựng kế hoạch chung chung, hình thức, các bộ, ngành, địa phương cần bám sát những nhiệm vụ cụ thể mà Chính phủ đã giao, xác định rõ những nội dung và giải pháp của đơn vị.
Ở cấp địa phương, tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội, 64,13% đại biểu đã biểu quyết chưa thông qua nghị quyết về “những giải pháp, chính sách phát triển kinh tế thủ đô sau khi gia nhập WTO”. Cả nước vào “sân chơi” WTO đã hơn nửa năm, tại sao có quyết đáp như muốn “đứng ngoài cuộc” vậy? Thì ra, lý do mà các đại biểu HĐND TP Hà Nội đưa ra lại rất… có lý. Đó là việc chuẩn bị nghị quyết này chưa đạt yêu cầu. Cả 8 giải pháp lớn đưa ra không chỉ chưa cụ thể hóa được đề án của Thành ủy Hà Nội về vấn đề này, mà còn “chung chung”, “thiếu cơ sở khoa học, thực tiễn” và “hình thức”!
Liên quan đến hội nhập WTO, cách đây 1 tuần, tại Hội nghị Thành ủy Hà Nội lần thứ 8, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng thẳng thắn nhận xét rằng, mặc dù những thành tựu đạt được là rất to lớn, song TP Hà Nội cũng chỉ nên tự hào ở mức “vừa vừa” khi những mặt hàng chủ đạo của nền kinh tế mới chỉ là… màn tuyn, bóng đèn, săm lốp. Ông cũng thẳng thắn thừa nhận, sức cạnh tranh của kinh tế thủ đô trong bối cảnh hội nhập quốc tế chỉ ở mức thấp.
Trước thực tế đó, rõ ràng việc xác định hướng hội nhập kinh tế của thủ đô với thế giới – là vấn đề cấp thiết, song cũng phải rất cụ thể, có tính đột phá. Khi công tác chuẩn bị chưa đáp ứng được, thì việc phải làm lại cho đạt yêu cầu là điều tất yếu. Đó chính là ý thức trách nhiệm cao của “người đại biểu nhân dân”. Và đáng ghi nhận hơn, đó là cách thể hiện thái độ nghiêm khắc “tuyên chiến” với kiểu làm việc dễ dãi, hình thức, thiếu sáng tạo và không hiệu quả.
Quyết đáp của HĐND TP Hà Nội tưởng “ngược” song rốt cuộc lại rất đúng với tinh thần mà Phó Thủ tướng Chính phủ vừa quán triệt. Vậy nên, cách quyết đáp ấy rất đáng để các địa phương khác tham khảo!
SGGP
|